Mua sắm tại cửa hàng thời trang ở TP.HCM (ảnh chụp ngày 16-9) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau thời gian nhiều người Việt phải ra nước ngoài mua hàng hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới, hàng hiệu tự tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều.
Nhiều hãng thời trang ngoại đang lấn lướt tại các trung tâm thương mại khi không ít người tiêu dùng Việt đang sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho hàng "sang chảnh".
Doanh thu khối ngoại tăng nhanh
Là "tín đồ" thời trang ngoại, chị Nhung (Hà Nội) cho biết trừ các mặt hàng cao cấp, giá sản phẩm của các hãng thời trang ngoại khá phổ biến ở tầm 300.000-900.000 đồng/chiếc, lại hay khuyến mãi.
Trước đây thường phải mua quần áo qua các kênh như shop bán hàng xách tay nhưng mức giá khá cao mà không cập nhật được thường xuyên các mẫu mới, chị Nhung khá bất ngờ khi phó chủ tịch Hãng thời trang Uniqlo của Nhật vừa chính thức tuyên bố kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng tại thị trường Đông Nam Á với số lượng gấp đôi hiện nay lên con số 400, đặc biệt tại Việt Nam, Lào, Myanmar.
Các hãng thời trang ngoại muốn nhảy vào thị trường Việt Nam không phải lạ.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp dệt may lớn ở Việt Nam, người Việt đã khá nổi tiếng tại một số nước Đông Nam Á với khả năng mua sắm hàng hiệu, nhất là tại Singapore. Vì vậy, không có lý gì những "ông lớn" đứng ngoài cuộc.
Thương hiệu thời trang Zara (Tây Ban Nha) khi kết thúc năm 2016 (với thời gian kinh doanh chưa đầy 4 tháng), theo số liệu của Công ty CP nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), đã đạt doanh thu 321 tỉ đồng, tức bình quân đạt mức thu 2,8 tỉ đồng/ngày.
Các cửa hàng Zara tại Việt Nam do Mitra Adiperkasa (MAP) vận hành. MAP đã thành lập Công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam để kinh doanh thêm các thương hiệu Pull&Bear, Stradivarius, Massimo Dutti tại Việt Nam.
Qua việc mở mới các cửa hàng với thương hiệu Pull&Bear, Stradivarius, Massimo Dutti đồng thời mở thêm cửa hàng Zara năm 2017, doanh thu của toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỉ đồng.
Nửa đầu năm 2018, doanh thu tiếp tục tăng trưởng 133% so với cùng kỳ 2017, lên gần 950 tỉ đồng - tức bình quân đạt gần 5,3 tỉ đồng/ngày.
Sau một năm hiện diện tại thị trường Việt Nam, Hãng thời trang Thụy Điển Hennes & Mauritz AB (H&M) cũng đạt doanh thu khoảng 322 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2018 và đang mở thêm cửa hàng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện H&M tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là thị trường có tiềm năng cao khi người trẻ Việt ngày càng nhanh chóng cập nhật xu hướng thời trang trên thế giới.
H&M cho hay sau một năm có mặt tại Việt Nam, số cửa hàng đã tăng lên 6 và hãng này không giấu tham vọng sẽ không ngừng tìm kiếm những địa điểm mới để mở thêm nhiều điểm bán.
Cạnh tranh khốc liệt hơn
Theo ông Trịnh Đình Long - chuyên gia về phát triển thương hiệu hàng tiêu dùng, trong bối cảnh các hãng thời trang như Zara, H&M, Mango, Topshop... đang liên tục nhảy vào Việt Nam thì việc Uniqlo tuyên bố mở chuỗi là để nhanh chóng nắm lấy miếng bánh thị phần.
Đặc biệt khi Uniqlo có lợi thế cạnh tranh rất lớn về chi phí bởi đã chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam, việc mở cửa hàng là để sớm hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín.
Sự góp mặt của thương hiệu này không những tạo nên cuộc cạnh tranh trên thị trường thời trang ngày càng khốc liệt hơn, mà còn tác động tới mặt bằng thiết kế và sự phát triển của ngành phụ trợ.
Với dân số đông và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, thị trường thời trang Việt Nam đang ngày càng trở thành "miếng ngon" hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), mỗi năm tổng nhu cầu thị trường nội địa lên tới 40 triệu bộ quần áo với quy mô 4,5 tỉ USD, tức mỗi năm người Việt chi ra khoảng 100.000 tỉ đồng cho quần áo.
Một bộ phận người dân có tâm lý sính ngoại nên thị trường thời trang Việt Nam đang trở thành mảnh đất "hái ra tiền" cho không ít thương hiệu thời trang ngoại.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp dệt may lớn phía Nam, nguy cơ các thương hiệu ngoại chiếm lĩnh thị phần mảng thời trang trung và cao cấp là hoàn toàn có thể.
Báo cáo của VIRAC cho thấy trong khi Zara đã đạt doanh thu lên tới gần 1.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2018 thì Vinatex (với hàng loạt công ty thành viên) doanh thu trong sáu tháng đầu năm tại thị trường nội địa vẫn trên 6.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chỉ một số thương hiệu quy mô lớn của Vinatex như Phong Phú, Việt Thắng... mới đạt được mức doanh thu trên Zara, còn lại hầu hết đều chỉ đạt doanh thu từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng.
Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may hàng đầu, vì vậy lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may tự tin doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh được ở trong nước tại nhiều phân khúc.
Vấn đề là các doanh nghiệp dành sự quan tâm, đầu tư như thế nào, thực sự tương xứng chưa trước các chỉ số doanh thu của khối doanh nghiệp ngoại.
Hàng Việt mắc hơn hàng ngoại, người mua e dè
Theo ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM), các hãng thời trang nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam hiện tại chưa gây áp lực lớn ở một số phân khúc thời trang cho các doanh nghiệp trong nước, song các doanh nghiệp Việt cần phải tính tới chuyện tương lai ngay từ bây giờ.
Bởi một bộ phận người Việt rất yêu thích thương hiệu ngoại dù kiểu dáng và chất lượng nhiều khi không hơn sản phẩm Việt Nam.
Muốn cạnh tranh với các hãng thời trang nước ngoài, doanh nghiệp Việt phải đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu, thiết kế các sản phẩm sao cho phù hợp hơn nữa với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là giá cả.
Hiện nay, nhiều thương hiệu thời trang có kiểu dáng phù hợp với dân văn phòng, giới trẻ nhưng giá quá cao, thậm chí đang đắt hơn so với hàng ngoại nên người tiêu dùng kém mặn mà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận