10/02/2012 04:11 GMT+7

"Thượng đế" không phải người tiêu dùng

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Mỗi bình gas tăng thêm trên 70.000 đồng đã ảnh hưởng đến bữa ăn của nhiều gia đình, người kinh doanh có thể dựa vào đó để tăng giá bán bữa ăn, ít nhiều tác động xấu đến giá cả.

Doanh nghiệp kinh doanh gas: "cưng" đại lý, bỏ mặc người dùngTiếp tục kiểm tra giá tại các công ty gasĐề nghị giảm thuế nhập khẩu gas xuống 2%Sốc với giá gas, giá sữa đầu nămGiá gas tăng thêm 42.000 đồng/bình

Giá gas có liên quan đến dịch vụ ăn uống, nhóm hàng hóa - dịch vụ dễ bị tăng giá nhất. Việc tăng giá gas vì thế có thể “khuấy động” mặt bằng giá vốn tương đối êm ả do sức mua yếu, và chịu tác động là hàng triệu người dân thành thị, công nhân, sinh viên...

Các công ty gas nói rằng việc tăng giá là do giá thế giới tăng và họ đề xuất Nhà nước chia sẻ bằng cách giảm thuế nhập khẩu gas. Thế nhưng người tiêu dùng không khỏi bất bình, khi một số công ty kinh doanh gas mạnh tay chi thêm cho nhà phân phối gas, chẳng buồn giảm giá cho người tiêu dùng đang phải móc hầu bao để trả thêm cho giá gas. Điều này cho thấy các công ty gas đang cần người bán chứ không cần người tiêu dùng. Không như những gì mà người tiêu dùng nghĩ, nhiều công ty gas không tổ chức mạng lưới đại lý phân phối gas (các đại lý bán gas theo giá do công ty quy định và hưởng hoa hồng), mà phần lớn đều mua đứt bán đoạn (công ty bán gas cho các nhà phân phối, sau đó các đơn vị này bán cho người tiêu dùng). Vì vậy với nhiều công ty gas, khách hàng trực tiếp của họ là nhà phân phối gas chứ không phải người tiêu dùng.

Lẽ đương nhiên, các công ty phải chiều chuộng những “thượng đế” này, khi có điều kiện họ sẽ giảm giá để các nhà phân phối mua thêm nhiều gas của công ty. Còn việc các nhà phân phối có giảm giá cho người tiêu dùng hay không, các công ty gas không quan tâm.

Cũng do các công ty gas không muốn và cũng không bị ràng buộc phải đầu tư mạng lưới bán lẻ theo hình thức đại lý nên người tiêu dùng thêm một lần bị thiệt. Chẳng mấy ai biết chính xác bình gas được các công ty bán ra với giá bao nhiêu, lúc nào thì công ty giảm giá bán. Ít khi thấy nhân viên gas giao hàng có kèm theo bảng giá, hóa đơn. Người tiêu dùng cũng khó tìm được giá bán lẻ gas trên trang web của các công ty gas để có thể so sánh giá bán giữa các cửa hàng, công ty gas qua đó chọn lựa đơn vị có giá bán cạnh tranh nhất.

Tình trạng các công ty gas chiều chuộng nhà phân phối hơn người tiêu dùng có nguyên nhân quy định của Nhà nước về kinh doanh gas theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp hơn là thiết lập một thị trường vì người tiêu dùng. Nhất là không buộc các đơn vị này đầu tư đến cùng cho hệ thống phân phối để có thể đưa gas đến tận tay người tiêu dùng với giá hợp lý nhất. Vì vậy, tình trạng ưu đãi cửa hàng gas, bỏ mặc người tiêu dùng sẽ còn tái diễn.

Quyền lợi của người dùng gas chỉ được bảo vệ khi Nhà nước siết lại các quy định về hệ thống phân phối gas theo hướng các công ty phải đầu tư và có trách nhiệm cao hơn với các đại lý gas, cũng như sản phẩm mà các đại lý này phân phối. Chỉ có thế, khi thị trường có “biến”, các cơ quan quản lý thị trường mới có thể nắm kẻ có tóc để chấn chỉnh, bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên