Các em này chỉ vào độ tuổi 6-8 đã phải xa vòng tay ôm ấp, bảo bọc, che chở của cha mẹ đến ở khu tái định cư để đi học tìm cái chữ.
Các em này có kỹ năng sống rất đáng quý trọng, đó là biết đùm bọc, tự chăm sóc lẫn nhau, tự nấu ăn hằng ngày để sinh sống. Bữa ăn các em chỉ là rau, thỉnh thoảng vài ba tuần gia đình lên thăm chỉ tiếp tế vỏn vẹn khoảng 20.000 đồng cho các em tiêu xài vào chuyện mua rau thôi chứ chưa bao giờ trong bữa ăn có thịt cá.
Đêm xuống muốn học bài thì các em phải đội đèn pin trên đầu lấy ánh sáng hoặc chờ đêm trăng sáng mang sách vở ra ngoài đường học. Nghe và thấy những cảnh ấy tôi lo cho các em khi mùa mưa lũ, gió lạnh rét về nếu có em bị bệnh đột xuất thì các em sẽ lo liệu ra làm sao?
Tôi cũng thấy hình như các em vô tư, các em quên đi những chuyện khó khăn trong cuộc sống để vẫn vui tươi, hồn nhiên. Như em Hơ Thị Sua, ngày nào cũng ăn mì gói thay cơm mà mắt vẫn sáng long lanh, miệng vẫn tươi cười. Em Hờ Thị Thương ngồi học bài, một tay viết chữ một tay bế em giúp mẹ.
Khi giải trí thì các em chỉ biết tập trung chạy nhảy chơi trò chơi tự tạo, tụ tập xem phim ở nhà ông Sùng Vàng Lao hay rủ nhau ra tắm suối nô đùa; khi đói thì tự nấu ăn như em Vừ A Đông dù em mới lên 8 tuổi...
Thương cho tuổi thơ của các em!
Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo khi đọc phóng sự ảnh này nên lấy hình ảnh trực quan đó mà giáo dục con em và học sinh mình phải biết tự lập trong cuộc sống, đừng lúc nào cũng bấu víu lấy mẹ cha, tránh đi những trò chơi vô bổ trên Internet vừa tốn thời gian và hại cho sức khỏe.
Các em phải biết phấn đấu vượt qua khó khăn học tập cho thật tốt, đồng thời phải biết thương yêu giúp đỡ các bạn bằng việc cụ thể nào đó để sẻ chia như tiết kiệm chút tiền ăn quà vặt mà gửi tặng làm quà cho các bạn ở Đắk Lắk khi năm hết tết sắp đến. \
Đó cũng là chút san sẻ với những tuổi thơ vất vả đã sớm phải tự lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận