02/11/2022 09:36 GMT+7

Thuế thu nhập cá nhân: Cần sòng phẳng với dân

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vượt kế hoạch cả năm gần 9% chỉ sau chín tháng. Theo lẽ thường, số thuế nộp tăng chứng tỏ thu nhập của người nộp thuế tăng, đời sống đi lên nhưng thực tế chưa hẳn vậy.

Thuế thu nhập cá nhân: Cần sòng phẳng với dân - Ảnh 1.

Cần cập nhật mức giảm trừ gia cảnh hằng năm để chia sẻ kịp thời gánh nặng tăng giá với người dân - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đời sống của rất nhiều người làm công ăn lương ngày càng khó khăn vì giá cả tăng chóng mặt mà các khoản giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc vẫn đứng yên.

Thu nhiều hơn thuế từ doanh nghiệp nhà nước

Theo số liệu của Bộ Tài chính, chín tháng đầu năm số thu thuế TNCN đã vượt kế hoạch cả năm với con số tuyệt đối 128.430 tỉ đồng. Đáng nói, số tiền thu từ thuế TNCN chín tháng qua còn cao hơn số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, phần lớn là đóng góp đều đặn từ người làm công ăn lương.

Cách đây 20 năm, người nộp thuế thu nhập cao đóng góp cho ngân sách chưa đến 1% tổng thu ngân sách. Còn năm năm trở lại đây, kể cả khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tổng tiền thuế TNCN hằng năm chiếm 8 - 10% tổng thu ngân sách. Chứng tỏ rằng đóng góp của người nộp thuế TNCN là rất lớn.

Thế nhưng, họ không được giảm trừ tiền học phí cho con, tiền khám chữa bệnh... Luật thuế TNCN quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức gia cảnh gần nhất thì Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ phù hợp với biến động của giá cả cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Với cách tính này phải chờ rất lâu mức giảm trừ mới được điều chỉnh và thực tế thời gian qua, mức giảm trừ thường lạc hậu ngay từ khi vừa áp dụng.

Ở nhiều nước, không chỉ học phí, tiền viện phí mà tiền trả góp mua xe, mua nhà, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống... cũng được kê khai để khấu trừ thuế. Thế nhưng ở VN dù có nhiều kiến nghị nhưng Bộ Tài chính vẫn quản lý "cứng" trong khung giảm trừ gia cảnh.

Từ hơn hai năm qua, đồng lương của người làm công ăn lương ngày càng teo tóp bởi cơn bão giá. Nhất là từ đầu năm nay, giá cả hàng hóa tăng phi mã bởi hàng loạt hiệu ứng như giá xăng, giá cước, lãi suất, tỉ giá... Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng không đủ lo chi phí trong cuộc sống, nhất là khi sinh sống tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Hệ quả là người làm công ăn lương phải thắt chặt chi tiêu hết mức có thể. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn tác động tiêu cực đến phục hồi của nền kinh tế sau dịch.

Cần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh hằng năm

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, trong lúc thu ngân sách chín tháng đầu năm đã bằng 94% dự toán, Bộ Tài chính cần đề xuất miễn giảm 50% thuế TNCN năm 2022 cho người làm công ăn lương để hỗ trợ họ trong cơn bão giá trên tinh thần khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.

Ngoài ra để đảm bảo công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế, mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh hằng năm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng năm trước biến động bao nhiêu thì điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho kỳ tính thuế tiếp theo là bấy nhiêu.

Còn về lâu dài cần thiết kế lại Luật thuế TNCN, ngay từ tư duy đánh thuế để người làm công ăn lương thật sự cảm thấy tự hào khi được nộp thuế, được đóng góp cho ngân sách thay vì cảm thấy ấm ức do nộp thuế nhiều nhưng đời sống khó khăn vì giảm trừ luôn chậm hơn biến động giá cả.

Thu thuế tháng 10 tiếp tục tăng

THUE_NPH_1149

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu ngân sách tháng 10 tiếp tục tăng, ước đạt 130.300 tỉ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 110.100 tỉ đồng, tăng khoảng 37.100 tỉ đồng so với tháng trước, nhờ một số khoản thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng...

Như vậy, tổng số thu 10 tháng đầu năm ước đạt 1,464 triệu tỉ đồng, bằng 103,7% dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 65.500 tỉ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 236.100 tỉ đồng... Đáng chú ý, trong thu nội địa, tính đến nay sáu khoản thu vượt dự toán gồm: thuế thu nhập cá nhân, các loại phí, lệ phí, các khoản thu về nhà đất…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá số thu nội địa của tháng 10 tiếp tục có xu hướng giảm từ tháng 7 do một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao do giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, lãi suất, tỉ giá tăng. Nếu trừ một số khoản thu định kỳ theo quý thì số thu tháng 10 chỉ đạt 70.000 tỉ đồng trong khi thu nội địa bình quân năm tháng đầu năm đạt 130.800 tỉ đồng/tháng.

L.THANH

Thuế thu nhập cá nhân: Thuế thu nhập cá nhân: 'Sửa ở thời điểm thích hợp', ổn không?

TTO - Chi phí phục vụ cuộc sống tăng cao, rất nhiều người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho rằng đã đến lúc cần sửa Luật thuế TNCN để nhắc đến luật này không chỉ là thông tin tăng thu, mà còn là sự chia sẻ, nhân văn của Nhà nước.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên