29/04/2016 16:13 GMT+7

Thực phẩm bẩn: Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh và các lực lượng chức năng theo ngành dọc phải chịu trách nhiệm cá nhân với các vi phạm về ATVSTP xảy ra trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ATVSTP là vấn đề quan trọng nhất đến giống nòi, cần biện pháp mạnh, quy trách nhiệm cụ thể để công tác này đạt hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị các cấp cần vào cuộc để làm tốt công tác này, đồng thời chỉ đạo cần xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với vi phạm về ATVSTP.

Trong đó chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh và các lực lượng chức năng theo ngành dọc phải chịu trách nhiệm cá nhân với các vi phạm về ATVSTP xảy ra trên địa bàn. “Nếu không quy trách nhiệm cụ thể sẽ khó thành công” - Thủ tướng khẳng định.

Bí thư Thăng: Tôi không tin số liệu

Theo báo cáo tại hội nghị, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản được khống chế, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất salbutamol đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt.

Cũng theo báo cáo, hiện chỉ còn các trang trại sử dụng chất salbutamol thông qua thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp. Tuy nhiên, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể, trong tháng 3-2016 chỉ còn 0,66% so với tỉ lệ 9,8% vào tháng 1-2016.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bày tỏ băn khoăn về số liệu vì tình trạng mất ATVSTP hiện đang báo động, tràn lan. “Tôi không tin các con số như trong báo cáo” - ông Thăng nói. Theo ông Thăng, do không xác định được trách nhiệm cá nhân nên dù tình trạng mất ATVSTP diễn ra tràn lan nhưng “cả làng đều vui” vì không xử lý kỷ luật được ai.

Do đó nên có cơ chế từ cấp phường, xã. Chẳng hạn nếu làm tốt sẽ được khen thưởng, còn để xảy ra mất ATVSTP ở mức độ nào đó phải cách chức người đứng đầu. Các tỉnh thành mà quá nửa số quận huyện để xảy ra vi phạm về ATVSTP thì bí thư, chủ tịch chịu trách nhiệm. Tương tự, bộ quản lý chuyên ngành để xảy ra nhập chất cấm vào nhiều quá cũng phải chịu trách nhiệm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng chế tài hiện chưa đủ mạnh, tới đây cần áp dụng cơ chế nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào vi phạm nhiều lần thì cấm vĩnh viễn, không được tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm. Đại diện lãnh đạo Thanh Hóa nêu lo ngại với tình trạng cá chết hàng loạt vừa qua nếu không quản lý tốt sẽ nguy hiểm đến sức khỏe nhân dân.

Xử lý vi phạm ATVSTP ở mức cao nhất

Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng người dân bình thường không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn, nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu các phòng xét nghiệm, xe xét nghiệm di động để giúp người dân xác định.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, TP Hà Nội đang nhập xe chuyên dùng về để xét nghiệm nhiều loại thực phẩm lưu thông trên thị trường như rau củ quả, thịt cá, khoảng 3-4 tháng nữa sẽ có xe về đến Hà Nội.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công an cho biết Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) đã có nhiều quy định rõ ràng về tội phạm trong lĩnh vực ATVSTP, Bộ Công an sẽ tập trung phát hiện, đấu tranh và kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến ATVSTP.

Trong đó một số hành vi vi phạm được xem là hành vi tội phạm, bị xử lý về hình sự với chế tài nghiêm khắc, ngoài phạt tiền còn bị phạt tù (lên đến 20 năm nếu vi phạm nghiêm trọng), cấm kinh doanh...

“Phải ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn, trước tiên chọn những mặt hàng tươi sống liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân để làm” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong phần kết luận. Về kinh phí, Thủ tướng cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATVSTP để phục vụ công tác này.

Thủ tướng cũng cho phép các địa phương ứng trước ngân sách dành cho việc quản lý ATVSTP nhưng khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư thiết bị kiểm tra, sau đó thu phí và hoàn vốn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự đối với các vi phạm về ATVSTP.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương và cơ quan chức năng liên quan phải tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm ATVSTP. Sau cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm ATVSTP.

Đàn heo bị phát hiện dư lượng chất cấm salbutamol vượt mức cho phép được cơ quan chức năng chuẩn bị đưa đi tiêu hủy             - Ảnh: Trần Mạnh
Đàn heo bị phát hiện dư lượng chất cấm salbutamol vượt mức cho phép được cơ quan chức năng chuẩn bị đưa đi tiêu hủy - Ảnh: Trần Mạnh

Tiêu hủy 80 con heo VietGAP “dính” chất cấm

Ngày 27-4 tại TP.HCM, thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Phòng 5 (C49) Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an và Chi cục Thú y TP.HCM công bố quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Văn Toàn (ở Long An) với số tiền 25 triệu đồng về hành vi kinh doanh động vật chứa chất cấm, đồng thời buộc ông Toàn nộp thêm 100 triệu đồng chi phí tiêu hủy đàn heo 80 con bị phát hiện chất cấm.

Trước đó ngày 20-4, đàn heo này được ông Toàn vận chuyển từ Đồng Nai về bán cho một doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM, đã bị trạm kiểm soát giết mổ của DN này (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) phát hiện đàn heo có dấu hiệu mệt mỏi, đùi nở, đứng không vững và nổi mạch máu.

Nghi ngờ đàn heo sử dụng chất cấm, Chi cục Thú y TP phối hợp với DN lấy 3 mẫu nước tiểu heo xét nghiệm, kết quả cho thấy đàn heo dương tính với chất cấm salbutamol với hàm lượng gấp 5 lần cho phép.

Theo thông tin từ Chi cục Thú y TP.HCM, đàn heo này được ông Toàn mua từ trại heo Vy Hướng Mạnh (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) - cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, giết mổ theo giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cấp.

Ông Huỳnh Tấn Phát, chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, truy xuất nguồn cung cấp chất cấm cho trang trại. “Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận VietGAP của cơ sở vi phạm để không ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính” - ông Phát nói.

Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Quang, chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết đang cho người đi xác minh việc mua bán heo từ trang trại Vy Hướng Mạnh với ông Toàn, truy xuất đường đi của lô heo từ Đồng Nai lên TP.HCM.

“Chúng tôi chưa có kết luận cuối cùng. Nhưng do giá heo VietGAP luôn cao hơn heo thường nên có hiện tượng thương lái trộn heo bên ngoài vào với heo VietGAP để kiếm lời bất chính” - ông Quang cho hay.

HOÀNG LỘC - TRẦN MẠNH

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên