11/03/2016 09:02 GMT+7

​Thúc đẩy giao tiếp hành chính

ĐOÀN TỪ DUY
ĐOÀN TỪ DUY

TT - Từ một lời đặt hàng của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vào dịp sinh nhật Đoàn cách đây ba năm, trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: tiện nghi - xanh - sạch - đẹp” đã ra đời.

Anh Nguyễn Văn Duy, phó phòng QLĐT - Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, có thể thực hiện công việc của mình ở bất cứ đâu qua điện thoại kết nối mạng - Ảnh: Trường Trung
Anh Nguyễn Văn Duy, phó phòng QLĐT - Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, có thể thực hiện công việc của mình ở bất cứ đâu qua điện thoại kết nối mạng - Ảnh: Trường Trung


Dù vẫn chưa thật sự nóng sốt như mong đợi, nhưng như một người dân so sánh chuyện “mất cả tháng” chưa được giải quyết vấn đề như trước kia với hiện nay là “được xử lý ngay” thì dường như “công cụ” này đã phần nào tìm đúng chỗ bức xúc, mong mỏi của người dân.

Từ đó cũng thấy rằng người dân sẵn sàng tham gia, chung tay với chính quyền trong việc làm cho cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn. Câu chuyện về fanpage của UBND quận 12 (TP.HCM) trên số báo này (xem trang 10) cũng là một ví dụ. 

Mà không chỉ chuyện ngành đô thị Đà Nẵng, chuyện UBND quận 12, hiện nhiều ban ngành khác cũng bắt đầu “rục rịch” lập trang thông tin để người dân phản ảnh, hiệu quả như thế nào thì còn phải chờ thời gian trả lời. 

Thế nhưng trước mắt, việc lắng nghe và trả lời người dân một cách công khai, nhanh chóng không thể là việc không làm. 

Rõ ràng những bức xúc, mong mỏi của người dân một khi được “đi thẳng” tới các cấp chính quyền với sự quan sát của cả cộng đồng mạng, trong đó vừa có người dân vừa có lãnh đạo cấp cao hơn, chắc chắn sẽ tạo ra “sức ép” với những người thực thi công vụ. 

Việc người dân hỏi và được trả lời nhanh chóng hay chậm chạp thể hiện mức độ giao tiếp hành chính của những người có chức năng, mà nhìn chung lâu nay người dân phàn nàn rất nhiều về chuyện này.

Thư cứ gửi đi, đơn cứ mang đến, điện thoại phản ảnh cứ gọi rồi nhận được một câu chung chung “chờ, đang xử lý” là điều mà người dân không muốn nhận được nữa.

Chúng ta mong muốn có cuộc sống văn minh hơn, tức là có nơi hỏi và phải có nơi trả lời nhanh chóng và chính xác, không thể ừ hử cho qua hoặc thoái thác được nữa. Mối quan hệ công dân - nhà nước sẽ không còn đơn thuần như cách hiểu bấy lâu nay là quan hệ “dân - quan”.

Đó sẽ là cơ sở tốt để hình thành một nền hành chính mang tính phục vụ nhiều hơn và minh bạch hơn.

Đáng tiếc là theo chỉ số đánh giá cải cách hành chính năm 2015 của các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện được UBND TP.HCM công bố, nhiều cán bộ, công chức và cả lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện ít dùng thư điện tử cho công việc.

Trong đó, 28/43 đơn vị bị “trừ điểm” vì mức độ sử dụng thư điện tử cho công việc dưới 70%. Cá biệt có ba đơn vị có mức độ sử dụng thư điện tử cho công việc dưới 30% là Sở Xây dựng, Thanh tra TP và Sở Văn hóa - thể thao.

Dù thư điện tử, Facebook hay trang góp ý chỉ là “công cụ” hỗ trợ, nhưng nếu anh không sử dụng thì ai gửi đến, không đọc thì làm sao có cơ sở trả lời và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân?

Quan trọng nhất, mạng tiếp nhận thông tin sẽ là kênh phản ánh việc “thực thi công vụ” mà xã hội đang đòi hỏi từ những người được giao nhiệm vụ, xem họ có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Bởi lẽ thái độ phục vụ công dân, mức độ hài lòng của công dân, tất cả đều công khai ra đó.

ĐOÀN TỪ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên