31/10/2012 14:59 GMT+7

Thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông

VÕ VĂN THÀNH ghi
VÕ VĂN THÀNH ghi

TTO - Bên hành lang Quốc hội sáng 31-10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh triển vọng ra đời Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

6LyYjiSO.jpgPhóng to

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: Việt Dũng

Ông Phạm Bình Minh cho biết: Các nước trong ASEAN mong muốn cùng với Trung Quốc đi đến Bộ quy tắc ứng xử COC. Bộ quy tắc này sẽ có tính chất pháp lý ràng buộc cao hơn so với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) cũng như Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, hay nói cách khác là COC đưa ra được những biện pháp tốt hơn để đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực biển Đông.

Đối với COC, các nước ASEAN, trong đó phải nhấn mạnh vai trò của Việt Nam vì Việt Nam là điều phối viên trong ba năm vừa qua giữa ASEAN và Trung Quốc, đã đưa ra thống nhất được với nhau về những nguyên tắc, những thành tố cơ bản để đi đến COC.

Tại tháng 7 vừa qua ở Campuchia, các ngoại trưởng ASEAN đã thống nhất được với nhau những thành tố đó và bắt đầu đi vào đàm phán cùng với Trung Quốc để xây dựng COC. Điều đáng mừng là tháng 9 vừa qua các ngoại trưởng ASEAN họp không chính thức đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy COC và đã trao đổi với Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã đạt được một sự đồng ý có thể bắt đầu tham khảo không chính thức về vấn đề này. Quá trình này vẫn đang tiếp tục, hi vọng rằng chúng ta sẽ có được sự trao đổi chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc.

* Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại Campuchia tới đây, liệu vấn đề COC có được đề cập đến?

- Trong cấp cao ASEAN lần này, chắc chắn đó cũng là một chủ đề mà các lãnh đạo cấp cao sẽ nêu mong muốn là thúc đẩy sớm, để giữa ASEAN và Trung Quốc tiến hành trao đổi chính thức về COC. Đây không phải chỉ là giữa ASEAN và Trung Quốc mà các nước bên ngoài khu vực cũng rất mong muốn giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được đi vào thảo luận để xây dựng bộ quy tắc ứng xử này. Vì COC sẽ đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định cho khu vực, đồng thời quá trình ổn định trong khu vực cũng sẽ tác động đến các nước.

* Ông đánh giá sao về bản dự thảo COC chi tiết do Indonesia đề xuất vừa qua?

- Các nước ASEAN đã thống nhất với nhau về các thành tố cơ bản của COC, còn Indonesia đóng góp bổ sung thêm, làm cho rõ vấn đề. Nghĩa là không phải Indonesia đưa ra một thành tố mới của COC, mà COC đã được các nước ASEAN thống nhất với nhau về các thành tố và Indonesia đóng góp bổ sung cụ thể hóa thêm một số điều. Chúng ta hoan nghênh là tất cả các nước đều có thể đóng góp vào việc cụ thể hóa các thành tố, còn cái thành tố đó thì đã được các ngoại trưởng ASEAN thống nhất với nhau rồi.

* Có thông tin cho hay dự thảo COC có quy định tranh chấp song phương thì sẽ đàm phán song phương, mà tranh chấp đa phương thì đàm phán đa phương?

- Không. Nguyên tắc các thành tố của COC đưa ra trên cơ sở DOC đã có, và COC đưa ra được những biện pháp pháp lý ràng buộc cao hơn để đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực. DOC và COC là đa phương, chúng ta cũng đã tuyên bố cái gì chỉ giữa hai nước thì giữa hai nước, đương nhiên cái đó là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế “cái gì chỉ liên quan giữa hai nước thì hai nước xử lý”, nhưng vấn đề biển Đông là vấn đề liên quan đến nhiều nước, vấn đề tranh chấp Trường Sa liên quan đến nhiều nước thì phải là đa phương. COC bản thân nó là đa phương rồi.

DOC, COC không phải là các nguyên lý để giải quyết tranh chấp về vấn đề chủ quyền hoặc là về một hòn đảo nào đó. COC tiến tới làm sao đảm bảo được việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, để các bên cùng cam kết không gây ra xung đột, đánh chiếm, chiếm đóng các đảo, chứ không phải là cơ chế để giải quyết xung đột, không phải cơ chế để giải quyết chủ quyền lãnh thổ. COC đưa ra những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực biển Đông.

* COC khác gì với DOC?

- DOC nôm na chỉ là tuyên bố về ý chí của các nước mong muốn như vậy. Còn COC đưa ra những biện pháp, cơ chế, kể cả những biện pháp chế tài trong việc vi phạm COC.

* DOC là tuyên bố chính trị nên phải mất 9 năm mới có bản hướng dẫn DOC, có bài học nào từ giai đoạn đó để COC sẽ không phải là tuyên bố chính trị như DOC đã từng?

- Đó chính là mục tiêu của COC, cái khiếm khuyết của DOC là ra đời từ năm 2002 nhưng phải đến 9 năm sau mới thống nhất được với nhau về các quy tắc để hướng dẫn DOC, và bây giờ COC tiến tới khi COC đưa ra là phải thực hiện được ngay.

* Còn trở ngại nào trên đường tiến tới COC?

- Đây là thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc thì phải được cả ASEAN và Trung Quốc đồng ý với nhau đi vào thảo luận.

* Có những cái ASEAN đã thống nhất với nhau, nhưng ra thảo luận với Trung Quốc thì sao?

- Đó là câu chuyện của đàm phán, của thương lượng.

VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên