Phóng to |
Bên trong một cửa hàng thức ăn nhanh KFC tại Q.3, TP.HCM - Ảnh: N.C.T. |
Thị trường thức ăn nhanh đang ngày phình to và đầy màu mỡ, nhưng thị phần của những thương hiệu Việt lại quá ít ỏi.
Nhanh hơn kỳ vọng
Hai “đại gia” lớn trong ngành thức ăn nhanh đang có mặt tại VN là KFC và Lotteria vừa hoàn tất việc mở cửa hàng thứ 100. Khi nhận xét về con số này, đại diện của KFC và Lotteria đều thừa nhận “mọi việc diễn tiến nhanh hơn mong đợi”. Ông Rho Il Sik, tổng giám đốc Lotteria Đông Nam Á, cho biết trong kế hoạch ban đầu đơn vị chỉ kỳ vọng 79-80 cửa hàng, việc cửa hàng thứ 100 ra đời trước khi kết thúc năm 2011 cho thấy thị trường rất lạc quan. Hiện Lotteria đã xây dựng được chuỗi hệ thống cửa hàng ở khắp tỉnh thành từ Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng đến Vinh và gần đây là An Giang, Kiên Giang, hiện diện tại nhiều vị trí đẹp trong các trung tâm thương mại, khu giải trí...
Không kém cạnh, KFC cũng có 100 cửa hàng rải khắp VN. Ông Nguyễn Hải Nam, giám đốc marketing của KFC, cho biết kết thúc năm 2012 KFC sẽ có 116 cửa hàng khắp toàn quốc, tăng 16 cửa hàng so với kế hoạch đề ra. Khoảng vài năm gần đây, tốc độ phát triển trung bình mỗi năm 12-15 cửa hàng thức ăn nhanh, hầu hết đều nằm ở những ngã tư đông đúc và tập trung tại các khu vực trung tâm sầm uất. Điển hình trong 53 cửa hàng của KFC tại TP.HCM có đến 15 cửa hàng ở khu vực quận 1 và quận 3. Một thương hiệu thức ăn nhanh khác của Philippines là Jollibee đang rục rịch làm lễ kỷ niệm cửa hàng thứ 25 tại VN.
Dù gặp những khó khăn kinh tế, thị trường thức ăn nhanh vẫn có tốc độ tăng trưởng bình quân 26%, một con số đáng để ước mơ đối với nhiều ngành kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, thị trường thức ăn nhanh đầy tiềm năng của VN hiện đang hoàn toàn bị doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ với trên 70%. Trong đó KFC có thế mạnh về gà rán khi sở hữu trên 60% thị phần, Lotteria chiếm 60-70% thị phần bánh mì hamburger, còn lại chia đều cho các thương hiệu bánh pizza, mì spaghetti... Theo một thống kê chưa đầy đủ, doanh thu từ thức ăn nhanh năm 2011 có thể xấp xỉ 870 tỉ đồng với hàng chục triệu lượt giao dịch.
Hướng đến cột mốc 200
Ông Hải Nam cho biết để mở một cửa hàng mới, nhà quản lý phải tính toán được mật độ dân cư, lưu lượng giao thông, doanh thu kỳ vọng cùng hàng loạt yếu tố khác, trong đó không thể thiếu kế hoạch phát triển thị trường. Kế hoạch này cho phép các điểm bán hàng trong một khu vực cộng trung bình doanh số lại nhằm đảm bảo độ phủ của thương hiệu.
“Nếu một nhà kinh doanh làm chủ một cửa hàng thì họ chỉ tính toán được lời lỗ điểm đó, nhưng chiến lược phát triển trên diện rộng của chuỗi cửa hàng chấp nhận bù lỗ lẫn nhau. Khách hàng có thể chọn điểm đến ưa thích, còn nhà kinh doanh yên tâm rằng họ không phải chia sẻ với đối thủ” - ông Nam nói. Xuất hiện tại VN từ năm 1997, đến 2004 KFC mới chạm được cột mốc có lãi.
Trong kế hoạch năm năm tới, KFC và Lotteria hướng đến tổng số 200 cửa hàng. Ông Trương Hàm Liêm, giám đốc marketing của Lotteria, nói con số này hoàn toàn khả thi và dễ dàng đạt được kế hoạch đề ra khi tiềm năng thị trường còn quá lớn. Trong năm 2012, Lotteria sẽ triển khai kế hoạch nhượng quyền. Theo tiết lộ ban đầu, giá trị đầu tư cho mỗi cửa hàng có thể lên đến 250.000 USD. Pizza Hut cũng nhanh chóng có 13 cửa hàng.
Theo các nhà đầu tư, với đặc thù dân số trẻ, thị trường thức ăn nhanh vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Thách thức cho thương hiệu Việt
Ngược với không khí sôi động của các thương hiệu nước ngoài, một số doanh nghiệp trong nước đang đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ ăn uống cho rằng thức ăn nhanh không phải là sân chơi của doanh nghiệp VN.
Theo ông Lý Quý Trung - chủ thương hiệu Phở 24, những năm gần đây VN xuất hiện khá nhiều chuỗi cửa hàng ẩm thực Việt nhưng chủ yếu theo môtip phục vụ nhanh chứ không phải thức ăn nhanh. Khách đến những cửa hàng này chỉ cần mất 5 phút để có tô phở nóng, đĩa cơm tấm hay những phần bánh Huế truyền thống.
Ông Trung cho rằng có nhiều lý do để doanh nghiệp VN không mặn mà với mô hình thức ăn nhanh, ngoài yếu tố về trình độ quản lý, tiềm lực tài chính, sự chuyên nghiệp thì quan trọng nhất vẫn là do đặc thù món ăn Việt. Các món ăn Việt thường có hàm lượng dinh dưỡng và nhiều rau, chế biến kỹ, trong khi nhắc đến thức ăn nhanh nhiều người liên tưởng đến những món ăn ít chế biến, dễ gây béo phì.
Chủ hệ thống Wrap & Roll, bà Kim Oanh, cho rằng chuỗi 10 cửa hàng chuyên bán các món cuốn và gỏi của mình là nhà hàng chứ không thuộc nhóm thức ăn nhanh. Hiện Wrap & Roll đang làm các thủ tục để có thể nhượng quyền ra nước ngoài với cách thức là nhà hàng phong cách Việt. Bà Võ Trần Anh Thy, đại diện K-Do Barkery, cũng cho rằng thức ăn nhanh không phải là thế mạnh của doanh nghiệp VN. Sau hai năm ra đời, đến nay K-Do định hướng lại chiến lược phát triển, nâng cấp các dòng bánh tươi theo phong cách bánh tươi và cà phê chứ không còn là thức ăn nhanh.
Nhìn nhận về cơ hội của thức ăn nhanh Việt, ông Lý Quý Trung nói thực tế khách đến các cửa hàng thức ăn nhanh không chỉ vì món ăn mà họ còn muốn được hưởng không khí, phong cách tạo bởi thương hiệu đó. Đây chính là thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp VN.
Xôi, bánh cuốn... có là thức ăn nhanh? Theo ông Lý Quý Trung, thức ăn nhanh là hình thức thức ăn chế biến tại chỗ theo kiểu công nghiệp, khách tự phục vụ, sản phẩm thức ăn nhanh phải đảm bảo nhanh về thời gian chế biến, tiện lợi. Xét về khía cạnh nào đó, phở, bún, bánh xèo, bánh mì thịt hay thậm chí xôi, bánh cuốn, bánh ướt cũng có thể là thức ăn nhanh. Tuy nhiên, thức ăn nhanh thường hàm ý bình dân trong khi hướng phát triển của các chuỗi nhà hàng Cơm tấm Cali, Phở 24 hay Món Huế hiện nay có phần cao cấp hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận