Nhiều người nói rằng học sinh Âu Mỹ gọi “thầy” xưng “tôi” nên tính tự chủ khá hơn ta, ra đời thành đạt hơn. Tôi không tin điều đó và cũng chưa có tài liệu nào xác thực hay nâng điều đó lên thành quy luật. Từng là học trò đồng thời cũng đã là người thầy, tôi ngộ ra rằng: sự kính trọng thầy cô phải bắt đầu bằng sự lễ phép của người học, không thể cào bằng kể cả trong xưng hô.
Muốn tôn sư phải có lễ nghi, muốn trọng đạo phải biết lễ đạo. Sự tôn kính thầy cô qua cách xưng hô không hề làm tổn hại tính tự chủ của học sinh, sinh viên mà còn giữ vững môi trường sư phạm vốn đã bị xã hội nghi kỵ, thậm chí coi thường, vì đâu đó vẫn có cảnh thầy không ra thầy, trò không ra trò.
Tôi từ nhỏ sống ở một vùng quê, thời chiến tranh chúng tôi vẫn xưng “con” với thầy cô. Tốt nghiệp đại học, tôi quay về chính huyện đó dạy THPT. Học sinh ở chợ thì gọi “thầy” xưng “em”, học sinh vùng quê vẫn gọi “thầy” xưng “con”.
Cách đây vài năm tôi đi làm giấy tờ, đúng vào lúc chủ tịch quận tiếp dân, tôi cũng ngồi chờ.
Đến lượt tôi, ông chủ tịch đứng lên vòng tay chào: “Thưa thầy, con đây!”.
Thì ra đó là học sinh Trường TL mà tôi dạy năm em ấy học lớp 12.
Câu chuyện của tôi giống rất nhiều truyện về vị tướng Pháp mà tôi học hồi nhỏ khi về thăm trường cũ gặp lại thầy, vị tướng đã cất tiếng chào:
- Thưa thầy, con đây...
Cách xưng hô phải mang tính giáo dục Trong môi trường sư phạm thì cách xưng hô của mọi chủ thể đều phải mang tính giáo dục, phù hợp văn hóa. Tôi đồng ý về việc: khi học sinh, sinh viên dám xưng “tôi” với người đối diện, các em sẽ có phần nào đó mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Nhưng thật khó có thể chấp nhận chuyện một học sinh hay sinh viên nào đó đối diện với một vị giảng viên đứng tuổi mà xưng hô theo kiểu: “Tôi không đồng ý với điều thầy vừa giảng”. Vì văn hóa người Việt chúng ta luôn tôn trọng lễ phép, ngôi thứ. Ngược lại, khi các thầy cô hay giảng viên gọi học sinh, sinh viên là “anh, chị” thì đây lại là một cách giáo dục thâm thúy. Bởi khi đối tượng được những vị thầy cô đáng kính của mình xưng hô như vậy, các em sẽ ý thức được sự trưởng thành của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận