Xưng xưng hô hô

ĐỖ PHẤN 25/07/2014 08:07 GMT+7

TTCT - Dạo này khá nhiều “phát minh” được công bố trên báo chí. Từ chuyện chế tạo ra chiếc máy điều hòa nhiệt độ chỉ với hai chục nghìn của mấy sinh viên nghèo cho đến ông bố vùng cao mang mười con sáo sậu về Hà Nội làm lộ phí cho con thi đại học.

Cao xa hơn là mấy bác thợ sửa xe máy chế tạo trực thăng và đại gia cơ khí sản xuất tàu ngầm. Tất cả là chuyện có thật. Với hai chục nghìn, sinh viên dùng mười lăm nghìn mua chiếc thùng cactông khoét hai lỗ, một lỗ cho chiếc quạt máy chui đầu vào. Năm nghìn còn lại mua nước đá bỏ vào thùng và bật quạt lên, thế là gió mát lạnh thổi ra từ lỗ thứ hai.

Số phận của mười con sáo sậu có phần trầm luân, trắc trở hơn. Chẳng biết ông ấy đã bán hết chưa. Người Hà Nội không chơi chim sáo. Máy bay trực thăng thì đã gãy cánh quạt và tàu ngầm cũng gãy chân vịt rồi. Chẳng biết còn phải sửa đến bao giờ.

Nhưng phát minh quan trọng nhất lại nằm trong lĩnh vực phi vật thể. Đó là Bộ Nội vụ sắp tới sẽ ban hành một văn bản quy định cách xưng hô nơi công sở. Các nhà ngôn ngữ học, xã hội học, nhà văn, nhà báo được hỏi ý kiến dồn dập. Khó cho các bác ấy quá. Phàm là những ai có tên tuổi đều rất cẩn thận khi phát ngôn. Bởi vì tên tuổi các bác ấy còn quan trọng hơn chuyện tầm phào xưng hô rất nhiều. Và chắc chắn chính các bác ấy cũng chưa bao giờ xưng hô theo quy định nào cả.

Quy định xưng hô nơi công sở nếu có sẽ nhằm vào đối tượng nào, phải sửa chữa ra sao, lộ trình áp dụng như thế nào... toàn là những câu hỏi hóc búa sẽ được đặt ra trước tiên. Tiếp theo đó sẽ là văn bản quy định cụ thể cho từng trường hợp. Đại khái sẽ là nhân viên không được gọi sếp của mình là chú, bác, cô, dì hay bố, mẹ nữa. Thủ trưởng cũng không được cậu cậu tớ tớ hay anh anh em em với nhân viên nữa.

Nhân dân đến công sở phải thưa gửi cẩn thận, dĩ nhiên rồi. Cán bộ tiếp dân phải tận tình chu đáo lễ phép. Chuyện này khó, bởi cái thói quen hách dịch hình thành tự tận hồi bao cấp đến giờ rồi cơ mà.

Văn bản được ban hành, ắt ở mỗi cơ quan phải có một “trợ lý xưng hô”, có thể chức vụ lâm thời thôi, ngồi nghiên cứu quán triệt thật kỹ để phổ biến cho toàn cơ quan. Ông/bà này có thể nhiệt tình công tác và văn hóa cao nhưng chắc chắn sẽ gặp nhiều đối tượng không thể điều chỉnh cách xưng hô được.

Ai cũng biết cơ quan nào bây giờ chằng chịt những phả hệ phức tạp, tinh tế và tế nhị. Nhiều người đụng vào, bắt họ thay đổi cách xưng hô thì may ra chỉ có… sếp mới dám làm. “Trợ lý xưng hô” mà không cứng tay rắn bóng vía có thể chuyển sang làm trợ lý bảo vệ như chơi.

Rõ ràng là văn hóa xưng hô công sở bây giờ có khá nhiều chuyện để bàn, để lo, nếu không vất vả đi xây dựng quy định làm gì. Phức tạp trong xưng hô không chỉ dừng lại ở… xưng hô. Cứ nhìn các phiên tòa xử tham nhũng thì thấy bị cáo ra tòa với những tội tày trời vẫn xưng hô với nhau đầy trân trọng lịch sự khi đổ vấy tội cho nhau.

Xưng hô hình như cũng không giải quyết được vấn đề đạo đức công chức. Chẳng thèm nói với nhau nửa câu ở cơ quan thì cũng cần gì xưng hô. Xưng hô kính cẩn với sếp cũng đừng nên hiểu là người ta thật bụng. Một khuôn sáo cho sự dối trá còn nguy hiểm hơn “ông”, “tôi” suồng sã rất nhiều.

Chúng ta có được tiếng nói và cách xưng hô như ngày nay là cả một quá trình vận động, phát triển, chọn lọc không ngừng của ngôn ngữ. Những chữ những câu thêm vào hằng ngày đều nhằm hoàn thiện hơn cách diễn đạt. Những gì phiền phức phù phiếm tự nó sẽ bị loại ra khỏi đời sống. Trong một mối quan hệ chừng mực, tôn trọng nhau, người ta tự biết xưng hô như thế nào cho phù hợp.

Ở cơ quan mà đưa tờ báo cho đồng nghiệp nói “Kính mời tiên sinh đọc báo” rất dễ bị hiểu lầm là quên uống thuốc buổi sáng! Cũng ở cơ quan mà ăn nói giang hồ lếu láo thì hình như là đám cán bộ mua bằng, chạy chọt rất đáng sợ. Cứ nghe cách xưng hô là có thể biết được người nói chuyện với ta tư cách như thế nào.

Có anh chàng Nguyễn Đức Hậu trồng một vườn ổi lên mạng tự nhận mình là “Lệ Rơi”. Không ra tên mà cũng chẳng phải đại từ nhân xưng. Thì đã sao?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận