Xét xử "Hồ sơ Panama" sau 8 năm

ANH NGUYỄN 22/04/2024 10:28 GMT+7

TTCT - 8 năm sau khi "Hồ sơ Panama" được báo chí phanh phui, 27 người có liên quan tới vụ án rửa tiền vào loại lớn nhất lịch sử này đã ra tòa hình sự Panama hôm 8-4.

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Trong những người bị truy tố có cả những ông chủ của hãng luật Mossack-Fonseca, tâm điểm của đường dây này. "Hồ sơ Panama" bao gồm khoảng 11,5 triệu tài liệu bí mật cho thấy những người giàu thế giới che giấu của cải qua các công ty bình phong ở nước ngoài như thế nào.

Hồ sơ này từng gây chấn động vào 8 năm trước, khiến thủ tướng Iceland khi đó phải từ chức, các lãnh đạo cấp cao của Argentina và Ukraine bị điều tra, nhiều chính trị gia ở một loạt nước khác như Pakistan, Nga và Trung Quốc cũng bị nêu tên.

Phiên tòa đã bị trì hoãn nhiều lần và chỉ được bắt đầu tuần trước, với bị cáo là các luật sư Juergen Mossack, Ramón Fonseca và người đại diện, luật sư và cựu nhân viên của hãng luật Mossack-Fonseca, đối mặt tội danh rửa tiền

Có mặt tại phiên tòa, ông Mossack, 76 tuổi, nói: "Tôi không phạm các tội này". Luật sư của Fonseca, 71 tuổi, thì nói ông ta đang trong bệnh viện ở Panama.

Chấn động thế giới

Theo The Guardian, phiên tòa kéo dài tới 26-4 lần này tập trung xử việc hãng luật Mossack-Fonseca đã lập nhiều công ty vỏ bọc khác nhau nhằm mua tài sản ở Panama bằng tiền tham nhũng ở Brazil liên quan đến Tập đoàn dầu khí Obdebrecht - tức vụ "Lava Jato" (Rửa xe) nổi tiếng, theo tiếng Bồ Đào Nha.

Fonseca nói hãng luật (đã bị đóng từ năm 2018) không kiểm soát việc khách hàng sử dụng các công cụ vỏ bọc để làm gì. Cả ông và Mossack đều có quốc tịch Panama và nước này không thực hiện việc dẫn độ chính công dân của mình.

Hồ sơ Panama lần đầu tiên được tiết lộ trên báo Đức Suddeutsche Zeitung và được chia sẻ trong Hiệp hội Phóng viên điều tra quốc tế ICIJ. Loạt bài điều tra bắt đầu được đăng đồng thời trên nhiều báo hồi năm 2016. Các phóng viên từ hơn 100 tổ chức truyền thông khi đó đã cùng điều tra để làm rõ các hoạt động phi pháp từ 11,5 triệu hồ sơ này.

Ảnh: sueddeutsche.de

Ảnh: sueddeutsche.de

Các công tố viên liên bang Mỹ cáo buộc Mossack-Fonseca cố tình lách luật Mỹ nhằm che giấu tài sản cho khách hàng và trốn thuế. 

Các cáo buộc nói các vi phạm bắt đầu từ năm 2000 và liên quan nhiều tổ chức giả mạo và công ty bình phong ở Panama, Hong Kong và quần đảo Virgin của Anh. Tài liệu cho thấy mạng lưới khoảng 214.000 tài khoản và công ty bình phong đã được những người giàu và quan chức sử dụng nhằm giấu tài sản và trốn thuế.

8 năm trước, các tài liệu rò rỉ từ hãng luật Mossack-Fonseca đã gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Những người sáng lập hãng luật Juergen Mossack và Ramón Fonseca bị truy tố, dù họ bác bỏ các cáo buộc liên quan. Nếu bị buộc tội, họ có thể đối mặt án tù 12 năm.

Các công ty bình phong khác trong vụ này liên quan tới 143 chính trị gia trên toàn thế giới, bao gồm 12 lãnh đạo cao nhất. 

Trong số này có vụ việc liên quan nhạc công cello người Nga Sergei Roldugin, người đã giấu 2 tỉ USD qua công ty bình phong và được coi là người thân cận của Tổng thống Vladimir Putin. 

Trong số các chính trị gia trực tiếp bị nêu tên có thủ tướng Pakistan khi đó Nawaz Sharif; Ayad Allawi, cựu phó thủ tướng và cựu phó tổng thống Iraq; tổng thống Ukraine khi đó Petro Poroshenko; Alaa Mubarak, con trai cựu tổng thống Ai Cập; và Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson.

Đường dây rửa tiền lớn

Hai ông Sharif và Gunnlaugsson khi đó đều bị buộc phải từ chức sau cơn thịnh nộ của quần chúng về khối tài sản họ che giấu ở nước ngoài qua các công ty bình phong. Ông Sharif còn bị bãi nhiệm và kết án 10 năm tù bởi Tòa tối cao Pakistan.

Những người nổi tiếng khác có liên quan tới vụ việc có cựu thủ tướng Anh David Cameron, ngôi sao bóng đá Lionel Messi, cựu tổng thống Argentina Mauricio Macri và nhà làm phim Tây Ban Nha Pedro Almodovar. 

Một quỹ đầu tư bình phong của bố ông Cameron đã trốn thuế bằng cách thuê nhiều công dân Bahamas ký giấy tờ hộ. Rất nhiều người có liên quan tới vụ việc đã bác bỏ các cáo buộc nói họ hành động phi pháp và đưa lý lẽ khác nhau cho việc sử dụng các công ty bình phong.

Ảnh: icij.org

Ảnh: icij.org

Các công tố viên Đức đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với Mossack và Fonseca vào năm 2020 với cáo buộc hỗ trợ trốn thuế và thành lập các tổ chức phạm tội. Tuy nhiên, cả hai đều có quốc tịch Panama và nước này không dẫn độ công dân của mình, nên cả hai đều chưa bị đưa tới Đức. 

Trước khi ra tòa, ông Mossack nói với các phóng viên rằng ông "rất lạc quan" là nếu có "công lý thật sự", ông sẽ được xóa tội. Luật sư bào chữa Dionicio Rodriguez cho rằng đây là phiên tòa "chống lại nghề luật ở Panama" và các tội danh bị truy tố thực ra là "hợp pháp ở nhiều nơi trên thế giới".

Mossack-Fonseca là hãng luật được thành lập năm 1977 ở Panama. Dù là công ty cung cấp dịch vụ công ty bình phong lớn thứ tư thế giới - họ đại diện cho khoảng 300.000 công ty, có mạng lưới 500 nhân viên ở 42 nước, bao gồm gần như tất cả các nơi chuyên để trốn thuế như Thụy Sĩ, Cyprus hay quần đảo Virgin, cho tới khi hồ sơ Panama được công bố rất ít người biết tới họ.

8% tài sản thế giới giấu ở các thiên đường thuế

Theo nhà kinh tế Mỹ Gabriel Zucman thì khoảng 8% tài sản thế giới (tương đương khoảng 7.600 tỉ USD) đang được che giấu ở các thiên đường thuế. Ông ước tính mỗi năm thất thu thuế toàn cầu là khoảng 200 tỉ USD vì chuyện này. 

Rất nhiều khách hàng sử dụng các dịch vụ như của Mossack-Fonseca là để che giấu danh tính. Hồ sơ Panama cũng cho thấy nhiều ngân hàng sử dụng dịch vụ này trên quy mô rất lớn. 

Như HSBC thuê Mossack-Fonseca để tạo khoảng 2.000 công ty bình phong, Coutts khoảng 500 công ty và Barclay là 300. Rất nhiều công ty này được thành lập năm 2005, ngay trước khi các quy định về siết chặt trốn thuế của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực.

Mossack-Fonseca còn cung cấp rất nhiều dịch vụ mờ ám khác. Với 1.500 USD/năm, khách hàng sẽ có email giả với tên miền @tradedirect.biz và họ có thể dùng tên tự bịa ra như Harry Potter, Winnie Pooh và Daniel Radcliffe. 

Một khách hàng sử dụng tên Isaac Asimov, giáo sư hóa sinh và nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng, dù thực ra là luật sư ở Barcelona tên thật là Gabriel Pretus, người che giấu 21 triệu USD trong 6 tài khoản khác nhau ở các công ty bình phong.

Việc lập công ty bình phong ở nước ngoài không hẳn là phi pháp, khi nhiều doanh nhân Nga hay Ukraine thường để tài sản ở các công ty này nhằm tránh bị các băng nhóm tội phạm có tổ chức cướp mất. 

Một số khác dùng các tài khoản này để chuẩn bị cho việc thừa kế hay thực hiện các thủ tục liên quan đến bất động sản. Hồ sơ Panama khi đó là một trong những vụ rò rỉ lớn nhất lịch sử - lớn hơn vụ lộ các điện ngoại giao trên WikiLeaks năm 2010 hay vụ rò rỉ thông tin tình báo bởi Edward Snowden hồi năm 2013.

Ảnh: Pixa Bay

Ảnh: Pixa Bay

Nỗ lực thay đổi

Trước làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau khi hồ sơ bị phanh phui, Panama đã thông qua luật mới hiện đại hóa định nghĩa rửa tiền trong hệ thống luật năm 2019. 

Trong vụ xét xử lần này, nhiều khía cạnh của quyết định truy tố lại liên quan đến các hoạt động có từ trước khi luật thay đổi, nên nguyên tắc không hồi tố sẽ làm khó nhiều cho quá trình tư pháp. Tòa tối cao Panama từng tuyên rằng việc lập công ty vỏ bọc để trốn thuế có thể không bị coi là phạm tội vào trước năm 2019.

Sau khi hồ sơ Panama được công bố, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành truy thu hồi thuế liên quan đến những tài sản bị che giấu và tới năm 2021, khoảng hơn 1,36 tỉ USD tiền phạt và tiền thuế đã được thu hồi trên thế giới. 

Rất nhiều người vướng tới hồ sơ này đưa ra nhiều lý do để giải thích việc dùng các công ty bình phong và nói họ không làm gì phi pháp cả. Mặc dù vậy, hãng luật Mossack-Fonseca năm 2018 đã buộc phải đóng vì "tổn thất không thể phục hồi" với danh tiếng. Vụ án là đòn giáng mạnh vào hình ảnh Panama như một thiên đường của các công ty tài chính vỏ bọc.

Chỉ sau khi cải cách luật, nước này mới được ra khỏi "danh sách xám", tức các nước sẽ bị giám sát đặc biệt hơn, của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), chuyên về đánh giá và báo động những quốc gia có nguy cơ trở thành nơi trốn thuế, rửa tiền hay nơi cất giữ nguồn tài chính cho hoạt động khủng bố. (Panama vẫn nằm trong danh sách đen các thiên đường trốn thuế của EU).■

"Bản chất là liệu hành vi phạm tội có diễn ra ở Panama hay không phụ thuộc vào quy định luật thời điểm đó", chuyên gia luật Carlos Barsallo nói. Theo Barsallo, Tòa tối cao Panama năm 2021 đã xóa tội cho một nhân viên của Mossack-Fonseca vì cho rằng thời điểm diễn ra hành vi thì nó chưa phải tội danh hình sự ở Panama. "Điều này có thể gây ra khó hiểu và tức giận từ cộng đồng quốc tế, nếu đây cũng là kết cục tương tự với vụ án sắp tới, sau bao năm và rất nhiều tin tức truyền thông".

"Tám năm sau, đã có những thay đổi nhưng vẫn cần thêm hành động", bà Olga de Obaldia, giám đốc Transparency International ở Panama nói với AFP.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận