Ông Lý Hiển Long và cuộc chuyển giao ở tuổi 72

THANH TUẤN 28/04/2024 09:46 GMT+7

TTCT - Trong lịch sử 59 năm, Singapore mới có 3 thủ tướng. Ngày 15-5 tới, đảo quốc này sẽ có thủ tướng thứ tư khi ông Lý Hiển Long, 72 tuổi, chính thức rời nhiệm sở sau 20 năm nắm quyền.

Cha ông Lý, ông Lý Quang Diệu, đã nắm quyền ở nước này trong 31 năm và gia đình ông gần như gắn liền với sự phát triển của Singapore suốt sáu thập niên qua.

Ảnh: CNN

Ảnh: CNN

Ở tuổi 72, ông Lý đã chuyển giao quyền lực chậm hơn dự kiến, một phần vì dịch COVID-19, một phần vì chút sự cố với kế hoạch chuyển giao trước.

Cuộc chuyển giao như vậy diễn ra 12 năm sau khi ông Lý tuyên bố năm 2012 rằng ông không muốn làm thủ tướng quá tuổi 70. Kế hoạch chuyển giao "lần một" từng được chốt năm 2018 khi Phó thủ tướng Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt) được chọn là người kế nhiệm. 

Nhưng tới tháng 4-2021, giữa dịch COVID-19, ông Heng, khi đó 60 tuổi, quyết định rút lui với lý do tuổi tác khiến ông thấy mình sẽ không đủ thời gian để làm được những việc cần thiết ở cương vị thủ tướng.

Phải một năm sau nữa, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài), 51 tuổi, mới được lựa chọn và sau đó được bổ nhiệm phó thủ tướng.

GDP tăng gấp ba, tập trung cho giáo dục

Theo Đài CNA, 20 năm qua, ông Lý đã lèo lái Singapore qua một loạt khủng hoảng và các thay đổi lớn. Giai đoạn này, Singapore đã cải cách triệt để hệ thống thuế, quyết liệt chuyển sang nền kinh tế dịch vụ, vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và đại dịch COVID-19. GDP của quốc gia giàu bậc nhất thế giới này cũng đã tăng từ 194 tỉ đô la Singapore (144 tỉ USD) năm 2004 lên hơn 600 tỉ đô la Singapore vào năm ngoái.

Trong vai trò bộ trưởng tài chính 2001-2007 (kiêm nhiệm thủ tướng từ 2004), ông Lý giúp kinh tế Singapore phát triển mạnh mẽ, biến đảo quốc này thành đô thị toàn cầu vào năm 2014 (10 năm sau khi ông nắm quyền). 

Giai đoạn này, kinh tế Singapore đã có lúc phát triển nóng và chính cử tri đã phản ứng và trừng phạt Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền vào năm 2011 do bất mãn với tình trạng giá nhà quá cao và làn sóng nhập cư nước ngoài. Năm bầu cử đó, ông Lý đã phải xin lỗi cử tri - PAP chỉ giành 60,1% số phiếu bầu, con số thấp kỷ lục.

Tuy nhiên, ông Lý không coi kinh tế là đóng góp lớn nhất của ông. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, ông nói ông hài lòng nhất với việc tập trung đầu tư vào giáo dục. 

Trong thời gian ông cầm quyền, các định hướng giáo dục nền tảng của Singapore đã được xác lập, và nước này đầu tư mạnh tay vào các học viện kỹ thuật/công nghệ và bách khoa. Singapore đồng thời chuyển từ đầu tư cho phát triển kinh tế sang xây dựng mạng lưới phúc lợi toàn diện và giảm dần khoảng cách thu nhập. 

Chỉ số Gini - thước đo bất bình đẳng thu nhập - tiếp tục giảm ở nước này trong 10 năm qua, dù thu nhập của các hộ gia đình vẫn tăng.

Trong dịch COVID-19 mà nhiều nước bị tác động nặng nề và lộ rõ nhiều vấn đề nghiêm trọng với hệ thống y tế công cộng lẫn bất bình đẳng xã hội, hệ thống y tế của Singapore vẫn đối phó tốt và không bị quá tải. 

Dự trữ tài chính dồi dào giúp họ hỗ trợ người dân hào phóng, minh bạch, và vượt qua đại dịch thành công. Suốt giai đoạn này, ông Lý thường xuyên truyền thông với người dân, cập nhật rõ về tình hình và các biện pháp hạn chế COVID-19. Ông cũng lèo lái đất nước khéo léo trong bối cảnh cử tri ngày càng quan tâm nhiều hơn về các vấn đề sắc tộc, tôn giáo và xã hội.

Người kế nhiệm Lawernce Wong. Ảnh: Nikkei

Người kế nhiệm Lawernce Wong. Ảnh: Nikkei

Tiềm năng là nhà toán học tài ba

Cuộc đời ông Lý đã có thể rẽ nhánh hoàn toàn khác. Sinh năm 1952, là con trai trưởng của thủ tướng huyền thoại của Singapore, nhưng ông Lý không phải dựa hơi cha mình. 

Ông từng là học sinh toán xuất sắc ở trường, được nhận học bổng của tổng thống và lực lượng vũ trang Singapore để học toán ở Đại học Cambridge, Anh. Ông tốt nghiệp thủ khoa ngành toán trường này năm 1974. Ông còn có bằng cấp hạng ưu trong lĩnh vực tin học. Trên Facebook có thể thấy ông vẫn thỉnh thoảng viết về code hoặc giải một số bài toán khó.

Trong cuộc phỏng vấn với Hội Toán học Singapore năm 1994, giáo sư Béla Bollobás, người từng dạy ông ở Cambridge, nói: "Ông ấy tốt nghiệp thủ khoa và vượt rất xa những người khác. Người đứng thứ nhì giờ đã là nhà toán học nổi tiếng thế giới, nhưng khi đó ai cũng thấy rõ ông xuất sắc hơn".

Năm 2023, ông Lý từng được hỏi có hối tiếc khi không trở thành nhà toán học, ông trả lời không và cho rằng mình chỉ là "sinh viên tiềm năng". "Tôi có hai năm đại học nghiên cứu toán, mới chỉ là ở chân núi. Tôi thích môn đó, tôi không hề tệ, nhưng trên thế giới có rất nhiều nhà toán học tài năng và xuất sắc hơn tôi", ông nói.

Hơn nữa, ông còn có những trọng trách khác: "Tôi xác định mình có trách nhiệm trở về Singapore, là một phần của Singapore và làm bất cứ gì có thể giúp đất nước thành công. Đây là đất nước nhỏ, và khi đó mới thành lập - chỉ có vài năm độc lập, và mọi đóng góp đều có thể tạo khác biệt. Tôi muốn làm vậy và thấy đó là điều đúng phải làm".

Học xong, ông Lý quay về Singapore, vào quân đội và lên chuẩn tướng ở tuổi 32. Cột mốc đáng nhớ trong đời binh nghiệp của ông là năm 1983, khi ông giải cứu 13 hành khách sau khi cáp treo tới đảo Sentosa bị đứt. 

Khi đó ông đang đeo lon đại tá và là người chỉ huy chiến dịch giải cứu. Nhiều người cho rằng ông Lý được dọn đường vào chính trị là nhờ cha ông. Nhưng cả ông và cựu thủ tướng Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) đều nói ông Goh mới là người gợi ý ông Lý tham gia chính trường.

Ông Lý Hiển Long thời còn trong quân ngũ. Ảnh: Prabook

Ông Lý Hiển Long thời còn trong quân ngũ. Ảnh: Prabook

The Straits Times năm 2018 trích lời ông Lý kể khi ông Goh đang là bộ trưởng Quốc phòng thì ông Lý là tham mưu trưởng lục quân và ông Goh gợi ý ông nên tham gia chính trường. 

Năm 1984, ông Lý rời quân đội, tham gia tranh cử lần đầu và thắng ghế nghị sĩ ở Teck Ghee với 80,38% số phiếu. Sau đó ông được bổ nhiệm làm quốc vụ khanh về thương mại, công nghiệp và quốc phòng. 

Cuối năm 1980 và đầu 1990, ông được bổ nhiệm thứ trưởng quốc phòng kiêm bộ trưởng thương mại và công nghiệp. Khi ông Goh kế nhiệm ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng năm 1990, ông Lý Hiển Long trở thành phó của ông Goh và nhanh chóng đóng vai trò chờ kế nhiệm.

Những biến động cuộc đời

Nhưng con đường của ông không phải hoàn toàn bằng phẳng. Tháng 11-1992, chính trường Singapore chấn động khi cả hai phó thủ tướng Lý Hiển Long, 40 tuổi, và Ong Teng Cheong (Vương Đỉnh Xương), 56 tuổi, đều bị chẩn đoán bị ung thư bạch huyết. 

Điều này khiến kế hoạch kế vị bị đặt dấu hỏi, nhưng tới tháng 4-1993, sau sáu đợt hóa trị, ông Lý hoàn toàn hồi phục. Bệnh ung thư của ông không tái phát.

Tháng 5-2004, các bộ trưởng họp và chính thức chọn ông Lý là lãnh đạo tiếp theo. Khoảng một tháng trước khi lên nắm quyền, ông Lý tới thăm Đài Loan - động thái làm Trung Quốc hết sức tức giận. 

Sau này ông giải thích về chuyến đi là ông nghĩ trước khi trở thành thủ tướng, ông muốn tự đánh giá tình hình có thể diễn biến thế nào nếu khủng hoảng nổ ra. Ông nhậm chức thủ tướng ngày 12-8-2004.

Khi đó, người dân Singapore biết ít về ông Lý ngoài những lần xuất hiện trong tư cách bộ trưởng và vài chi tiết về cuộc hôn nhân đầu. 

Ông kết hôn năm 1978 với bác sĩ Vương Minh Dương. Họ có với nhau hai người con, nhưng bà qua đời đột ngột ở tuổi 31 vào năm 1982 vì bệnh tim. Ông đi bước nữa với bà Ho Ching (Hồ Tinh) năm 1985 và có hai con trai với bà.

Ông Lý Quang Diệu (ngồi) cùng hai con trai và con dâu. Ảnh: Asia Times

Ông Lý Quang Diệu (ngồi) cùng hai con trai và con dâu. Ảnh: Asia Times

Năm 2003, trong cuộc phỏng vấn với Straits Times, ông Lý rơm rớm nước mắt khi nói về vợ đầu, kể rằng "thế giới của ông tan nát" khi bà mất. 

Mạng xã hội sau này đã giúp ông "mềm hóa" hình ảnh khi người dân biết nhiều hơn về các khía cạnh con người hơn của ông. Facebook của ông Lý hiện có hơn 1,7 triệu người theo dõi và ông là chính trị gia Singapore nổi tiếng nhất trên mạng xã hội.■

Người kế nhiệm

Ông Lawrence Wong được giới phân tích đánh giá là một nhân vật năng nổ của PAP. Ở tuổi 51, ông còn hấp dẫn hơn với các cử tri trẻ, trong khi vẫn giữ được mô hình lãnh đạo hiện tạo.

Ông hiện là một trong hai phó thủ tướng và kiêm ghế bộ trưởng tài chính. Ông cũng từng trải qua vị trí cấp cao ở 6 bộ khác nhau và là nghị sĩ từ năm 2011. Ông Wong đóng vai trò quan trọng khi là đồng chủ tịch ban chỉ đạo chống dịch COVID-19, giúp ông được cả người dân Singapore lẫn cộng đồng quốc tế biết tới nhiều hơn.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao cách điều hành dịch chắc chắn, hiệu quả, khoa học của Singapore và thường nhìn cách ông Wong điều hành để tham khảo.

Việc chuyển giao quyền lực đã được chuẩn bị cẩn thận trong hai năm vừa rồi. PAP nỗ lực xây dựng hình ảnh ông Wong là người bình dị và dễ gần, không có xuất thân tinh hoa như nhiều lãnh đạo khác trong nội các.

Ông thường đăng video chính mình chơi guitar, chơi với chú chó của mình, hay đi ăn vặt trên TikTok và Instagram. Tuy nhiên, về học vấn thì ông cũng không thua ai. Ông có bằng đại học và thạc sĩ kinh tế ở các trường tại Mỹ, bằng thạc sĩ về hành chính công của Trường Kennedy ở Harvard.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận