13/01/2017 15:22 GMT+7

​Thua kiện vì khó xác định hợp đồng giả cách

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Sau 5 ngày làm việc, ngày 13-1, TAND quận Bình Tân, TP.HCM đã tuyên án vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông Trang Sanh và bị đơn là ông Chang Yu Teng.

Các đương sự nghe toà tuyên án - Ảnh: Tuyết Mai
Các đương sự nghe toà tuyên án - Ảnh: Tuyết Mai

Theo nội dung đơn khởi kiện, ông Chang Yu Teng và ông Trang Sanh là tối tác làm ăn của nhau. Vào ngày 1-7-2013, hai bên ký hợp đồng vay tài sản không có công chứng, chứng thực.

Giao tiền trong lúc đối tác ở nước ngoài

Theo đó ông Trang Sanh cho ông Chang Yu Teng mượn hơn 549.000 USD (tương đương hơn 11 tỉ đồng) với lãi 6,5%/năm.

Ông Chang Yu Teng đã trả lãi từ tháng 7-2013 nhưng đến tháng 4-2016 thì không trả lãi nữa. Không giải quyết được, nguyên đơn khởi kiện đòi ông Chang Yu Teng trả lại tiền gốc và tiền lãi đối với khoản vay này.

Tại tòa, phía nguyên đơn khai đã giao tiền mặt cho bị đơn vào ngày 1-7-2013, nhưng khi giao tiền hai bên không làm biên bản giao nhận, không có người khác làm chứng…

Tuy nhiên, trong phiên xét xử, phía bị đơn khai rằng hoàn toàn không có việc giao nhận tiền, vì trong thời gian từ ngày 30-6 đến ngày 4-7-2013, ông Chang Yu Teng đang ở Thái Lan, có dấu xác nhận của cơ quan xuất nhập cảnh trên hộ chiếu. Hơn nữa, nếu giao bằng tiền mặt thì số tiền không thể lẻ đến đơn vị đồng.

Bên cạnh đó, phía nguyên đơn cũng không đưa ra bất kỳ tài liệu nào chứng minh có việc giao tiền.

Thực chất hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn và bị đơn là hợp đồng giả cách nhằm che giấu việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cây xanh cầu cảng giữa Công ty Quốc Quang (do ông Trang Sanh đại diện theo pháp luật) và Công ty Tấn Dương (do ông Chang Yu Teng đại diện theo pháp luật).

Vì phần đất này là đất công ích không được chuyển nhượng nên không thể công chứng hợp đồng này nhưng do cần đất để sử dụng nên ông Chang Yu Teng đã ký hợp đồng vay tài sản và tiến hành trả lãi cho ông Trang Sanh.

Số tiền vay trong hợp đồng bằng với phần công nợ trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cây xanh cầu cảng đã được phòng kế toán của Công ty Quốc Quang và ông Trang Sanh ký tên đóng dấu và xác nhận. Hằng tháng, bị đơn vẫn trả lãi cho thỏa thuận chuyển nhượng nói trên.

Từ đó, bị đơn phản tố yêu cầu tuyên hợp đồng vay trên là vô hiệu do giả tạo và yêu cầu tuyên vô hiệu vì hợp đồng đã vi phạm điều cấm của pháp luật khi giao dịch bằng tiền đô.

Ký hợp đồng bằng USD vẫn hợp pháp

Theo hội đồng xét xử, việc cho vay là có thật nhưng có sự mâu thuẫn giữa 2 bên. Căn cứ vào các thông báo của ngân hàng cho thấy ông Trang Sanh có nhận tiền do phía bị đơn chuyển vào, trong đó ghi là trả lãi hợp đồng 03 (tức hợp đồng vay tài sản) nên nói đây là tiền trả lãi cho việc chuyển sử dụng đất là không có cơ sở.

Thời điểm trên, ông Chang Yu Teng chưa có vốn góp ở công ty Tấn Dương. Các bên sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển tiền nên việc này không liên quan đến công ty Tấn Dương. Hội đồng xét xử cho rằng nếu không có việc nhận tiền thì không có việc trả lãi trong thời gian dài.

Đồng thời, Tòa cũng tuyên bác yêu cầu tuyên hợp đồng trên vô hiệu do vi phạm điều cấm của bị đơn, vì hợp đồng cho vay bằng USD nhưng giao tiền bằng tiền đồng.

Từ đó, Tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bác yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc ông Chang Yu Teng phải trả cả gốc lẫn lãi cho ông Trang Sanh hơn 13 tỉ đồng.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên