30/12/2019 20:54 GMT+7

Thủ tướng: Xoài xuất khẩu chi phí logistics chiếm 50% là lớn quá

N.AN
N.AN

TTO - Thủ tướng đặt mục tiêu năm 2020 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỉ USD, và tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 5, tăng xuất khẩu tại chỗ.

Thủ tướng: Xoài xuất khẩu chi phí logistics chiếm 50% là lớn quá - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ghi nhận - Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo như vậy tại buổi lễ ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỉ USD trong năm 2019, do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều ngày 30-12. 

Thủ tướng cho rằng Việt Nam từ nước thiếu ăn, đói ăn, bao cấp đã trở thành nước xuất khẩu lớn có tầm cỡ khu vực với nhiều sản phẩm có giá trị, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.

Động lực từ chế biến chế tạo, tăng vai trò doanh nghiệp trong nước

"Một chiếc điện thoại Samsung ta làm được 30% linh kiện phụ tùng là đáng khích lệ" - Thủ tướng nói. Sự phấn đấu ấy là nỗ lực các bộ liên quan như Công thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Thông tin và truyền thông, du lịch và đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Việt Nam đã đạt kim ngạch trên 500 tỉ USD là kết quả của quá trình cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, thực hiện hiệu quả giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. 

Hiện đã có 99% hoạt động xuất nhập khẩu khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và tham gia hoàn thuế điện tử; hệ thống thông quan tự động áp dụng toàn quốc với trên 99%; 96% khoản thuế được nộp trên điện tử...

Ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết động lực cho tăng trưởng xuất nhập khẩu là ngành chế biến chế tạo, không chỉ đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mà còn là doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân, điển hình là Thaco Trường Hải vừa xuất khẩu được xe bus. 

Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng cao hơn và xuất khẩu đạt 300 tỉ USD là áp lực lớn, bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế và pháp luật, tạo dựng nguồn lực và động lực mới cho tăng trưởng. 

Trong đó, bộ sẽ tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, kết nối chuỗi liên kết giữa FDI và trong nước trong các ngành, tái cơ cấu các ngành sản xuất tạo giá trị gia tăng nội địa; thực thi hiệu quả FTA; chống gian lận thương mại, xuất xứ…

Năm 2020: Xuất khẩu 300 tỉ USD, duy trì xuất siêu

Với mục tiêu xuất khẩu đạt trên 300 tỉ USD, tiếp tục xuất siêu năm 2020, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn. Áp dụng điện tử hoá một cửa để tạo sự thông thoáng hơn, doanh nghiệp hợp tác và chia sẻ chuỗi giá trị. 

Đồng thời, sử dụng biện pháp phòng vệ để bảo vệ hàng Việt Nam, các sản phẩm không cần thiết, tránh kiện tụng trong thương mại; chống gian lận thương mại và buôn lậu mạnh mẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. 

"Cần tăng hiệu quả xuất nhập khẩu, tập trung chế biến sâu trong chuỗi giá trị, giảm chi phí logistics. Một quả xoài mà chi phí vận chuyển chiếm tới 50% là cao quá. Đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ phục vụ cho xuất nhập khẩu. Xe bus mà Thaco làm, xuất khẩu được có hiệu quả là nhờ nội địa hoá đạt được trên 50%" - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Cùng với việc tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, Thủ tướng cũng yêu cầu cần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ trên cơ sở thu hút nhiều hơn khách du lịch, tạo ra sản phẩm hàng hoá dịch vụ đa dạng, cạnh tranh. 

Ngành chế biến chế tạo lần đầu xuất siêu 100 triệu USD Ngành chế biến chế tạo lần đầu xuất siêu 100 triệu USD

TTO - Công nghiệp chế biến chế tạo trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp khi đạt mức 10,6%, với nhiều dự án được khởi công xây dựng, sản phẩm có giá trị cao được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.

 
N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên