27/08/2024 14:25 GMT+7

Thủ tướng: Xây dựng Luật Nhà giáo để thầy cô là động lực, truyền cảm hứng

Cơ chế chính sách phải thông thoáng, khả thi nhưng kiểm soát được; trong đó có chính sách phù hợp, hiệu quả để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của Thủ tướng.

Thủ tướng: Xây dựng Luật Nhà giáo để thầy cô là động lực, truyền cảm hứng - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: TTXVN

Sáng 27-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, thảo luận, cho ý kiến với 3 dự án luật: dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. 

Đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 2 trong tháng 8-2024 và là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 8 trong năm nay của Chính phủ. 

Xây dựng luật cần bám sát thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách

Tại phiên họp, Chính phủ nghe trình bày tờ trình tóm tắt, báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định, đồng thời thảo luận các nội dung chính sách tại các dự án luật.

Trong đó với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các nội dung thảo luận liên quan tới phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định liên quan điều chuyển quỹ đầu tư phát triển, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Về dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ thống nhất cần tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan về nhà giáo; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.

Về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các ý kiến trao đổi về một số nội dung như cơ chế với dự án có tính chất đặc biệt quy mô lớn, thẩm quyền chấp thuận cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, quan hệ của dự án luật với các luật có liên quan, quản lý trí tuệ nhân tạo…

Trực tiếp cho ý kiến về các dự án luật, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chung là bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng các luật.

Cần đổi mới tư duy, bám sát và tôn trọng thực tiễn. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình, thực hiện có hiệu quả thì luật hóa; những vấn đề chưa chín, chưa rõ thì thực hiện thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc thực tiễn.

Huy động nguồn lực cho phát triển đất nước

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để. Phân bổ các nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh hậu kiểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.

"Cơ chế chính sách phải thông thoáng, khả thi nhưng kiểm soát được; trong đó có chính sách phù hợp, hiệu quả để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực chất lượng cao liên quan tới ba lĩnh vực mà ba dự án luật điều chỉnh; huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong đó với Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; giải quyết vướng mắc phát sinh thực tiễn, quản lý theo mục tiêu; phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp đi đôi với phân bổ nguồn lực.

Về Luật Công nghiệp công nghệ số, cần bám sát, quán triệt và thể chế hóa các chủ trương của Đảng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng phát triển công nghiệp... 

Về dự án Luật Nhà giáo, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, sứ mệnh trồng người của đội ngũ nhà giáo trong điều kiện mới, với quan điểm "thầy cô giáo là động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên".

Trên cơ sở các ý kiến, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến xác đáng, hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tháng 10-2024.

Trong đó các bộ cần thành lập các tổ công tác với sự tham gia của các chuyên gia, nhân lực từ các bộ, ngành, cơ quan khác; tiếp tục lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội; làm tốt công tác truyền thông...

Thủ tướng: Xây dựng Luật Nhà giáo để thầy cô là động lực, truyền cảm hứng - Ảnh 3.Thủ tướng có chỉ đạo mới về chế độ với nhà giáo, bao gồm chính sách đặc thù

Cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên