27/11/2018 17:01 GMT+7

Thủ tướng: 'Việt Nam đứng trong top 15 nước về nông nghiệp được không?'

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - "Trong vài thập kỷ tới, Việt Nam đứng ở đâu? Chúng ta đứng trong top 15 nước về nông nghiệp được không?", Thủ tướng đặt vấn đề khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về "tam nông" ngày 27-11.

Thủ tướng: Việt Nam đứng trong top 15 nước về nông nghiệp được không? - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về "tam nông" - Ảnh: VŨ TUẤN

Một trong những tồn tại, hạn chế mà báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chỉ ra là việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho nông nghiệp còn khó khăn. 

Giải pháp đặt ra là một mặt phải tuyền truyền, giáo dục; mặt khác hệ thống ngân hàng phải tích cực, quyết liệt triển khai dịch vụ ở nông thôn hỗ trợ nông dân, ưu tiên nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều sau các năm và luôn cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của hệ thống tín dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,6 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 13% so với năm 2017, đạt khoảng 24% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Sau 10 năm thực hiện các chính sách cho vay về tín dụng nông thôn, dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 5 lần. Nguồn vốn cho vay từ năm 2010 đến nay đạt khoảng 900.000 tỉ đồng, gấp khoảng 4 lần so với năm 2010.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp. Số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiểm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp (7.600 doanh nghiệp) trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Việc huy động vốn, tiếp cận với các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao. Khoảng 1/2 số hộ gia đình nông thôn vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và tín dụng phi chính thức (tín dụng "đen") vẫn còn xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao.

Thủ tướng: Việt Nam đứng trong top 15 nước về nông nghiệp được không? - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến và triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết "Tam nông" với gần 2000 đại biểu trên toàn quốc tham dự - Ảnh: VŨ TUẤN

Đáng chú ý, theo Thủ tướng, Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực, tuy nhiên chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn (quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thể giới). 

Canh tác quy mô nhỏ, manh mún và phân tán vẫn còn phổ biến (trung bình 0,18 ha/thửa đất và 2,5 thửa đất/hộ gia đình). Dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân.

Kinh nghiệm rút ra, theo Thủ tướng, là ở đâu cấp ủy, người đứng đầu quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt thì ở đó, nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển mạnh mẽ, diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. 

"Trong thập kỷ tới hay một vài thập kỷ ngắn tới đây, Việt Nam đứng ở đâu? Chúng ta đứng trong top 15 nước về nông nghiệp được không?", Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải đặt vấn đề thị trường trước khi sản xuất để hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá. Phải thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đến năm 2020, giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 12-2018.

Chúng ta đang nói tập trung làm nông nghiệp, nông thôn mà nông dân chúng ta có tinh thần ỷ lại thì không bao giờ thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tái cơ cấu nông nghiệp: "Dân phải được dùng sản phẩm ngon nhất" Tái cơ cấu nông nghiệp: 'Dân phải được dùng sản phẩm ngon nhất'

TTO - "Người dân trong nước phải được sử dụng các sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất", phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói về mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên