Trước thềm sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc) từ ngày 25 đến 28-6, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động này.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đặc biệt khi Trung Quốc là nước lớn, nước láng giềng có chung đường biên giới, là nước bạn bè truyền thống xã hội chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với Việt Nam.
Hướng tới quan hệ ổn định, thực chất và bền vững
* Thứ trưởng có thể nêu cụ thể hơn ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này?
- Chuyến thăm này thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến thăm cũng đánh dấu bước phát triển mới rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất từ chuyến thăm hết sức thành công của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào tháng 11-2022.
Vì vậy, Thủ tướng thăm Trung Quốc sẽ tập trung vào việc tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại.
Đặc biệt là thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương ngoài nước; tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.
Một ý nghĩa nữa, chuyến thăm này cũng sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp đối với những vấn đề còn khác biệt. Trong đó có vấn đề trên biển, tăng cường giao lưu giữa người dân, giữa địa phương hai bên.
Mục tiêu chuyến thăm nhằm góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn. Từ đó, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác khu vực và trên thế giới.
* Tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự hội nghị WEF. Xin Thứ trưởng cho biết Việt Nam sẽ có đóng góp gì?
- Tôi cho rằng việc Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị WEF có ý nghĩa lớn. Đặc biệt khi Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi và có độ mở lớn.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và các Chính phủ cần phải tăng cường hợp tác, mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông các nguồn lực để phục hồi kinh tế.
Thảo luận về các động lực tăng trưởng mới
Thủ tướng sẽ chia sẻ kinh nghiệm, cũng như học hỏi kinh nghiệm, bài học của các nền kinh tế khác, các doanh nghiệp lớn trong việc tạo dựng, khơi thông, kích hoạt và tranh thủ các động lực tăng trưởng mới.
Bao gồm các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu là góp phần hiện thực hóa các mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục quan tâm và đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, những lĩnh vực ưu tiên là thu hút đầu tư chất lượng cao, các doanh nghiệp hàng đầu, vốn là những ngành tạo nên động lực tăng trưởng mới đã kể trên.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng sẽ nêu một số kiến nghị liên quan tới các mô hình hợp tác công tư, mô hình phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp cũng như các biện pháp để thu hút các nguồn tài chính xanh, bền vững vào nền kinh tế Việt Nam.
Hội nghị của các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) có ý nghĩa quan trọng, có sự tham gia của rất nhiều các nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp khắp thế giới. Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang có sự suy giảm và các nước đang tìm mọi cách để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để phục hồi kinh tế.
Theo Thứ trưởng Vũ, việc Thủ tướng Việt Nam là một trong bốn lãnh đạo Chính phủ chủ chốt được mời tham dự cho thấy sự coi trọng của WEF cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận