09/06/2017 04:55 GMT+7

Thủ tướng thăm Nhật: 4 ngày, 50 hoạt động, 100 tỉ yen và 22 tỉ USD

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, 4 ngày làm việc với gần 50 hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang về 1 tỉ USD vốn ODA lại cùng 40 hợp đồng trị giá 22 tỉ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: Lê Kiên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: Lê Kiên

Tối 8-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.

Trả lời báo chí trước lúc đoàn rời Nhật Bản về Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: trong gần 4 ngày ở Nhật, với hai điểm đến chính là Tokyo và Osaka, Thủ tướng đã có gần 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hội đàm.

Trong đó, ông Trung cho biết Thủ tướng đã gặp tất cả lãnh đạo cao nhất của giới chính trị Nhật Bản như tiếp kiến nhà vua và hoàng hậu, hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, hội kiến với chủ tịch Thượng viện, chủ tịch Hạ viện, gặp lãnh đạo các đảng chính trị hàng đầu, tiếp nhiều lãnh đạo các địa phương và tiếp các tổ chức hữu nghị Nhật - Việt.

“Ngoài những hoạt động, kết quả cụ thể mà báo chí đã đưa trong những ngày qua, tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng thành công của chuyến đi này còn ở chỗ giúp củng cố tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Thời gian Thủ tướng và phu nhân tiếp kiến nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản diễn ra lâu hơn dự kiến ban đầu, nhà vua và hoàng hậu đã ra tận cửa xe để đón và tiễn Thủ tướng cùng phu nhân. Cuộc tiếp kiến ở ngay tại nhà riêng của Nhật hoàng chứ không phải ở hoàng cung như thông lệ. Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là bạn thân của nhau và khẳng định luôn dành sự ưu tiên hàng đầu cho quan hệ với Việt Nam”, ông Lê Hoài Trung cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản ký với quốc gia khác một bản ghi nhớ về chế độ thực tập sinh, điều này sẽ mở ra triển vọng rất lớn về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp lao động giữa hai bên.

Theo ông Dung, đây là cơ hội mới để Việt Nam đưa thêm nhiều thực tập sinh sang học tập, lao động tại một môi trường lao động tiên tiến, văn minh và chất lượng cao như Nhật.

Theo bản ghi nhớ này, hai bên đã thống nhất cho phép mở rộng thêm lĩnh vực hợp tác lao động, ngoài lĩnh vực y dược sẽ tiếp tục hợp tác lao động trong công nghiệp, thủy sản, nông nghiệp chất lượng cao…

"Trước đây chế độ thực tập sinh có thời hạn 3 năm thì nay nâng lên 5 năm. Tất nhiên, Việt Nam cũng phải đáp ứng yêu cầu cao hơn về kỹ năng của người lao động trước khi đưa sang Nhật Bản, như trình độ ngoại ngữ, tay nghề, hiểu biết về văn hóa. Để tạo điều kiện thông thoáng nhất trong hợp tác lao động thì chúng ta phải đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, bỏ các giấy phép con, không được thu thêm các khoản phí, ký quỹ…” - ông Dung nói.

Như vậy, ngay sau chuyến thăm tới Hoa Kỳ và hội đàm với Tổng thống Donald Trump, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở ra những cơ hội, triển vọng hợp tác kinh tế rất lớn đối với hai cường quốc. Hàng ngàn lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và Nhật quan tâm đến hợp tác kinh tế với Việt Nam đã được đích thân người đứng đầu Chính phủ Việt Nam giải đáp thắc mắc, cam kết những vấn đề rất cụ thể.

Chuyến đi “3 trong 1” này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thăm chính thức, dự và là diễn giả chính Hội nghị Tương lai châu Á, xúc tiến đầu tư và hợp tác kinh tế) đã đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới, sâu rộng và hiệu quả hơn, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, các công hàm và hiệp định vay ODA đã được trao đổi với tổng giá trị hơn 100 tỉ yen (khoảng 1 tỉ USD). Ngay tại hội nghị xúc tiến đầu tư kỷ lục với hơn 1.600 doanh nghiệp hai bên tham dự, có khoảng 40 hợp đồng với tổng giá trị 22 tỉ USD đã được ký kết.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên