Các văn kiện được ký kết trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngồi, bên trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Ảnh: N.BẮC
Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Campuchia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN từ ngày 8 đến 13-11 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh năm nay kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Người dân biên giới hưởng lợi
Sau 2 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19, những vấn đề đặt ra trong quan hệ hợp tác toàn diện từ quốc phòng, an ninh cho đến kinh tế - xã hội được hai thủ tướng đặc biệt quan tâm.
Trên cơ sở hoạt động thương mại tiếp tục duy trì tốt trong năm 2022 (9 tháng đầu năm đạt 8,45 tỉ USD, Việt Nam nằm trong nhóm năm nước có đầu tư lớn nhất tại Campuchia với gần 3 tỉ USD), những thảo luận về hợp tác kinh tế đã rất sôi nổi.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối kinh tế cả về cơ sở hạ tầng cứng cũng như thể chế, chính sách; ưu tiên thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số, hỗ trợ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Hai thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại biên giới, trong đó có việc ký kết Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia.
Theo Bộ Công Thương, hiệp định này sẽ gồm các quy định về hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa tại biên giới, thúc đẩy phát triển các chợ biên giới, vấn đề thanh toán, dịch vụ hỗ trợ...
Theo đó, thương nhân và cư dân biên giới, các chủ hàng, phương tiện được ủy quyền sẽ được thuận lợi trong giao dịch hàng hóa ở biên giới.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý này là phù hợp để góp phần nâng cao mức sống của người dân địa phương, tăng cường hợp tác hữu nghị, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Hiệp định cũng sẽ giúp cho việc xuất nhập cảnh thuận lợi hơn. Để thực thi có hiệu quả hiệp định, hai nước sẽ cập nhật thông tin về luật và các quy định liên quan đến thương mại, gồm thủ tục xuất nhập cảnh biên giới, thủ tục xuất nhập khẩu, danh mục hàng hóa cấm và tạm ngừng xuất/nhập khẩu, các quy định về phí, lệ phí...
Thúc đẩy kết nối kinh tế
Việc hai thủ tướng đồng chủ trì Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia ngay trong chiều 8-11 là minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy đầu tư, giao thương của hai nước.
Tại đây, doanh nghiệp hai nước đã chia sẻ kết quả sản xuất kinh doanh có hiệu quả và kế hoạch mở rộng quy mô. Tuy vậy, họ cũng mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, xây dựng, hạ tầng, dịch vụ, thương mại nhất là thương mại vùng biên...
Với tinh thần "biến nguy thành cơ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tăng cường kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, trong đó trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải... từ đó tạo kết nối liên vùng, liên quốc gia, sớm hoàn thành đề án "Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế".
Với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng khẳng định luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác hiệu quả trên cơ sở ban hành chính sách khuyến khích phát triển biên giới, ưu đãi hỗ trợ đầu tư hiệu quả và thông thoáng hơn.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh thông điệp: "Tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, khó lường, nhưng rõ ràng mối quan hệ hai nước không bao giờ thay đổi".
Ông Hun Sen khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam về thuế đảm bảo công bằng, cũng như cam kết về môi trường đầu tư thuận lợi, khuôn khổ pháp lý minh bạch.
Ông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy sang tìm hiểu thêm về tiềm năng và cơ hội đầu tư, trong đó lĩnh vực ưu tiên là giúp Campuchia gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, liên kết chuỗi sản xuất ô tô và điện tử vì đây là chiến lược và thế mạnh của Việt Nam.
Cảm ơn Campuchia giúp giải cứu công dân Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các cơ quan chức năng Campuchia thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ trong việc giải cứu thành công nhiều công dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm lao động bất hợp pháp. Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Campuchia - Việt Nam: Tình bạn đích thực trong ASEAN
Mối quan hệ song phương Việt Nam - Campuchia có thể được mô tả là một quan hệ "giận mà thương".
Là những láng giềng kề cận, hai nước có một lịch sử dài quan hệ, hợp tác, cả những lúc cơm không lành canh không ngọt, và cùng có chung những bạn bè và đối thủ.
Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 24-6-1967.
Bất kể những thăng trầm trong quan hệ, đặc biệt vào những năm 1970 và 1980, Campuchia và Việt Nam đã vẫn có thể duy trì quan hệ thân tình trong suốt 40 năm qua.
Đáng nói hơn, khi mô tả về quan hệ hiện nay, cả hai nước đều thường xuyên nhắc tới những chữ này: "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".
Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai vào Campuchia chỉ sau Trung Quốc, bên cạnh các nước có giá trị hàng hóa xuất khẩu lớn khác tới Campuchia là Singapore, Thái Lan và Thụy Sĩ. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ.
Năm 1999, khi Việt Nam là chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Campuchia đã được chào đón là thành viên cuối cùng tham gia tổ chức này. Việt Nam được ghi nhớ công lao vì đã cứu Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vốn đã sát hại gần 2 triệu người dân xứ chùa tháp.
Kể từ khi gia nhập ASEAN, Campuchia đã hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN khác để thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực.
Mặc dù Việt Nam đã góp công giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ độc tài Khmer Đỏ, nhưng nhiều học giả phương Tây vẫn gắn nhãn cho việc này là một "sự xâm lược".
Sự thật lịch sử này không thể bị xuyên tạc, bị diễn giải sai hay bị chính trị hóa, và không được để nó bị lợi dụng để gây ra không khí thù địch và định kiến giữa người Việt Nam và người Campuchia.
Vì Campuchia và Việt Nam là hai láng giềng luôn cận kề nhau, có rất nhiều lợi thế cho sự hợp tác giữa hai bên trong thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng cho cả hai nước.
Nhưng ngược lại, vẫn sẽ luôn có lúc tranh cãi giữa những láng giềng cạnh nhau vì điều này cũng giống như con người vậy. Ngay cả các cặp vợ chồng, những người được cho là sẽ mãi mãi bên nhau, nhưng đôi khi cũng cãi lộn vì chuyện nọ chuyện kia.
Những tranh cãi về biên giới còn tồn tại giữa hai nước bắt nguồn từ việc phân giới cắm mốc chưa hoàn thành, và đây là một trong những vấn đề chính còn tồn tại. Những khu vực biên giới chưa được xác định vẫn là vấn đề cần giải quyết.
Bất kể những khó khăn còn tồn tại trong quan hệ như vừa nêu, Việt Nam vẫn khẳng định sẽ ủng hộ Campuchia trong thời gian Phnom Penh là chủ tịch ASEAN. Các quan chức Việt Nam đã tới Campuchia để bày tỏ sự ủng hộ khi quốc gia này giữ cương vị chủ tịch ASEAN.
Chính phủ hai nước tiếp tục có những mối quan hệ rất hữu hảo. Rất nhiều sinh viên Campuchia đã được nhận học bổng tại Việt Nam ở các chuyên ngành khác nhau, và rất nhiều công dân Việt Nam đang làm việc tại Campuchia.
Dù thi thoảng chúng ta có những rắc rối, nhưng những vấn đề đó đều có thể giải quyết vì chúng ta không thể xóa bỏ biên giới hay sống biệt lập với nhau, cũng như môi với răng phải cùng tồn tại, vì sự phát triển và thịnh vượng của nhau.
Tìm kiếm một giải pháp để cùng tồn tại trong hòa bình ở mọi cấp độ là điều thiết yếu với cả Campuchia và Việt Nam, vì trời đất đã khiến họ là hai láng giềng ở sát vách nhau.
Nhìn chung, Campuchia và Việt Nam cần hành động để đẩy nhanh quá trình phân giới lãnh thổ nhằm giải quyết các khó khăn đã nêu. Chính phủ Campuchia cũng cần tìm kiếm những giải pháp cho vấn đề người nhập cư Việt Nam.
Hai chính phủ cũng cần tạo cơ chế để người dân hai nước có cơ hội hiểu thêm về nhau, vì đó là điều rất quan trọng để duy trì hòa bình và ổn định.
TS SEUN SAM (nhà phân tích chính sách thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia)
- D.KIM THOA chuyển ngữ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận