Theo lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, quy hoạch tỉnh Hưng Yên được phê duyệt đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.
Từ đó, giúp tỉnh Hưng Yên nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa khát vọng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Hưng Yên có nhiều nơi gần Hà Nội hơn cả Hà Nội"
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hưng Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức; xác định tầm nhìn, chiến lược phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, có bước phát triển vượt bậc.
Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10,71%, gấp hơn 2 lần tăng trưởng bình quân cả nước (5,24%); quy mô kinh tế xếp thứ 16/63; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 90%). GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,81%.
Thu ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch, năm 2022, 2023 thuộc nhóm 10 địa phương thu ngân sách cao nhất nước.
Tỉnh thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, đến tháng 6-2024 có trên 17.300 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 212 nghìn tỉ đồng; có 1.686 dự án trong nước, tổng vốn 340 nghìn tỉ đồng; 577 dự án FDI, tổng vốn 7,5 tỉ USD.
Theo Thủ tướng, về vị trí địa lý, "Hưng Yên có nhiều nơi gần Hà Nội hơn cả Hà Nội", nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, song để phát huy được lợi thế này, cần có 3 tuyến đường huyết mạch để "kéo" Hưng Yên gần hơn với Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn, các tỉnh phía nam Đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa được khánh thành, tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan vừa được khởi công và tuyến đường kết nối di sản sông Hồng có thể khởi công trong cuối năm 2024.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Hưng Yên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, thách thức: Phát triển kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là lợi thế của liên kết vùng.
Ngoài ra khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao.
Cải cách thủ tục hành chính cần nỗ lực hơn; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường cần hiệu quả hơn...
Những lưu ý khi thực hiện quy hoạch
Thủ tướng đánh giá quy hoạch tỉnh Hưng Yên đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống, văn hóa, lịch sử, vừa mang tính kế thừa và phát triển.
Mục tiêu quy hoạch đã được xác định rõ, đến năm 2030, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo Thủ tướng, để tỉnh đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần làm nên "kỳ tích sông Hồng", Hưng Yên phải tích cực trong việc triển khai, cụ thể hóa quy hoạch.
Thủ tướng lưu ý các định hướng lớn, theo đó, tổ chức không gian kinh tế - xã hội theo mô hình "mạng lưới", đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục, 3 trung tâm mà quy hoạch đã chỉ ra.
Thực hiện tốt định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; tập trung thực hiện các đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).
1 tập trung, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh
Thủ tướng đề nghị tỉnh Hưng Yên thực hiện tốt phương châm "1 tập trung - 2 tăng cường - 3 đẩy mạnh".
"1 tập trung" là: Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững...).
"Các khu công nghiệp phải chọn lọc, thu hút đầu tư công nghệ cao để người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, năng suất lao động, từ đó mang lại thu nhập cao và đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
"2 tăng cường" gồm: - Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội).
- Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, chuỗi sản xuất và cung ứng...
"3 đẩy mạnh" gồm: - Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, xã hội...).
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng, nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận