Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua yêu nước - Ảnh: VIỆT DŨNG
Trước khi bế mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sáng 10-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025.
Chỉ ra dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh ở các đối tác khu vực, ở trên biển tiếp tục diễn ra gay gắt, xung đột thương mại gia tăng, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ, thách thức lớn, Thủ tướng cho rằng tình hình đang đặt ra vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn, thách thức mới với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều này đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm, tầm nhìn 2045.
"Chúng ta cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển và công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 kỷ niệm 100 thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển thu nhập cao", Thủ tướng nói.
Các đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát động phong trào thi đua trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần tập trung vào một số nội dung.
Trước hết, thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; tổ chức và hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực tạo động lực mới, tạo đột phá mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Các bộ, ban ngành thi đua đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, đảm bảo nghiêm minh theo định hướng kinh tế thị trường; sáng tạo, đổi mới, phát triển, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới kinh tế số.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương thi đua xây dựng cơ chế, đột phá, thu hút mạnh mẽ nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, xã hội trật tự kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Cùng với đó, thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam.
Đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh trong giai đoạn 2021-2025 khi còn có dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả đảm bảo sức khỏe người dân, vừa tận dụng tốt cơ hội để nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển vắcxin, giải pháp để nhân dân tiếp cận sử dụng vắcxin phòng chống dịch sớm nhất.
Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua, trọng tâm là 4 phong trào thi đua: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn Đảng, toàn dân toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới - Ảnh: VIỆT DŨNG
Bên cạnh đó, thi đua xây dựng phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vận chất tinh thần của nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua toàn dân phát triển văn hóa, giáo dục, y tế phong trào khuyến học, khuyến tài.
Đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo; tận dụng và phát triển cuộc cách mạng 4.0, hội nhập quốc tế, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội.
Xây dựng giá trị quốc gia, giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí khát vọng, sức mạnh con người Việt Nam.
Tiếp tục phát động phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại chủ động hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phong trào thi đua người Việt ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, chung tay chung sức xây dựng quê hương.
Đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, thiết thực, hiệu quả, hướng vào phong trào thi đua "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham những, chống lãng phí, tiêu cực; xây dựng cán bộ công chức, viên chức có tâm, có tầm, có trình độ chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại.
Dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương phát động phong trào thi đua với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo, sôi nổi, rộng khắp, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
"Với tinh thần đó, tôi thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - khen thưởng trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận