27/02/2016 10:50 GMT+7

Thủ tướng hỏi tại sao thủ tục hải quan ta làm mười mấy ngày?

CẦM VĂN KÌNH - QUỲNH TRUNG
CẦM VĂN KÌNH - QUỲNH TRUNG

TT - Tháo gỡ, giúp doanh nghiệp VN bán hàng thế nào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hỏi “Tại sao thủ tục hải quan họ làm có 48 tiếng mà ta làm mười mấy ngày?”.

Một buổi giới thiệu xoài Việt Nam tại siêu thị Aeon (tỉnh Chiba, Nhật Bản) có sự tham dự của ông Nguyễn Trung Dũng (bìa trái) - tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật, vào tháng 11-2015 - Ảnh: X.Toàn
Một buổi giới thiệu xoài Việt Nam tại siêu thị Aeon (tỉnh Chiba, Nhật Bản) có sự tham dự của ông Nguyễn Trung Dũng (bìa trái) - tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật, vào tháng 11-2015 - Ảnh: X.Toàn

Tại hội nghị tham tán thương mại năm 2016 diễn ra ở Hà Nội ngày 26-2, trong khi nhiều ý kiến cho rằng các tham tán cần phải hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa trong tìm kiếm thị trường thì các tham tán cũng đề nghị doanh nghiệp phải chủ động hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các tham tán phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế và có trách nhiệm cao, tích cực trong các hoạt động xúc tiến thương mại để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân, những người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa.

Các địa phương “đặt hàng” với tham tán

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết trong năm 2015, xuất khẩu gạo gặp không ít khó khăn, thủy sản cũng chịu nhiều áp lực từ rào cản của các nước nhập khẩu, trong khi sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các thương vụ còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được vai trò kết nối thị trường.

Do đó, ông Hùng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về những ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, từ đó nhận phản hồi của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để liên tục cập nhật thông tin. Ngoài ra, ông Hùng cũng đặt hàng các thương vụ giúp đẩy mạnh tiêu thụ gạo, cá tra, trái cây...

Ông Nguyễn Hoài Nam, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản, cũng cho rằng nhiều nước đưa ra rào cản kỹ thuật để hạn chế bớt nhập khẩu, thậm chí các biện pháp họ đưa ra không theo thông lệ quốc tế hoặc quá xa với cam kết, do đó các tham tán cần tham gia đấu tranh.

Trong khi đó, ông Đào Trần Nhân, tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết các thương vụ hiện chỉ có tối đa bốn người, có nơi chỉ một người với lượng công việc lớn, chưa kể phải tham gia đàm phán các hiệp định.

Vì vậy, ông Nhân đề nghị các doanh nghiệp nên có sự chủ động, thay vì đưa ra các yêu cầu mang tính “bỏ bom” thương vụ. Chẳng hạn, có doanh nghiệp đề nghị kết nối để xuất khẩu mặt hàng hoa quả, nhưng loại hoa quả này lại nằm ngoài danh mục Mỹ chấp nhận cho Việt Nam xuất khẩu sang.

“Nhiều doanh nghiệp có tâm lý ăn sẵn. Với nhiều hiệp định, nhiều doanh nghiệp không đọc tiếng Anh mà gửi sang thương vụ rồi chờ trả lời bằng tiếng Việt để đọc... Doanh nghiệp phải chủ động hơn, phải “làm bài tập về nhà của mình” thay vì phó thác hết cho các thương vụ ở nước ngoài”, ông Nhân cho biết.

Liên quan đến việc có nên thúc đẩy cơ chế doanh nghiệp trả phí để thương vụ hỗ trợ công việc cụ thể, ông Nhân cho rằng đã có cơ chế nhưng ông chưa nhận một đồng hoa hồng nào trong suốt nhiệm kỳ vừa qua.

Nỗ lực sẽ có trái ngọt

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, bà Nguyễn Kim Phượng - tham tán thương mại Việt Nam tại New Zealand - cho biết: “Hiện tại có hai mặt hàng là xoài và thanh long của Việt Nam đã vào được thị trường New Zealand.

Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa có ấn tượng nhiều do mới thâm nhập thị trường. Cần phải có những chương trình xúc tiến quy mô lớn hơn để người tiêu dùng New Zealand biết nhiều đến các sản phẩm này”- bà Phượng nói.

Cũng theo bà Phượng, ngoài ít nhất hai sự kiện thương mại được tổ chức hằng năm để quảng bá về những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam cũng như các chính sách đổi mới, năm qua thương vụ phát hành quyển sách Doing business with Vietnam (tạm dịch: Làm ăn với Việt Nam) tập trung vào doanh nghiệp nước ngoài và phát hành bản tin tháng để chia sẻ thông tin về Việt Nam.

Chia sẻ câu chuyện về việc đưa trái vải Việt Nam vào Úc, đại diện thương mại Việt Nam tại Úc Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết do trái vải chưa được biết nhiều ở Úc nên thương vụ đã vận động các doanh nghiệp Việt kiều kinh doanh siêu thị, nhà hàng nhập khẩu trước, sau đó tiếp cận các siêu thị Úc.

Ngoài hàng loạt chương trình truyền thông quảng bá trái vải như xây dựng video tiếng Anh, sách giới thiệu trái vải, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để tạo ra quả vải thơm ngon, dinh dưỡng cao, các công thức chế biến một số món tráng miệng, đồ uống từ vải nhưng hợp với khẩu vị của người Úc cũng được giới thiệu thông qua nhiều kênh, trong đó có Facebook. Nhờ vậy, theo bà Thúy, trái vải được đón nhận tích cực tại thị trường Úc ngay mùa đầu tiên.

Đặt chỉ tiêu, khuyến khích cụ thể

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết cũng tham gia xúc tiến, thúc đẩy tháo gỡ để bán sản phẩm Việt Nam.

“Chính tôi đi gặp cựu tổng thống Bush nói chuyện thanh long, gặp ông Obama nói về luật nông trại của Mỹ, gặp thủ tướng Úc nói về trái vải, Nhật nói về trái xoài...” - ông Dũng nói, đồng thời cho rằng hoạt động xúc tiến thương mại không thể nói chung chung, mà phải hành động cụ thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các tham tán không chỉ xúc tiến bán hàng, mà thấy các nước thủ tục nhanh gọn vẫn quản lý được thì kiến nghị về nước. “Tại sao thủ tục hải quan họ làm có 48 tiếng mà ta làm mười mấy ngày?”, ông Dũng đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị các tham tán “phải hết sức trách nhiệm với dân với nước mới làm được”.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các tham tán phải cùng chung sức với doanh nghiệp quan hệ với giới chức, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các chuỗi cung ứng các nước để doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào.

Theo Thủ tướng, xuất khẩu càng nhiều càng có tăng trưởng, càng có công ăn việc làm và ngược lại, nếu nông thủy sản xuất khẩu giảm xuống thì nông dân gặp khó khăn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các tham tán thương mại phải theo sát, đấu tranh với những rào cản không hợp lý, để hàng Việt Nam sang các nước dễ dàng hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương rà soát, kiện toàn cơ quan thương vụ trong thời kỳ mới. “Tham tán phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, có trách nhiệm cao. Phải làm hết sức, đặt chỉ tiêu cụ thể”.

Phải giữ uy tín về chất lượng sản phẩm

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán công sứ tại Nhật, khuyến cáo các doanh nghiệp phải đảm bảo được cam kết đối với chất lượng sản phẩm, giữ cho được chất lượng đồng đều chứ không làm theo kiểu trước tốt nhưng sau đó xấu, gây ảnh hưởng đến thị trường.

Theo ông Dũng, nhờ chất lượng tốt, trái xoài Việt Nam đã thâm nhập được thị trường Nhật, được bán tại các siêu thị Nhật. Tuy nhiên, nếu sau đó chất lượng giảm xuống hoặc không đồng đều có thể công sức sẽ thành “đổ sông đổ biển”.

Phải lấy kinh tế làm trung tâm

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dù Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng vẫn đang đàm phán tiếp 4 FTA khác: với Israel, FTA giữa khu vực ASEAN và các nước Đông Á, ASEAN với Hong Kong, Việt Nam với 4 nước Bắc Âu.

“Mấy cái này chắc thuận lợi, vì có nền TPP và Việt Nam - EU rồi” - Thủ tướng nói và mong các tham tán làm tốt hơn trách nhiệm của mình để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn. Theo ông Dũng, bây giờ phải lấy kinh tế là trung tâm, kinh tế không phát triển thì khó nói gì.

CẦM VĂN KÌNH - QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên