09/12/2015 09:09 GMT+7

​Đồng Nai phát triển xoài Cát Chu xuất sang Nhật

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch, tiến hành vận động, khuyến khích nông dân trong tỉnh thực hiện ghép cải tạo xoài Cát Chu; phát triển diện tích xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và GobalGAP.

Việc ghép cải tạo xoài Cát Chu sẽ được các hợp tác xã trồng xoài thực hiện ngay trên diện tích xoài 3 mùa mưa (loại xoài sau khi trồng 3 năm ra quả), quá trình này chỉ mất hơn một năm là cho thu hoạch.

Để đảm bảo chất lượng xoài xuất khẩu, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã phối hợp cùng các chuyên gia của Nhật Bản tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc xoài Cát Chu.

Đây là một quy trình sản xuất khép kín và bảo đảm đầy đủ các yếu tố kỹ thuật từ khâu cải tạo giống đến cải tạo đất, xác định các loại phân bón, thuốc trừ sâu; sử dụng các công nghệ bảo quản và làm sạch trước khi xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai đang gấp rút xây dựng đề án xuất khẩu xoài, triển khai cánh đồng lớn trên cây xoài (liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu).

Để thực hiện đề án này, năm 2016, Đồng Nai sẽ chi khoảng 28 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn từ ngân sách tỉnh khoảng 20 tỷ đồng, số còn lại là nguồn vốn của các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết, vừa qua, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức chấp nhận cho Việt Nam xuất khẩu xoài tươi vào thị trường nước này.

Loại xoài mà Nhật nhập khẩu là xoài Cát Chu, nhưng diện tích xoài Cát Chu của tỉnh Đồng Nai rất ít (toàn tỉnh có trên 11.000ha xoài nhưng chỉ có khoảng 100 ha xoài Cát Chu).

Những lần khảo sát mới đây, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản cho rằng xoài của Đồng Nai có sản lượng lớn, giá rẻ, có vị ngon đặc trưng; Đồng Nai gần TP.HCM, giao thông thuận lợi.

Đây là những lợi thế cạnh tranh rất lớn, giúp xoài Đồng Nai dễ xâm nhập thị trường Nhật Bản. Song, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản còn băn khoăn vì diện tích xoài Cát Chu của tỉnh ít, không đáp ứng được số lượng theo yêu cầu của Nhật.

hinh-3-1449626974.jpg

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã làm việc với các hợp tác xã trồng xoài, sau khi ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản, tùy vào số lượng xuất khẩu, các hợp tác xã sẽ lập tức tiến hành ghép cải tạo xoài Cát Chu.

Đối với diện tích xoài được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GobalGAP, đến nay, Đồng Nai mới có gần 60ha. Diện tích này còn ít, nguyên nhân là do sản xuất theo VietGAP và GobalGAP, dân phải thực hiện nhiều thủ tục, tốn công sức, trong khi trên thị trường sản phẩm xoài sạch vẫn có giá bán như xoài thông thường.

Khi xoài xuất sang Nhật Bản có đầu ra đầu ra ổn định, dân Đồng Nai sẽ mạnh dạn phát triển diện tích xoài sạch, đảm bảo chất lượng.

Để nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, sản phẩm xoài của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng phải đáp ứng các quy trình xử lý dịch hại theo tiêu chuẩn của Nhật, đồng thời, trước khi vào Nhật, xoài phải được xử lý bằng hơi nước nóng.

Hiện tại Việt Nam đã có 5 nhà máy hơi nước nóng; trong đó có 4 nhà máy đã được phía Nhật Bản kiểm tra và cấp mã số.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên