Phóng to |
Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm một khu nhà cổ ở Bắc Kinh ngày 2-2 - Ảnh: Reuters |
Về đồng euro, trong chuyến thăm ba ngày này, bà Merkel cố thuyết phục Bắc Kinh tin rằng cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã được kiềm chế và đầu tư vào đồng euro là an toàn.
“Đồng euro đã giúp Liên minh châu Âu (EU) thêm vững mạnh. Và đây không phải là cuộc khủng hoảng của đồng euro mà là một cuộc khủng hoảng nợ và cuộc khủng hoảng giữa những cấp độ khả năng cạnh tranh khác nhau” - Financial Times dẫn lời bà Merkel nói tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh. AFP nhận xét trong bài phát biểu đầu tiên, bà Merkel cố trấn an Bắc Kinh là EU đang đi đúng hướng với việc thống nhất tài chính.
Trung Quốc là đối tác kinh tế chiến lược của Đức với thương mại song phương khoảng 169 tỉ USD năm 2011.
Giới chuyên gia Trung Quốc đánh giá chuyến thăm của bà Merkel sẽ khó thuyết phục được Bắc Kinh. “Các nước châu Âu có đồng tiền thống nhất nhưng không có hệ thống tài chính thống nhất để đảm bảo mỗi nước giữ đúng lời hứa giảm nợ. Đổ thêm tiền vào (châu Âu) sẽ chẳng giải quyết được vấn đề” - nhà kinh tế Shen Jiru nhận định trên tờ Global Times.
Về Iran, bà Merkel kêu gọi Trung Quốc thuyết phục Iran theo đuổi một chương trình hạt nhân “công khai” và “minh bạch” cũng như tham gia các biện pháp cấm vận Iran bằng cách ngừng nhập khẩu dầu từ nước này. Là khách hàng lớn nhất của Iran và hiện nhập 1/5 lượng dầu xuất khẩu của Iran, Bắc Kinh đã từ chối tham gia cuộc cấm vận Iran của Mỹ và EU.
Chuyên gia Simon Shen thuộc Đại học Hong Kong nhận định để thuyết phục Trung Quốc, Berlin có thể sẽ trao đổi sự ủng hộ của nước này đối với một số vấn đề quan trọng với Bắc Kinh như “đối phó với Mỹ”. “Đức là thành viên quyền lực nhất EU và Trung Quốc vẫn luôn muốn vận động sự ủng hộ của nước này” - ông Shen cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận