Sự kiện diễn ra tại Khu di tích K9 - Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây là địa chỉ lịch sử, văn hóa - nơi gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống đến khi qua đời.
Tại đây, Thủ tướng và các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và thế giới.
Nguyện phấn đấu học tập, noi gương đạo đức Bác Hồ
Thủ tướng và các đại biểu nguyện phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Bác Hồ, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Khu di tích Đá Chông - K9 là địa danh lịch sử - văn hóa; là nơi Bác chọn để xây dựng căn cứ của trung ương. Từ năm 1960-1969, tại nơi này, Người cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi Người qua đời, khu vực này được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm nơi chủ yếu để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt (1969-1975).
Ngay sau đó, Thủ tướng dự lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão 2023 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng và Hà Nội tổ chức.
Đây là hoạt động trong chương trình "Vì một Việt Nam xanh" trong năm 2023 với mục tiêu trồng mới 22,5 triệu cây xanh.
Tết trồng cây theo di nguyện Bác
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cách đây 64 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân hưởng ứng Tháng trồng cây: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều", "Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây".
Đến nay, "Tết trồng cây" trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta trong dịp Tết đến, Xuân về.
Theo Thủ tướng, thực hiện di nguyện của Bác, 64 năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chương trình trồng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Hàng triệu héc ta rừng, hàng trăm triệu cây xanh đã được trồng trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái.
Thủ tướng cho rằng việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu từ năm 1992. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết thực hiện lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
"Điều này thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và suy giảm các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh, an toàn, một Trái đất xanh", Thủ tướng chỉ rõ.
Để tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ", Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, các cháu học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, người Việt Nam và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hãy hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu xuân và cả năm; vì một Việt Nam xanh, an toàn, phát triển bền vững.
Ngay sau lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và các tầng lớp nhân dân đã trồng 3.000 cây xanh (bao gồm các giống lát hoa, gõ đỏ, re hương, giổi xanh, chò chỉ) trên tổng diện tích 3,5ha tại Khu di tích K9 - Đá Chông.
Thủ tướng khảo sát đường vành đai 4, quyết tháo gỡ về giải phóng mặt bằng
Cũng trong chương trình làm việc sáng ngày 27-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, với tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Theo đánh giá, đến nay các hạng mục công việc đang được triển khai đáp ứng mốc tiến độ. Việc phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc đạt hiệu quả.
Ba địa phương có dự án đi qua gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cùng các bộ, ngành chấp thuận cho phép vừa lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vừa thiết kế, vừa thi công đối với các công trình xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, được phép phân giai đoạn, hạng mục thực hiện đầu tư để tiến hành thiết kế theo từng giai đoạn, từng hạng mục phục vụ cho công tác thi công trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ cho toàn công trình, phù hợp với khối lượng di dời, giải phóng mặt bằng của dự án...
Tại hiện trường dự án trên đường gom Đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội, sau khi nghe báo cáo Thủ tướng cho rằng kinh nghiệm chỉ ra, việc giải phóng mặt bằng thường chậm.
Do đó, với những vướng mắc của dự án, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu hồ sơ, tổ chức họp ngay để xử lý.
Yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát lại tổng vốn đầu tư toàn dự án; khẳng định Trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương làm dự án này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thực hiện dự án đồng bộ, đẹp, hiện đại.
Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu khai thác quỹ đất 2 bên; tranh thủ thời tiết tốt, động viên bà con giải phóng mặt bằng, khi triển khai thi công "3 ca, 4 kíp"; có vướng mắc báo cáo trực tiếp.
Tinh thần giải quyết là phải nhanh nhất, không giấy tờ lòng vòng; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ. Theo đó, sẽ khởi công đồng loạt các hạng mục dự án ở 3 tỉnh, phấn đấu tháng 6-2025 hoàn thành dự án.
Thủ tướng cũng đã hỏi thăm người dân bên đường về công tác đền bù. Người dân khẳng định đồng thuận, phấn khởi chấp hành nghiêm chủ trương của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận