Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Vũ - Ảnh: CHI MAI |
Ông Nguyễn Văn Vũ(trưởng phòng hộ tịch - quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết:
- Theo nghị định 24, thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài không thay đổi nhưng về trình tự thủ tục thì có một số thay đổi theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho người dân. Chẳng hạn, trước đây khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn thì bắt buộc cả hai vợ chồng cùng có mặt để nộp hồ sơ. Trường hợp một người vắng mặt thì phải có giấy ủy quyền. Trong giấy ủy quyền (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) cũng phải nêu rõ lý do vì sao không thể có mặt để nộp hồ sơ. Việc này gây không ít khó khăn cho những người nước ngoài hoặc Việt kiều đang định cư ở nước ngoài vì phải sắp xếp thời gian để có mặt nộp hồ sơ kết hôn hoặc phải đi làm giấy ủy quyền. Theo quy định mới, sắp tới chỉ cần vợ hoặc chồng đến nộp hồ sơ. Đến giai đoạn phỏng vấn thì cả hai người mới cần phải có mặt.
Trước đây khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp phải thực hiện thủ tục niêm yết tại trụ sở của Sở Tư pháp trong vòng bảy ngày, đồng thời đề nghị UBND phường, xã nơi đương sự thường trú thực hiện việc niêm yết bảy ngày để xem có khiếu nại, tố cáo gì về việc kết hôn không... Theo nghị định 24, không phải thực hiện thủ tục niêm yết nữa.
Siết chặt thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân để tránh hậu quả đáng tiếc
Ông Vũ giải thích việc siết chặt thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân xuất phát từ thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp phụ nữ VN kết hôn với người nước ngoài không xuất phát từ tình cảm nên có nhiều hậu quả đáng tiếc. Có phụ nữ kết hôn mà không có thông tin gì về nghề nghiệp, cuộc sống của người chồng ở nước ngoài, không biết ngoại ngữ... Do thủ tục kết hôn với người nước ngoài của chúng ta có một số quy định nhằm siết tình trạng này nên nhiều người lách bằng cách chỉ xin xác nhận tình trạng hôn nhân ở VN rồi gửi qua nước ngoài để đăng ký kết hôn dễ dàng hơn. Từ thực tế này, nghị định 24 quy định khi cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người VN để kết hôn ở nước ngoài, sở tư pháp địa phương phải thẩm tra, xác minh.
* Như vậy thời gian giải quyết hồ sơ kết hôn sẽ được rút ngắn?
- Đúng vậy. Theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp là 30 ngày. Trường hợp Sở Tư pháp xét thấy cần yêu cầu cơ quan công an xác minh (một số vấn đề về nhân thân của hai bên nam nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ kết hôn) thì thời hạn có thể kéo dài thêm 20 ngày. Theo quy định mới, thời gian giải quyết hồ sơ bình thường là 25 ngày, nếu cần xác minh thì thời gian kéo dài thêm không quá 10 ngày.
* Còn những thay đổi nào nữa không, thưa ông?
- Có một số thay đổi trong thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân VN cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Cụ thể, bên cạnh việc đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp, nếu công dân VN muốn kết hôn với người nước ngoài, các bên cũng có thể nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Sau đó, mang giấy đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đến Sở Tư pháp để làm thủ tục ghi chú việc kết hôn. Để làm được thủ tục kết hôn ở nước ngoài, người đăng ký kết hôn phải yêu cầu UBND phường, xã làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân.
Hiện nay, UBND phường, xã có thể trực tiếp cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có nhu cầu làm thủ tục kết hôn ở nước ngoài. Sắp tới, theo nghị định 24, sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân, UBND phường, xã phải gửi hồ sơ cho Sở Tư pháp để sở thẩm tra, xác minh. Sau khi xác minh, nếu từ chối giải quyết, Sở Tư pháp sẽ có văn bản giải thích rõ lý do từ chối để phường, xã thông báo cho người yêu cầu. Trường hợp Sở Tư pháp đồng ý, chủ tịch UBND phường, xã mới cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận