15/03/2017 07:30 GMT+7

Thu thập chứng cứ người xâm hại trẻ em ra sao?

TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (AN NHIÊN GHI)
TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (AN NHIÊN GHI)

TTO - TTO giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ của tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch về các vấn đề về thu thập chứng cứ, tiến hành xử lý những đối tượng xâm hại trẻ em theo các quy định pháp luật.


Hiểu đúng xâm hại tình dục trẻ em

Theo quy định của Luật trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ 1-7-2017), trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Theo tôi, xâm hại tình dục đối với trẻ em là một thuật ngữ mang nội hàm rộng, theo giải thích và liệt kê của Luật trẻ em như trên vẫn chưa đầy đủ so với một số hành vi trong thực tế.

Ví dụ, ngoài các hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em thực tế còn có những hành vi xâm hại khác như các hình thức quan hệ tình dục khác, hành vi xâm hại tình dục không đụng chạm thân thể như cho nghe, nhìn về các hoạt động tình dục…

Cần khéo léo thu thập chứng cứ

Điểm khó khăn trong việc xử lý đó là việc phát hiện các hành vi xâm phạm. Chính vì đối tượng có hành vi xâm hại thường rất khôn khéo để che đậy hành vi phạm tội của mình và điều đặc biệt là trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục.

Thông thường, tội phạm thực hiện hành vi kín, bằng các phương thức đa dạng dụ dỗ, đe dọa…; người bị hại chưa nhận thức được việc mình bị xâm hại; gia đình người bị hại đôi khi che dấu thông tin. Việc chứng minh tội phạm rất khó khăn do thiếu dấu vết, chứng cứ.

Khi cha, mẹ và các bậc phụ huynh phát hiện ra thường rất trễ và có nhiều hành động như la mắng, quát tháo… (do thương, xót con) nên làm cho trẻ sợ và không thể nhớ để khai ra đối tượng có hành vi xâm hại tình dục chính với cháu.

Khi phát hiện có dấu hiểu trẻ em bị xâm hại, cần bí mật theo dõi thu thập thông tin, chứng cứ và trình báo với cơ quan bảo vệ pháp luật để có biện pháp ngăn chặn và phát hiện xử lý.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên nhẹ nhàng, ân cần nói chuyện với trẻ để trẻ từ từ nhớ lại và nói ra. Không nên quát tháo hay chính vì lo cho con mà bản thân cha mẹ cãi vả nhau làm cho trẻ khiếp sợ hơn.

Nắm bắt tâm lý của trẻ 

Việc nắm bắt tâm lý của trẻ em khi tiếp xúc để tiếp nhận thông tin là rất quan trọng. Do đó, khi cần thu thập thông tin từ trẻ em cần nắm vững tâm lý của trẻ nếu cần có chuyên gia tâm lý nên tham khảo ý kiến chuyên gia để có các phương pháp phù hợp nhất.

Điều đáng lưu ý nữa, để phá án, tôi cho rằng yếu tố chuyên nghiệp, nhanh chóng và năng lực của chính các cơ quan chức năng là cần phải có.

Nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em không được làm sáng tỏ cũng do một phần sự yếu kém bản lĩnh nghề nghiệp (đùn đẩy trách nhiệm, không tích cực điều tra, có thái độ thờ ơ…) của một số cơ quan có chức năng, thẩm quyền.

Nhưng quan trọng nhất vẫn phải là làm sao dạy cho trẻ kiến thức để tự nhận dạng các hành vi thế nào là xâm hại tình dục và các bậc phụ huynh phải luôn chăm sóc, bảo vệ trẻ, không cho trẻ lui tới những nơi không biết và không giao trẻ cho người lạ, người mới quen biết…

Các mức phạt: cao nhất là tử hình

Về mức hình phạt, Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 đã quy định khá đầy đủ các hành vi xâm phạm và mức hình phạt theo tôi là khác tương xứng với hành vi phạm tội.

Bộ luật Hình sự 2015 (đã hoãn ngày có hiệu lực) dành năm điều luật quy định mức phạt với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

1.     Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (khung hình phạt từ 7-15 năm tù)

Nếu bị xác định có tính chất loạn luân, làm nạn nhân có thai, phạm tội hai lần trở lên, có tổ chức, nhiều người hiếp một người, phạm tội với người dưới 10 tuổi, làm nạn nhân chết hoặc tự sát… , người phạm tội sẽ bị phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2.     Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (mức hình phạt từ 5-10 năm tù)

Những mức hình phạt sẽ tăng cao dần khi người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng nghiêm trọng như: làm nạn nhân có thai, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11-45%, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội…

Tương tự như tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, thủ phạm cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi sẽ phải đối mặt khung hình phạt 12-20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

3.     Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi

Chủ thể phạm tội của tội này là người đủ 18 tuổi trở lên, có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Người phạm tội bị phạt sẽ bị phạt tù thấp nhất một năm, cao nhất 5 năm. Nếu có thêm các hành vi nguy hiểm như: phạm tội hai lần trở lên, phạm tội đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… sẽ bị áp dụng khung hình phạt 3-15 năm.

4.     Dâm ô với người dưới 16 tuổi

Hành vi này được nhận diện qua các dấu hiệu người đủ 18 tuổi trở lên dâm ô với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội này đến 12 năm, kèm theo hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong 1-5 năm.

5.     Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

Để bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi phạm tội ở mọi cấp độ, điều 147 xác định hành vi khiêu dâm trẻ em thể hiện ở các dấu hiệu: lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức. Chủ thể phạm tội là người từ đủ 18 tuổi trở lên, mức án từ 6 tháng đến 3 năm.

Tương tự như các tội trên, người phạm tội cũng sẽ phải chịu khung hình phạt mở rộng đến 12 năm nếu có thêm các tình tiết tăng nặng. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Do phong tục, tập quán của nước ta nên việc thiến bằng chất hóa học đối với tội phạm tình dục khó có thể áp dụng ở nước ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Cần phải có thời gian để đánh giá, tổng kết thực tiễn rồi mới tính đến việc có nên áp dụng hay không. Bản chất pháp luật của nhà nước ta là nhân đạo và phù hợp với các Công ước quốc tế.

TS.LS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (AN NHIÊN GHI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục