Đây là kết luận trong báo cáo “Tình dục, xâm hại và trẻ em: nghiên cứu về kiến thức, thái độ và hành vi liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trong du lịch, tại 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam” của tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision - WW), công bố ngày 4/6. Báo cáo này đưa ra một cái nhìn tổng quát dựa trên kết quả của 4 nghiên cứu độc lập của tổ chức WW thực hiện tại 4 nước nói trên từ năm 2011 - 2012.
Những người thực hiện báo cáo đã phỏng vấn hơn 600 người tại 4 quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có 156 trẻ em và 101 người lớn tham gia phỏng vấn. Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện ở quận 4 và quận 8 tại TP.HCM, ở quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng.
Nhóm nghiên cứu cũng đã tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau như học sinh, trẻ học tại các trường dạy nghề, trẻ đường phố, trẻ bán hàng rong, chủ khách sạn, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, hàng xóm của trẻ. Báo cáo của tổ chức WW cũng chỉ ra, những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sử dụng internet và công nghệ thông tin ngày một nhiều hơn như một công cụ để dụ dỗ, mê hoặc, lôi kéo các em tới những hành vi xâm hại.
Đáng chú ý, trong các nhóm được phỏng vấn, cha mẹ là nhóm có hiểu biết ở mức thấp nhất về vấn đề xâm hại tình dục trẻ. Các bậc cha mẹ Việt Nam thậm chí không thể định nghĩa đầy đủ hay đưa ra ví dụ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em. Từ đó, tổ chức WW đưa ra đề xuất các biện pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt thông qua truyền thông, giáo dục cho cha mẹ, trẻ em và tất cả các thành viên trong cộng đồng. Báo cáo còn chỉ ra các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt và các khu vực đặc thù như nông thôn, miền núi, các trại trẻ mồ côi cũng có thể trở thành mục tiêu để tội phạm xâm hại tình dục trẻ em lợi dụng.
Từ các bài học quốc tế, bà Aarti Kapoor - tổ chức WW, khẳng định giáo dục, nâng cao nhận thức là một cơ chế hiệu quả, giúp những cộng đồng dễ bị tổn thương nâng cao năng lực trong đấu tranh ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Cả trẻ em và người lớn cần được trang bị thông tin, kỹ năng để bảo vệ các em khỏi các dạng xâm hại khác nhau, bất kể từ người lạ, người nước ngoài, người dân địa phương, bạn bè hay thành viên trong gia đình.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận