18/09/2023 10:02 GMT+7

Thu phí lòng đường, vỉa hè tại TP.HCM: Công cụ để minh bạch quản lý đô thị

UBND TP.HCM vừa trình HĐND TP về mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Đây được xem là khung tiêu chuẩn bổ sung nhằm hình thành công cụ quản lý đô thị một cách minh bạch, thống nhất.

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5) bị các cửa hàng thời trang lấn chiếm không có lối cho người đi bộ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5) bị các cửa hàng thời trang lấn chiếm không có lối cho người đi bộ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đơn vị chủ trì xây dựng đề án.

Không phải đồng loạt kẻ vạch cho thuê vỉa hè

* Nhiều ý kiến cho rằng tới đây TP sẽ đồng loạt chọn tuyến đường có vỉa hè đủ rộng để kẻ ô cho thuê. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Mục tiêu xuyên suốt trong đề án là lòng đường, hè phố để phục vụ cho giao thông là chính, đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt đối với vỉa hè phải ưu tiên và đảm bảo đáp ứng nhu cầu người đi bộ tiếp cận giao thông công cộng. 

Đối với trường hợp sử dụng tạm thời để phục vụ các hoạt động cần thiết, xuất phát từ nhu cầu của người dân phải bảo đảm các nguyên tắc và thỏa các tiêu chí cụ thể. Tiêu chí này là không gây mất trật tự giao thông; phải phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố; phù hợp với không gian và thực tế đô thị của từng đoạn tuyến của từng địa bàn cụ thể.

Khi có nhu cầu của các cá nhân, tổ chức đối với các hoạt động tạm thời đáp ứng các tiêu chí nêu trên và được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận, thì khi đó đối tượng sử dụng phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước đó là đóng phí sử dụng tạm thời.

Như vậy, mức phí như khung chuẩn chung nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè đối với trường hợp cụ thể được phép sử dụng tại quyết định 32 chứ không phải là TP sẽ chọn các tuyến đường có vỉa hè đủ rộng để vạch ô cho thuê đồng loạt.

* Vậy trường hợp nào được phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè và phải trả phí?

- Tại tờ trình về ban hành mức phí, các tổ chức và cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường phải trả phí gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa; điểm trông giữ ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động văn hóa, điểm trông giữ ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa theo kế hoạch của TP và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước); làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.

Còn với hè phố, các tổ chức và cá nhân được phép sử dụng tạm thời để tổ chức các hoạt động văn hóa, điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động văn hóa, điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa theo kế hoạch của TP và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước); làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; làm điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.

Các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè nêu trên là nhu cầu thiết thực trong đời sống đô thị, không chỉ riêng ở TP mà của cả nước. Nếu không xây dựng khung pháp lý thì đến khi người dân, tổ chức có nhu cầu sử dụng (ngoài mục đích giao thông mà hệ thống hạ tầng của chúng ta có thể đảm bảo được) sẽ không có cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết.

Đây cũng là quan điểm quản lý về trật tự đô thị là giải quyết kịp thời các nhu cầu thiết thực trong thực tế, gắn với việc đảm bảo lợi ích cộng đồng cũng như phát huy trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân.

Vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM bị lấn chiếm làm sạp hàng buôn bán - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM bị lấn chiếm làm sạp hàng buôn bán - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Quản lý đô thị công bằng và minh bạch hơn

* Đề án có nêu việc ban hành mức phí nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Việc này được hiểu ra sao, thưa ông?

- Vỉa hè, lòng đường do Nhà nước quản lý. Vì vậy, khi được cho phép sử dụng tạm thời thì tổ chức, cá nhân sử dụng phải có nghĩa vụ đóng phí để đảm bảo sự công bằng. Các đô thị lớn trên thế giới cũng đã áp dụng hình thức này. Nguồn thu phí sẽ được nộp vào ngân sách để góp phần thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị và quản lý duy trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.

Chẳng hạn, khi người dân, đơn vị xây dựng công trình có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần mặt bằng vỉa hè, lòng đường để tập kết vật liệu, máy móc... thay vì sử dụng miễn phí thì tới đây họ phải xin phép. Cụ thể gồm: thời gian sử dụng, diện tích, cùng cam kết đảm bảo các điều kiện về trật tự mỹ quan đô thị và phải đóng phí... 

Cơ quan quản lý sẽ xem xét đánh giá về tác động giao thông, lối đi cho người đi bộ..., nếu thỏa mãn các tiêu chí sẽ chấp thuận và nơi xin phải trả phí cho Nhà nước.

* Thưa ông, quá trình lấy ý kiến, các sở ngành, địa phương, người dân có ý kiến ra sao?

- Sở Giao thông vận tải đã nghiên cứu, xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM, triển khai lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị và nhân dân thông qua việc đăng tải toàn văn dự thảo đề án, dự thảo nghị quyết trên cổng thông tin điện tử. Đồng thời gửi công văn lấy ý kiến của các sở ngành, đơn vị có liên quan và 23 quận, huyện và TP Thủ Đức. 

Sở đã đề xuất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP tổ chức hội nghị phản biện (trong đó có các đại biểu đến từ các hội luật gia, Mặt trận Tổ quốc phường, đại biểu hộ dân tại các địa phương trên toàn TP.HCM) và nhận được sự đồng thuận cao.

Khu vực 1: quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam TP, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu vực 2: quận 2 nay thuộc TP Thủ Đức (trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, 7 (trừ khu A khu đô thị mới Nam TP), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.

Khu vực 3: quận 8 và 9 (nay thuộc TP Thủ Đức), quận 12, quận Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức), quận Tân Phú, Gò Vấp.

Khu vực 4: các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi.

Khu vực 5: huyện Cần Giờ.

Chọn tuyến đường đủ điều kiện thu phí

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Sáu (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 17, quận Bình Thạnh) cho biết đã tiến hành khảo sát doanh nghiệp, chủ nhà mặt tiền..., trong đó 80% nhận định như trên. Vì ưu tiên hàng đầu vẫn là đường, vỉa hè phục vụ giao thông, đi lại, luôn có lối đi cho người đi bộ an toàn.

Khu vực nào có thu phí cần thiết khảo sát ý kiến người dân trong khu vực, đồng thời chỉnh trang và dọn dẹp sạch sẽ lòng đường, vỉa hè. Cũng cần xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị trước khi thu phí. Ngoài ra, quá trình thu phí phải công khai, minh bạch, nguồn phí thu được sử dụng vào duy tu, nâng cấp lòng đường, vỉa hè cho dân thấy được lợi ích lâu dài.

Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Hoan (có quán cà phê tại quận Thủ Đức) cho biết: "Nhu cầu sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè của người dân là có, việc thu phí là cần thiết nhưng mức thu phải hợp lý vì tôi còn phải chi trả tiền thuê mặt bằng cho quán nữa".

Còn chị Hoàng Thị Linh (quê Thanh Hóa, đang bán xôi trên vỉa hè) cho rằng do bán ở vỉa hè trước nhà người khác nên cần "thủ tục pháp lý rõ ràng", tránh trường hợp xung đột với chủ nhà.

Vỉa hè ở nhiều tuyến đường có đông du khách tại Đà Nẵng thường xuyên bị lấn chiếm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Vỉa hè ở nhiều tuyến đường có đông du khách tại Đà Nẵng thường xuyên bị lấn chiếm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đà Nẵng: "kẻ vạch phân tách" để hài hòa lợi ích

Tại Đà Nẵng, từ năm 2014 đã thông qua chủ trương cho phép triển khai và thu phí từ việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Đến nay việc triển khai thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè đã được triển khai rộng khắp ở nhiều địa phương, trong đó chủ yếu là các tuyến đường chính. Việc triển khai và tổ chức thu phí do các địa phương thực hiện.

Đến năm 2023 TP Đà Nẵng đã quy định 42 tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại nhằm đảm bảo không gian cho người đi bộ.

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn còn tồn tại, nhất là tại các tuyến đường có đông du khách quốc tế ở quận Hải Châu. Do vậy, vừa qua Đà Nẵng đã "kẻ vạch phân tách" vỉa hè trên từng tuyến đường cụ thể để phân nơi kinh doanh, nơi để phương tiện với lối dành cho người đi bộ.

Trong khi đó, việc thu phí đậu xe dưới lòng đường ở Đà Nẵng dù đã triển khai 5 năm qua nhưng vẫn ở giai đoạn... thí điểm tại hai tuyến đường Bạch Đằng và Trần Phú.

Người dân được kiểm tra qua app

* Việc cấp phép và quản lý sẽ có khối lượng công việc rất lớn, việc dùng công nghệ để quản lý ra sao?

- Ông Trần Quang Lâm: Sau khi HĐND thông qua, UBND TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch thực hiện. Sở Giao thông vận tải TP và các địa phương sẽ rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể.

Đối với các hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ, các địa phương có trách nhiệm rà soát trên địa bàn quản lý các hè phố đủ điều kiện để tổ chức, xác định phạm vi, lựa chọn công bố danh mục các vị trí hè phố được phép tổ chức các hoạt động tạm thời để xây dựng phương án tổ chức thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.

Sở sẽ xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép về việc sử dụng tạm thời lòng lề đường trên toàn TP để người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng.

Chẳng hạn đi trên một con đường có một bãi giữ xe, người dân có thể vào app kiểm tra xem bãi này có phép hay không, phương án sử dụng, đã đóng phí hay chưa... Công cụ này sẽ giúp tách bạch rạch ròi giữa có phép và không có phép.

Việc thu phí cũng phải đảm bảo thuận tiện và minh bạch, không phát sinh tăng thêm biên chế, nhân sự. Công tác thu phí kết hợp thực hiện đồng thời cùng với việc cơ quan chức năng xem xét chấp thuận phương án hoặc cấp phép sử dụng với phương thức thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt.

Ngoài ra cũng có cơ chế kiểm tra, giám sát, sau này chỉ cần vào app là biết trường hợp đó có vi phạm hay không, công tác xử lý sẽ nhanh và thuận tiện hơn.

Thu phí lòng đường, vỉa hè ở TP.HCM: Mục tiêu chính là đảm bảo giao thôngThu phí lòng đường, vỉa hè ở TP.HCM: Mục tiêu chính là đảm bảo giao thông

Việc ban hành quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, tiêu chí sẽ là công cụ quản lý đô thị nhằm tránh tình trạng mạnh ai nấy lấn như hiện nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên