18/12/2018 08:53 GMT+7

Thu phí khí thải: phí chồng phí

ĐẶNG TUÂN
ĐẶNG TUÂN

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng việc “tính toán” thu phí khí thải như đề án đang được Bộ Tài chính xây dựng là phí chồng phí, tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Thu phí khí thải: phí chồng phí - Ảnh 1.

Kẹt xe gây ra ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: đường Trần Quốc Hoàn thường xuyên kẹt xe từ ngã tư Phan Thúc Duyện và Trần Quốc Hoàn (khu công viên Hoàng Văn Thụ, TP.HCM) vào giờ cao điểm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Theo các chuyên gia, chỉ nên thu phí với xe vào khu vực trung tâm các đô thị, còn việc áp phí khí thải cần cân nhắc kỹ vì tác động đến quyền đi lại của đa số người dân.

Thu phí để chống ô nhiễm?

Trước đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trong đó cần làm rõ đối tượng chịu phí, mức phí, cách thức tính phí, cơ chế thu/nộp, quản lý và sử dụng phí thu được.

Trước đó, với lý do nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, mới đây UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định thu phí phương tiện xe cơ giới lưu thông tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe.

Hà Nội cũng đề xuất giải pháp áp dụng mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện, nhằm hạn chế hoạt động của các loại phương tiện giao thông cũ, phát thải cao.

Thực tế thời gian qua Hà Nội đã áp dụng một số biện pháp kinh tế và có hiệu quả trong việc giảm xe vào trung tâm thành phố. Đặc biệt là áp dụng biện pháp hạn chế ôtô cá nhân thông qua việc ban hành khung giá dịch vụ trông giữ xe lũy tiến theo thời gian từ ngày 1-1-2018 và ứng dụng công nghệ thu phí thông minh Iparking.

Sự gia tăng xe cá nhân tại Hà Nội được cảnh báo đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng và khí thải của ôtô, môtô, xe máy chiếm tỉ lệ lớn nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng tới chất lượng sống của thành phố.

Đừng "vắt kiệt" sức dân

Theo TS Ngô Trí Long - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mỗi một loại thuế, phí ban hành hướng tới một mục đích khác nhau. Chẳng hạn xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Long cho rằng việc thu phí khí thải được quy định theo Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, thu trên các ôtô, môtô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu. Áp phí khí thải cũng phải theo tiêu chuẩn phát thải từng loại xe, niên hạn xe, càng cũ phát thải càng lớn.

"Từ ngày 1-1-2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần, khi thu nhập của người dân chưa cao mà có quá nhiều loại thuế, phí sẽ vắt kiệt sức dân" - ông Long khuyến cáo. Cũng theo ông Long, khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường để xử lý khí thải đó. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ việc cùng lúc vừa áp thuế bảo vệ môi trường vừa áp phí khí thải mỗi phương tiện giao thông.

Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):

Cần đảm bảo quyền đi lại của người dân

ongnguyenquandong 3(read-only)

Việc hạn chế xe cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng vào khu vực trung tâm đúng với bất cứ đô thị hiện đại nào trên thế giới. Chủ trương áp dụng biện pháp kinh tế - thu phí phương tiện vào trung tâm là đúng, cần phải làm sớm và có biện pháp cứng rắn.

Tuy nhiên, việc thu phí vào khu vực trung tâm các đô thị, trong đó có Hà Nội, cần gắn với một thiết chế đô thị thông minh, lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động và thu phí tự động. Nhưng chính sách này cũng cần bảo đảm quyền đi lại của người dân, vì kinh tế càng phát triển thì nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều. Việc áp phí khí thải cũng cần phải đi đôi với việc phát triển giao thông công cộng để bảo đảm quyền đi lại cơ bản của người dân.

Ông Nguyễn Văn Chánh (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Doanh nghiệp gánh quá nhiều phí rồi

Doanh nghiệp vận tải đang trong tình trạng vô vàn khó khăn do phải chịu quá nhiều chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, phí BOT, phí bảo vệ môi trường trong xăng dầu...

"Sức khỏe", khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng yếu. Nay có quy định thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải chắc doanh nghiệp càng thêm khó khăn chồng chất. Trước khi ban hành loại phí gì cũng cần phải minh bạch vấn đề thu làm gì, mục đích như thế nào và thu ở những đối tượng nào.

Ông Võ Quốc Bình (tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Bình Minh, TP.HCM):

Đừng để phí chồng phí

Việc sử dụng xăng dầu làm phát sinh khí thải đã thu phí bảo vệ môi trường, bây giờ lại thu phí khí thải nữa để làm gì? Đừng nghĩ ra tên gọi khác để tìm cách thu phí trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nếu tính thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải, phải bỏ phí bảo vệ môi trường ở xăng dầu để tránh phí chồng phí.

CÔNG TRUNG


ĐẶNG TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên