12/10/2017 16:13 GMT+7

Thu phí du khách qua đêm, dù chỉ 1 USD, bạn đồng ý hay phản đối?

NGỌC ĐIỆP - NHƯ BÌNH
NGỌC ĐIỆP - NHƯ BÌNH

TTO - Thêm một "thông lệ quốc tế" khác là thu phí du khách qua đêm đang gây nhiều tranh cãi vì đó là "tận thu" và sẽ kéo lùi, hay "phụ thu" để đẩy mạnh phát triển du lịch? Bạn có đồng ý, dù chỉ 1 USD?

Thu phí du khách qua đêm, dù chỉ 1 USD, bạn đồng ý hay phản đối? - Ảnh 1.

Nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng, trở thành một "thông lệ quốc tế", tuy nhiên với Việt Nam, mỗi lần nhắc đến thu phí, tăng phí, vốn là một chủ đề được coi là nhạy cảm, là mỗi lần "dậy sóng". 

Rất nhiều người "dị ứng" với thu phí vì ngành du lịch Việt Nam vốn dĩ đã đắt đỏ, lại đầy nhếch nhác, nay lại thêm phí, không khéo sẽ đẩy giá tăng lên, và gọi đó là "tận thu".

Những người chủ trương ủng hộ lại cho rằng chính vì nhếch nhác cho nên cần phải thu phí đã tái đầu tư, cải thiện và quảng bá hình ảnh du lịch, vả lại đó là một "thông lệ".

Nhưng nếu thu, với một lượng du khách lên đến cả chục triệu người mỗi năm, số tiền đó ai quản? Và liệu có sự minh bạch?

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu một số ý kiến từ các góc nhìn đa chiều và mời bạn đọc cùng tranh luận về đề xuất của Sở Du lịch TP.HCM về thu phí khách du lịch qua đêm. 

Nên thu để quảng bá và xúc tiến du lịch?

Ông Lưu Đức Kế, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, cho rằng hành lang pháp lý đã có khi Luật Du lịch năm 2017 sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2018.

"Các cơ quan được quyền thu và nên thu vì bản thân ngành du lịch cần có quỹ để thực hiện các công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và các mục đích khác, ông Kế nói.

Ông Kế, từng một thời gian là Giám đốc Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist, cho biết, 20 năm trước, Việt Nam đã từng áp dụng thu phí 1USD/khách bằng đường Visa. 

Số tiền thu về nộp cho Tổng Cục du lịch để làm Quỹ để phòng khi khách ốm đau, máy bay chậm… nhưng rồi quy định đó sau này bị bỏ không rõ vì lý do gì. 

Ông Kế tính rằng chẳng hạn, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 10 triệu du khách quốc tế, nếu như thu 1 USD chỉ một khách thôi thì con số là 10 triệu USD, tương đương 230 tỉ đồng, là "rất lớn".

"Vậy số tiền thu được bao nhiêu, chi thế nào, cơ chế ra sao?  Việc này phải do Bộ Tài chính quyết định, chứ "ông" du lịch không tự đặt ra được", ông Kế đặt vấn đề.

Du khách có thể phản ứng tiêu cực

Nhìn vào các nước áp dụng chính sách thu phí du khách đều thấy họ có nền kinh tế du lịch phát triển. Ở Việt Nam, khách còn được tự "trải nghiệm" thêm rác xả, kẹt xe, chặt chém, nạn chèo kéo… Nếu đi ăn nhà hàng mà bạn còn bị trả thêm tiền gửi xe trong khi chất lượng món ăn chưa hẳn đã hài lòng, thì bạn có muốn quay lại không?

Giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM

"Cơ quan thu phí phải giải thích lý do vì sao thu phí, và việc thu phí này có đem lại lợi ích gì cho du khách hay không. Nếu nói thu phí chỉ để quảng bá cho du lịch thành phố thì không thuyết phục vì nguyên tắc bán hàng là anh phải tự dùng nguồn vốn để quảng bá chứ không thu thêm từ khách hàng", ông Vũ An Dân, Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Mở Hà Nội đặt vấn đề.

Theo ông Dân, việc thu phí cũng sẽ khiến giá phòng tăng cao và với khách du lịch, nhiều khi khách sạn chỉ chênh nhau mấy chục ngàn là họ sẽ không lựa chọn.

Theo ông Trần Văn Long, Giám đốc công ty du lịch Việt, thu phí khách qua đêm đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội khách sạn bàn thảo nhiều lần.

Thu phí để tạo quỹ phát triển ngành du lịch là cần thiết vì khai thác phải đi kèm với đầu tư, tu bổ để có thể phát triển bền vững.

Theo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, hiện nay ngân sách dành cho xúc tiến du lịch của Việt Nam trung bình 2 triệu USD/ năm, bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Ít tiền, vì thế nhiều sáng kiến về du lịch cũng đành không được thực hiện.

Một số nước đã triển khai thu phí lưu trú như đảo Balearic, Tây Ban Nha, du khách từ 16 tuổi trở lên phải chịu thu thuế du lịch 1 euro với khách sạn 3 sao, 2 euro với khách sạn 4 sao, và 5 sao người/đêm, du khách ở từ 9 đêm trở lên được giảm 50%.

Du khách đến Ý, từ 15 tuổi trở lên mỗi người cũng phải đóng thêm 0,15 đến 2,18 euro một đêm.

Ở Bỉ, du khách từ 12 tuổi trở lên phí dao động từ 0,53 euro đến 7,5 euro một đêm tùy từng thành phố.

Tại Pháp, du khách từ 18 tuổi trở lên phải trả từ 0,2 - 4 euro mỗi đêm.

Tại châu Á, làm thành công mô hình thu phí này có thể nói là Nhật Bản, Malaysia.

Khách đến nghỉ ở thành phố Osaka, Nhật Bản sẽ bị thu thêm 100 - 200 yen (khoảng 20.000 - 40.000 đồng) cho một đêm lưu trú (tùy từng loại phòng).

Tại Malaysia du khách phải trả từ 0,8 USD đến 6,2 USD tùy hạng khách sạn.

Myanamar mới đây cũng đã triển khai việc thu phí này.

NGỌC ĐIỆP - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên