30/08/2017 19:25 GMT+7

Phù hợp 'thông lệ quốc tế' là thông lệ nào?

HOÀNG PHI
HOÀNG PHI

TTO - Tăng thuế VAT để "phù hợp với thông lệ quốc tế", thu phí xe ra vào sân bay cũng là để phù hợp với thông lệ quốc tế". Có thực như thế, và đó là thông lệ nào?

Ít nhất thì theo dòng thời sự của báo chí hai sự kiện trên, một là giải thích về thuế VAT từ Bộ Tài chính, một là về thu phí sân bay từ Cục hàng không, và cả hai đều nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. 

Câu hỏi đặt ra là có thật tăng thuế và thu phí là "phù hợp với thông lệ quốc tế"?

Mức thuế VAT của Việt Nam, theo giải thích của Bộ Tài chính, cơ quan biên soạn Dự thảo về sửa đổi 5 sắc thuế đang gây bão dư luận, đã lấy một "thông lệ" của các quốc gia châu Âu.

Nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng thuế VAT ở Việt Nam chiếm đến 27,5% tổng thu ngân sách là quá cao, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, thuế suất VAT chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Hẳn nhiên, việc lấy điểm chuẩn so sánh giữa Việt Nam và EU là quá chênh lệch vì rất nhiều thứ, nhất là thu nhập người dân thua kém quá xa.

Về chuyện thu phí vào sân bay, theo giải thích của ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Dublin (Ireland) thu từ 3 euro mỗi giờ khi đón khách, sân bay London Luton (Anh) thu 3 bảng mỗi phút đưa khách, 7 bảng cho 40 phút đón khách, sân bay East Midlands (Anh) thu 2 bảng...

Thu phí sân bay là chuyện phổ biến, đúng thông lệ quốc tế, nhưng thu phí xe ra vào sân bay thì lại là chuyện hiếm hoi. Và chuyện viện dẫn "thông lệ" của ba sân bay tại châu Âu, một của Ireland, hai của Anh, xem chừng chưa thuyết phục.

Thông lệ quốc tế hay tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là những cụm từ trở nên khá phổ biến trong thời gian gần đây khi các cơ quan chức năng giải thích cho một chính sách nào đó.

Cách đây chưa lâu, quy định "muốn alo phải có ảnh chân dung", cũng đã gây nhiều phản ứng.

Theo như giải thích của bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ thông tin - Truyền thông, thì "có nước còn lấy dấu vân tay" để thấy rằng ở Việt Nam chỉ bắt chụp ảnh chân dung đã là "tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều".

Nhưng nước nào lấy dấu vân tay? Theo bà Mơ thì đó là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Saudi Arabia, Bangladesh... và lý do là "dưới sức ép của công cuộc chống khủng bố và an ninh quốc gia".

Để tăng giá xăng, cơ quan chức năng cũng giải thích: Ở ta, xăng vẫn còn rẻ, và đưa ra một số quốc gia "trong khu vực" có giá xăng cao hơn và lại lờ đi các quốc gia có chung điều kiện là nước khai thác dầu có giá thấp hơn.

Rất nhiều vấn đề, từ lãi suất ngân hàng cao đến các quy định, tiêu chuẩn này nọ... cũng được đưa ra cho "phù hợp với thông lệ quốc tế", rằng nước ta đã hội nhập sâu rộng nên cần phải tuân thủ.

Vấn đề là, các "thông lệ" đó chỉ là một mảnh nhỏ của bức tranh chung, và câu hỏi đặt ra là: Tại sao nên theo thông lệ quốc tế (khó coi) này mà không phải thông lệ quốc tế (dễ chịu) kia?

Đành rằng so sánh là khập khiểng, nhưng để bớt đi sự chênh lệch đó các cơ quan quản lý nên so "cam với cam, táo với táo".

Nếu không, cụm từ "thông lệ quốc tế" sẽ lại dễ dàng được viện dẫn giống như "đúng quy trình" khi đề cập đến một sai phạm nào đó.

Có một "thông lệ quốc tế khác"

Rất nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về bài báo Lãnh đạo Cục Hàng không: thu phí sân bay phù hợp thông lệ quốc tế

"Thu phí phù hợp với thông lệ quốc tế. Vậy hoãn chuyến, hủy chuyến, chậm chuyến bay sao không áp dụng thông lệ quốc tế để bồi thường cho hành khách?", bạn đọc ký tên Văn bình luận.

Ý kiến này nhận được khá nhiều like, và phản hồi từ chính bạn đọc của Tuổi Trẻ Online.

"Phù hợp với thông lệ quốc tế" là một khái niệm cực kỳ mơ hồ vì thế nên việc lấy đó làm cơ sở để thực hiện việc thu phí là rất thiếu tính thuyết phục. Xin ông Hảo cho biết thêm là ông đã khảo sát tất cả sân bay trên toàn thế giới chưa? Và liệu tất cả các sân bay đều có thu phí", bạn đọc tên Hoàng Nam nhận xét và nêu câu hỏi.

"Ông Hảo kể các sân bay thu phí, nhưng sao không kể tên các sân bay không thu phí. Tôi sống tại Melbourne 25 năm chưa từng đóng 1 đồng nào cho sân bay Melbourne, nếu chỉ đỗ khách và đón khách", bạn Trần Mai sống ở Úc nêu vấn đề.

Bạn đọc Trường Huy, cũng sống ở Úc cho biết thêm: "Không biết thông lệ kiểu gì nhưng tôi ở Úc chở người ra sân bay không tốn 1 xu nếu chỉ chở đến cửa thả người xuống; nếu dừng xe lâu ở khu đưa đón sẽ bị phạt. Nếu muốn đưa đón người thân thì phải chạy xe vô bãi gởi tính theo giờ".

"Tôi chỉ đồng ý với ông Hảo thu phí gửi xe hơi vào chờ tại bãi đỗ xe của sân bay theo giờ. Còn xe vào đưa đón khách thu phí là sai quy định. Vì đường nội bộ, nơi đón và trả khách đều thuộc dự án của sân bay thuộc vốn Nhà nước sao thu phí, bạn đọc ký tên Hai Lúa phản ánh. 

Một bạn đọc tên Tuấn bình luận: "Xin hãy ngưng so sánh Việt Nam với thông lệ quốc tế. Các quốc gia được đưa ra so sánh đều là các quốc thu thuế và phí từ cao rất cao. Bù lại, phúc lợi xã hội của những quốc gia đó là cực kỳ cao".

HOÀNG PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên