Một số ý kiến khác thì cho rằng việc thu phí cũng là bình thường, đã hưởng dịch vụ thì phải chịu phí.
Phóng to |
Công nhân rút tiền để sắm tết tại điểm ATM trong Khu chế xuất Linh Trung, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh tư liệu |
TTO trích đăng một số ý kiến của bạn đọc:
Ngân hàng khuyến khích khách hàng gửi tiền và giao dịch bằng thẻ ATM mà bây giờ lại thu phí thì tôi thấy quá bất cập. Tiền gửi vào tài khoản bằng ATM lãi suất không được là bao, nếu số tiền đó tôi để trong tài khoản một thời gian dài thì tính ra số lãi suất ngân hàng cũng đã được hưởng lợi rất lớn. Đã có được như thế tại sao còn thu thêm phí hằng tháng như thuê bao vậy? Nếu ngân hàng làm như vậy thì một công nhân như tôi sẽ rút hết tiền mà không gửi trong ngân hàng nữa.
Lại nữa
Lại bắt người dân đáng thương gồng lưng chịu nữa. Ngân hàng mà lại nói là không có chi phí cho bảo trì máy, quá vô lý, anh tự mở rộng kinh doanh anh thu lợi mà bắt người khác chịu phí. Sau này không biết còn xuất hiện bao nhiêu loại phí nữa.
Ngân hàng gài bẫy
Trước đây, khi ra mắt ATM, ngân hàng thông báo với chúng tôi là miễn phí, là dịch vụ tăng thêm cho người sử dụng. Bây giờ, khi chúng tôi đã quen rồi, ngân hàng thu phí, chẳng khác nào gài bẫy chúng tôi một khi chúng tôi đã giao dịch quen rồi, không thể bỏ được.
Vì sao nên nỗi?
Hiện nay người lao động chỉ mong muốn được lãnh lương bằng tiền mặt mà thôi, còn lãnh lương qua thẻ là do ngân hàng tự ý thỏa thuận với các chủ doanh nghiệp ép buộc công nhân lãnh tiền qua ngân hàng. Đó là do ngân hàng tự ý làm mà thôi, chứ công nhân chẳng có thời gian sau khi đi làm về phải xếp hàng chờ đợi vào máy rút tiền đâu, mất biết bao thời gian chờ đợi để rút mà lúc có lúc không.
Việc bảo hành hay duy trì gì đó, chuyện đó là chuyện của ngân hàng, người công nhân không có trách nhiệm trả các phí lung tung cho ngân hàng. Vậy chúng tôi yêu cầu ngân hàng dừng ngay việc ép chủ doanh nghiệp trả lương qua thẻ để ngân hàng không bị tốn phí linh tinh nữa và khỏi than vãn kêu ca.
Nếu ngân hàng có sáu triệu thẻ ATM như Vietcombank, mỗi thẻ giữ tối thiểu 100.000 VND, tổng số tiền ngân hàng có từ ATM là 600 tỉ. Theo lãi suất hiện hành ngân hàng có số tiền hằng tháng là hơn 6 tỉ và mỗi năm có tối thiểu là 72 tỉ. Đây là số tối thiểu vì còn số thẻ ATM không rút tiền chưa xác định được cũng đem về cho ngân hàng lợi nhuận tương đương.
Nếu ngân hàng công khai số lượng thẻ còn dư tiền trong tài khoản hằng tháng vấn đề sẽ trở nên minh bạch hơn thế. Nhưng chuyện này không bao giờ có!
Chỉ tính lợi cho mình
Ngân hàng đưa ra hàng trăm lý do mà ngân hàng phải chi tiêu: bảo trì máy, thuê đường truyền, bảo đảm tiền tối thiểu trong mỗi máy... như vậy thì mức tối thiểu mà ngân hàng buộc giữ lại trong mỗi tài khoản cá nhân thì sao, đó không phải là số tiền ngân hàng mượn tạm để kinh doanh, cho vay hay sao?
Mỗi tài khoản từ 50.000-100.000 đồng, thì tổng số tiền cho toàn bộ khách hàng cá nhân của ngân hàng cũng lên vài chục tỉ chứ đâu có ít.
Ngân hàng lúc nào cũng muốn giảm chi phí nhưng cuối năm báo cáo tài chính có khi nào thấy lỗ đâu. Ngân hàng luôn luôn là những loại doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận cao nhất, đồng thời còn là một trong những doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất trong năm qua, thì như vậy có phải là kinh doanh lỗ hay không mà than vãn đòi này kia.
Thậm chí có nhiều ngân hàng còn giữ số dư tối thiểu tài khoản cá nhân từ 1 triệu đến 5 triệu đồng, ví dụ như Ngân hàng ANZ tăng từ mức 1 triệu lên 3 triệu, và hiện nay là 5 triệu đồng. Như vậy số dư tối thiểu mà ngân hàng luôn luôn có là vài trăm đến ngàn tỉ. Như vậy có quá khó không?
Ngân hàng lời quá!
Đã chiếm dụng vốn người gửi cộng với hàng chục loại phí, giờ lại thu phí chuyển tiền nội mạng. Bội số tối thiểu được rút ở Vietcombank là 50.000đ, có nghĩa là mỗi người bị giữ lại 46.700đ. Nếu là công nhân như chúng tôi một tháng rút tối đa hai lần vậy phải mất tám tháng chúng tôi mới rút hết tiền gốc. Vậy số tiền đó ngân hàng làm gì? Số tiền tuy nhỏ nhưng với số lượng 40 triệu thẻ ATM phát hành chắc cũng khoảng 15.000 tỉ + 2.000 tỉ phí phát hành lấy tối thiểu vậy mà than lỗ ?
Tôi hoàn toàn đồng ý với việc thu phí ATM khi rút tiền. Nhưng đề nghị các ngân hàng không giới hạn số tiền cho mỗi lần rút. Bởi vì một khi khách hàng đã trả phí cho một lần rút tiền thì tại sao lại bị giới hạn ở số tiền được rút?
Lấy ví dụ như hôm trước có việc cần tôi sử dụng thẻ của Agribank đi rút mấy nơi (đường Hùng Vương, vòng xoay Phú Lâm, Hậu Giang...). Máy nơi thì hết tiền, nơi thì đang bảo trì, đành phải rút ở Viettinbank Chợ Lớn. Nơi đây là chi nhánh của Ngân hàng Viettinbank vậy mà chỉ giới hạn rút tối đa 2.000.000đ/lần giao dịch.
Thử làm một bài toán cho số tiền được rút tối đa trong ngày là 20.000.000đ thì chủ thẻ phải thực hiện 10 lần giao dịch và mất phí 33.000đ! Mất thời gian và cảm giác bị móc túi một cách trắng trợn!
Người đi làm công ăn lương như tôi bị bắt buộc sử dụng ATM thì lấy đâu thời gian ra ngân hàng rút tiền để khỏi tốn phí? Mong rằng các ngân hàng xem xét để khách hàng được nhờ.
Thu phí thì phải phục vụ tốt hơn
Nếu muốn thu phí ATM nội mạng thì các ngân hàng phải phục vụ khách hàng tốt hơn và phải tăng tiện ích cho thẻ ATM, có như vậy khách hàng mới hạn chế rút tiền mặt và tăng thanh toán qua thẻ.
* Bạn là người đang sử dụng dịch vụ ATM, bạn có ý kiến gì khi ngân hàng thu phí ATM nội mạng? Hãy gửi ý kiến của bạn về cho chúng tôi trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc qua email tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận