08/10/2019 09:58 GMT+7

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 2: Vàng tanh mùi máu ở Tanzania

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Mỏ vàng North Mara tọa lạc tại vùng Mara thuộc miền bắc Tanzania. Mỏ này đi vào khai thác năm 2006, là một trong ba mỏ vàng ở Tanzania do Công ty Acacia Mining của Anh khai thác (tên trước đây là African Barrick Gold).

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 2: Vàng tanh mùi máu ở Tanzania - Ảnh 1.

Tổng thống John Magufuli mạnh tay với các công ty nước ngoài để tăng nguồn thu từ khai thác mỏ và bảo vệ môi trường - Ảnh: dailymaverick.co.za

Từ năm 2014-2017, đã có 6 người thiệt mạng trong mỏ vàng North Mara sau khi đối đầu với cảnh sát địa phương.

Công ty Acacia Mining

Cổ đông chính của Acacia Mining là Tập đoàn Barrick Gold (Canada). Mỏ vàng này là trường hợp cá biệt vì hoạt động giữa khu vực có khoảng 70.000 cư dân sinh sống.

Mỏ vàng nhiều tai tiếng

Năm 2009, nước thải từ mỏ North Mara bị rò rỉ gây ô nhiễm sông Tigithe, nơi lấy nước của hơn 2.500 hộ gia đình. Người dân và gia súc mắc bệnh. Một số gia súc và cá chết vì nhiễm cyanure. Kể từ đó nguồn nước không còn sạch nữa. Một công trình nghiên cứu cho thấy nguồn nước đã bị nhiễm arsenic. 

Công ty Acacia Mining xác nhận: "Sự cố môi trường đã xảy ra tại mỏ North Mara trong mùa mưa năm 2009 khiến nước thải từ hồ chứa tràn ra sông Tigithe gần đó". 

Năm 2010, hàng ngàn nguyên đơn đi kiện nhưng vụ việc im luôn. Năm 2015, các nông dân lấy mẫu nước chảy ra từ mỏ vàng gửi sang Kenya phân tích. Các chuyên gia Kenya ghi nhận mức nitrate và nitrite trong mẫu xét nghiệm đều không phù hợp để nuôi gia súc.

Phó giáo sư Mary Rutenge ở Đại học Mzumbe (Tanzania) giải thích với nhóm điều tra quốc tế Forbidden Stories: "Hầu hết đất đai trong khu mỏ vàng trước đây do các công ty nhỏ có giấy phép khai thác. Khi mỏ bị thu hồi, họ mất đường sinh kế và không được bồi thường đầy đủ". 

Sau khi bị mất việc, tối nào thanh niên địa phương cũng tụm năm tụm ba uống rượu đường mía konyagi để lấy khí thế rồi cầm theo dao mác, giáo sắt leo qua bức tường cao 2,5m vào khu mỏ mót vàng. 

Tại sao họ liều lĩnh như vậy? Monchena Mwita - người cầm đầu nhóm - phân trần: "Chúng tôi phải đi tìm vàng để giúp gia đình. Chúng tôi không còn nguồn thu nhập nào khác".

Mỏ vàng North Mara còn mang tiếng là nơi xảy ra nhiều vụ chết người. Các nạn nhân là những người mót vàng. Từ năm 2014, ước tính đã xảy ra 22 vụ. Acacia Mining đưa ra con số thấp hơn và đổ lỗi cho cảnh sát Tanzania. 

Giám đốc điều hành Mark Bristow của Tập đoàn Barrick Gold thừa nhận: "Có một số vụ điều tra về nhiều tội danh khác nhau nhưng tôi đâu có thể thay thế cảnh sát Tanzania". 

Trên thực tế theo điều tra của tổ chức phi chính phủ Quyền và trách nhiệm trong phát triển (RAID) ở Anh, Acacia Mining đã ký hợp đồng với thỏa thuận công ty sẽ trả tiền bồi thường, cung cấp đồ ăn, chỗ ở và nhiên liệu để cảnh sát Tanzania bảo vệ mỏ.

Chị Lucia Marembela, 44 tuổi, khẳng định chị đã bị các nhân viên bảo vệ mỏ mặc đồng phục xanh hiếp dâm hai lần trong năm 2010. Chị vào mỏ mót vàng. Nhân viên bảo vệ rượt, bắt được chị đưa lên ôtô dẫn đến nơi vắng vẻ rồi hành sự. Chị phải sống phần đời còn lại trong đau khổ. Chồng bỏ nhà ra đi, để lại cho chị một nách sáu con. 

Chị bộc bạch: "Tôi gặp ác mộng từ khi mọi người biết chuyện tôi bị hiếp dâm, bắt đầu từ các con tôi. Đôi lúc người ta xầm xì và tôi rất đau khổ".

Các nhà báo đã tiếp xúc với hai phụ nữ khác và nghe được chuyện bị cưỡng bức tương tự. Lucia Marembela cùng nhiều phụ nữ khác đã đến gặp ban giám đốc công ty. Công ty đề nghị ký hợp đồng với điều kiện các nạn nhân không kiện dân sự sẽ nhận được 13,9 triệu shilling Tanzania (7.650 USD). Ông Mark Bristow cho rằng đó không phải là tiền mua sự im lặng mà là tiền bồi thường.

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 2: Vàng tanh mùi máu ở Tanzania - Ảnh 3.

Các thanh niên địa phương đi mót vàng, phía xa là bức tường cao 2,5m bao quanh khu mỏ vàng North Mara - Ảnh: dailymaverick.co.za

Tổng thống hủy bỏ dự án như thế nào?

Từ khi cầm quyền vào đầu tháng 11-2015 ở Tanzania, Tổng thống John Magufuli đã đưa ra nhiều biện pháp cải cách để tăng nguồn thu từ khai thác mỏ và bảo vệ môi trường, trong đó có hai quyết định ghi dấu ấn trong lĩnh vực khai khoáng ở châu Phi. 

Tháng 3-2017, ông chỉ thị cấm xuất khẩu quặng thô để buộc các công ty nước ngoài phải xử lý ô nhiễm môi trường đất. Các công ty kỳ kèo nhưng ông vẫn trước sau như một. 

Vài tuần sau, ông yêu cầu tổ chức kiểm toán, từ đó lòi ra nhiều vụ trốn thuế và gian lận thuế gây thiệt hại nhiều tỉ USD.

Chỉ thị cấm xuất khẩu quặng vàng, đồng, nickel và bạc ban hành ngày 6-3-2017. Ba tháng sau, cơ quan kiểm toán vào cuộc rồi công bố Công ty Acacia Mining không khai báo thu nhập và xuất khẩu cũng như không nộp thuế 19 năm qua. Cơ quan thuế đã gửi hóa đơn thuế 190 tỉ USD (?!) gồm các khoản thuế, tiền phạt và tiền lãi chưa trả của Acacia Mining. 

Công ty thông báo sẽ kiện ra tòa trọng tài quốc tế vì trước nay khai báo thu nhập xuất khẩu đúng quy định. Đến đầu năm 2018, Acacia Mining thông báo năm trước lỗ ròng 707 triệu USD vì chỉ thị cấm xuất khẩu của Tanzania, sau đó đàm phán với Trung Quốc để chuyển nhượng một phần hoạt động tại Tanzania.

Ngày 17-5-2019, Tanzania thông báo Acacia Mining bị phạt 5,6 tỉ shilling (2,4 triệu USD) do mỏ vàng ở North Mara để các hồ chứa chất thải rò rỉ gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh. Công ty phải nộp phạt trong hai tuần và có ba tuần để xử lý bãi chứa chất thải. 

Bộ trưởng Môi trường January Makamba khẳng định tiền phạt như thế là hợp lý. Ông giải thích: "Vấn đề đã kéo dài 10 năm nhưng đập ngăn chất thải vẫn rò rỉ. Mỏ vàng North Mara giữ nước ô nhiễm trong hồ chứa thời gian dài nhưng đập không được xây dựng tốt, dẫn đến các chất độc hại xâm nhập vào nước ngầm, sông ngòi và nguồn nước lân cận".

Vị bộ trưởng này cho rằng Chính phủ Tanzania cũng có phần trách nhiệm vì "luôn tin vào những gì mỏ vàng nói". Công ty Acacia Mining thừa nhận quản lý kém chất thải và hứa sẽ xây hồ chứa chất thải mới. 

Đến cuối tháng 5-2019, Tanzania ra đòn cú chót, tuyên bố không cho phép Acacia Mining quản lý các mỏ vàng ở Tanzania. Người phát ngôn chính phủ nhấn mạnh: "Chúng tôi không làm việc với Acacia nữa. Trong mọi trường hợp, Acacia không thể tham gia các thỏa thuận, không giữ vai trò trong khai thác hay quản lý các chi nhánh mỏ của Barrick ở Tanzania". 

Giữa tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Barrick Gold đã mua lại hoàn toàn Acacia Mining sau khi tòa án Tanzania đồng ý.

Dự án điều tra về khai thác mỏ gây ô nhiễm

Nhóm điều tra quốc tế Forbidden Stories đã tổ chức dự án điều tra Green Blood tập trung vào đề tài khai thác mỏ ở 10 nước. 30 cơ quan báo chí và 40 nhà báo của 15 quốc gia tham gia dự án, trong đó có các báo The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp), Expresso (Bồ Đào Nha), Süddeutsche Zeitung (Đức).

Sau tám tháng điều tra, kết quả được công bố ngày 17-6-2019. Tại Tanzania, cuộc điều tra liên quan đến mỏ vàng North Mara do nhà báo Jabir Idrissa, 55 tuổi, người Tanzania làm nòng cốt. Ông đã từng làm việc cho hai tuần báo MwanaHalisi và Mawio phát hành bằng tiếng swahili tại Tanzania. Kết quả điều tra cho thấy môi trường của nước này bị hủy hoại rất đáng lo ngại.

Tòa án hiến pháp Guatemala vừa quyết định tạm ngưng giấy phép khai thác mỏ Fenix của Tập đoàn Solway ở El Estor (tỉnh Izabal) do Bộ Năng lượng và mỏ không tổ chức tham vấn đối với dân địa phương. Trước đó, nhiều cuộc đối đầu đã xảy ra và súng đã nổ...

_______________________________________________________

Kỳ tới: Ô nhiễm ở Guatemala và cuộc đấu tranh của người dân

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 1: Rừng tàn theo ngọn lửa Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 1: Rừng tàn theo ngọn lửa

TTO - Nhiều người âm thầm bảo vệ môi trường sống trong khi nạn phá rừng, xả rác thải độc hại, khai thác cát bừa bãi… vẫn hết sức nghiêm trọng. Đối xử tệ bạc với thiên nhiên là tự sát, vì vậy Liên Hiệp Quốc đã lập ra "Ngày môi trường sống thế giới".


HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên