Theo thống kê thu ngân sách của TP.HCM vượt hơn 508.000 tỉ đồng (vượt hơn 5% dự toán, tăng 12% so với năm 2023). Đây cũng là năm đầu tiên TP.HCM thu ngân sách vượt 500.000 tỉ đồng. Với tỉ lệ 79% ngân sách điều tiết đóng vào ngân sách trung ương, số tiền đóng góp của TP.HCM cho ngân sách cả nước rất lớn.
Tuổi Trẻ trò chuyện với TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế tài chính - về điểm sáng những ngày đầu năm 2025 của TP.HCM.
Ông Hiếu nhìn nhận quy mô về kinh tế TP.HCM rất lớn nên việc TP.HCM đóng góp vào ngân sách quốc gia đóng vai trò rất quan trọng, nhất là khi Chính phủ đặt mục tiêu quyết tâm đạt mức tăng trưởng hai con số.
Chính vì vậy về lâu dài cần phân bổ nguồn lực phù hợp và tạo cơ chế, chính sách tháo gỡ nhanh các điểm nghẽn để TP.HCM bứt phá, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ngân sách lớn hơn.
Thành quả từ chính sách khoan sức dân
* Ông nhìn nhận như thế nào về con số vượt 500.000 tỉ đồng thu ngân sách của TP.HCM năm 2024?
- Khi dự công bố quy hoạch TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn nhắc đến con số trên với cảm xúc đặc biệt và đánh giá rất cao thành tựu TP.HCM đạt được. Ông nêu bật con số thu ngân sách 2024 của TP.HCM vượt 500.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 24% thu ngân sách cả nước.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao bởi ông hiểu hết được sự khó khăn, nỗ lực để có thể vực dậy một nền kinh tế lớn sau thời kỳ phong tỏa, đóng băng.
Có nghĩa hành động của chính quyền TP.HCM suốt thời gian phục hồi nền kinh tế vừa phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân, vừa phải tạo ra những xung lực mạnh để phá băng sự trì trệ, cái bóng hậu quả nặng nề kéo dài của dịch COVID-19.
Nói cách khác, như con tàu lỡ trớn lấy lại đà hay động cơ xe chết máy lâu ngày khởi động lại đều rất gian nan, rất khó khăn, cần một nỗ lực rất lớn.
Phải đặt con số thu ngân sách ở góc độ địa phương mới trải qua sự tàn phá của một trận đại dịch kéo dài gần ba năm với những tổn thất rất lớn mới thấy rõ được ý nghĩa và sự nỗ lực của cả doanh nghiệp, người dân và chính quyền TP.HCM.
Chỉ dấu này cho thấy kinh tế - xã hội của TP.HCM dần khôi phục và phát triển lại bình thường sau đại dịch. Quan trọng hơn, với kết quả trên, lại một lần nữa khẳng định nếu có sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ từ trung ương tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực, TP.HCM sẽ dễ dàng vươn mình trỗi dậy để đóng góp cho cả nước.
* Có nghĩa theo ông, để có con số vượt thu 500.000 tỉ đồng và đóng góp lớn cho ngân sách không phải việc dĩ nhiên, dễ dàng?
- Đúng vậy! Doanh nghiệp và người dân TP.HCM trải qua dư chấn nặng nề của đại dịch cho nên để có nguồn tiền nộp thuế, phí lớn vậy hẳn có sự tiếp sức lớn từ các cơ chế, chính sách do TP.HCM đưa ra.
Gần nhất sau đại dịch hàng loạt chính sách chăm lo, hỗ trợ đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp của chính quyền được triển khai cũng giúp doanh nghiệp, người dân vực dậy, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Còn lùi lại trước đó từ những điều kiện thuận lợi tạo ra từ đầu tư hạ tầng, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng góp phần để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lớn dần về quy mô, phát triển mạnh hơn về sản xuất, kinh doanh.
Hàng loạt chính sách khoan sức dân được TP.HCM áp dụng nhiều năm qua như tăng cường cung cấp dịch vụ công, đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, hạ tầng; chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp và cả các chính sách hỗ trợ kinh tế nhằm gánh bớt gánh nặng tài chính cho người dân trong thời kỳ khó khăn...
Độ lùi của các chính sách đó đến nay đã phát huy hiệu quả và việc vượt thu ngân sách đạt được hôm nay là thành quả tất yếu từ chính sách khoan sức dân đó.
Cơ hội để TP.HCM tập trung nguồn lực và bứt phá
* Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch xác định rõ tầm nhìn đến năm 2050 TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á. Ông đánh giá mục tiêu này như thế nào?
- Mục tiêu, hoài bão này rất lớn và giao trọng trách, thử thách rất lớn cho TP.HCM. Bởi tất cả các TP trong khu vực như Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta, Bangkok... cũng đều đặt mục tiêu phát triển chứ không riêng TP.HCM, Việt Nam.
Muốn TP.HCM vượt lên các TP trong khu vực sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên khi đã có mục tiêu lớn như thế chúng ta sẽ có cơ hội dồn tất cả nguồn lực, năng lực để thực hiện và đây là một trong những điều kiện quan trọng để TP phát triển.
Trong sự gánh vác trách nhiệm tương lai đó, TP.HCM cũng có những điều kiện thuận lợi hơn các tỉnh thành khác. Trong đó hệ thống giao thông cảng biển, đường hàng không, đường biển, đường bộ tạo sự thuận lợi để TP.HCM giao thương với thế giới thuận lợi hơn. TP.HCM có dân số đông, hạ tầng cơ sở tốt hơn và được người nước ngoài quan tâm nhiều hơn so với các địa phương khác.
Đặc biệt rất nhiều kiều bào có quan hệ chặt chẽ với TP.HCM. Vai trò của TP.HCM rất quan trọng trong những kế hoạch phát triển kinh tế cho cả nước. Do đó cần phải có những kế hoạch để khai thác các tiềm năng của TP.HCM ngày một lớn hơn, nhất là khi chúng ta đi vào một giai đoạn mới, giai đoạn bứt phá.
* Những kế hoạch nào theo ông sẽ giúp khai thác triệt để, hiệu quả các tiềm năng của TP.HCM ngày một lớn?
- Rất nhiều nhà đầu tư đến TP.HCM khảo sát, tìm kiếm cơ hội làm dự án, vì thế phải tạo những điều kiện thông thoáng, dễ dàng và tốt nhất để thu hút doanh nghiệp quyết định đầu tư. Dĩ nhiên hạ tầng cơ sở là hết sức quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Giao thông cũng như tất cả hạ tầng cơ sở là cốt lõi trong kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.
Ở TP.HCM còn rất nhiều điểm nghẽn, giao thông ách tắc, đường phố càng ngày càng chật hẹp khi số lượng phương tiện giao thông còn nhiều. Vì vậy điều kiện tiên quyết hạ tầng cơ sở trong TP phải hết sức thuận tiện, được cải tiến một cách mạnh mẽ.
Tiếp đến một xã hội phát triển mạnh phải bắt đầu từ con người. Lực lượng lao động của TP.HCM rất lớn nhưng trình độ lao động của người lao động còn khá thấp. Đặc biệt vấn đề ngoại ngữ so với thế giới xung quanh vẫn còn thấp.
Trình độ ngoại ngữ của người lao động TP.HCM còn khoảng cách lớn với Singapore, thậm chí Thái Lan hay Indonesia. Vì thế lãnh đạo TP cần quan tâm vấn đề này vì ngôn ngữ rất quan trọng để phát triển TP bứt phá.
Cùng với đó TP.HCM cần quan tâm giữ gìn an ninh trật tự xã hội để duy trì môi trường sống an toàn. Cuối cùng là vấn đề môi trường cần được quan tâm một cách phù hợp.
Thực tế rác thải, xử lý rác thải, ô nhiễm qua việc sử dụng phương tiện giao thông... vẫn đang là những vấn đề lớn của TP.
Dành ngân sách dồi dào để TP.HCM bứt phá
* Kỳ vọng và trách nhiệm của TP.HCM trong giai đoạn tiếp theo, kỷ nguyên mới của dân tộc rất lớn?
- Trung ương đặt nhiều kỳ vọng vào TP.HCM nằm trong bối cảnh giai đoạn tăng trưởng, kỷ nguyên mới của đất nước. Dù vậy các cơ quan trung ương và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện rõ sự đồng hành, chia sẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách mới để TP.HCM vươn mình, phát triển bứt phá. Điển hình trong đó có việc đặt mục tiêu xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Nếu làm được điều này sẽ đưa Việt Nam lên ngang tầm với các trung tâm tài chính trong khu vực, trong đó có cả Singapore. Việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM rất quan trọng nhưng nguồn lực để làm cũng rất lớn, yêu cầu cũng lớn.
Vì thế trước hết về nguồn lực, Chính phủ cần phải dành một nguồn ngân sách dồi dào để giúp TP.HCM phát triển tiến đến vai trò hàng đầu trong khu vực, trong đó có mục tiêu trung tâm tài chính vừa nói đến.
Điều này không dễ vì các tỉnh thành đều muốn có nguồn lực ngân sách đầy đủ hơn cho địa phương của mình.
Nhưng với vai trò trọng trách của TP.HCM, Chính phủ cần phải có những hỗ trợ phù hợp với nhu cầu cũng như triển vọng, kỳ vọng vào TP. Giai đoạn sắp tới rất thử thách cho Việt Nam và cả thế giới khi có sự trở lại của Tổng thống Donald Trump với những chính sách kinh tế bất ngờ.
Dù vậy đây cũng là giai đoạn có nhiều cơ hội để TP.HCM chứng tỏ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước. Nếu vai trò này được tăng cường và duy trì, từ đây trở đi TP.HCM chắc chắn sẽ có những đóng góp lớn hơn cho ngân sách quốc gia.
* Để lãnh nhận, thực hiện thành công trách nhiệm và để TP.HCM lấy lại đà phát triển, vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, theo ông cần những điều kiện gì?
- Nguyên tắc công bằng những TP lớn có nguồn thu nhập lớn, quy mô kinh tế lớn sẽ phải đóng góp nhiều hơn cho quốc gia so với những tỉnh thành khác. Đúng là TP.HCM có những lợi thế hơn về tự nhiên cũng như về kinh tế, chính trị, xã hội, do đó cần có sự đóng góp nhiều hơn.
Nhưng nếu tỉ lệ giữ lại cho TP.HCM không phù hợp thì cần xem xét lại vì với một TP đang phát triển như vậy cũng cần nguồn lực để TP đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đào tạo, lao động, môi trường...
Tôi nghĩ rằng cần có những tiêu chí cho sát sao hơn, dựa vào quy mô thực tế và tiềm năng phát triển để có tỉ lệ phân bổ ngân sách giữ lại phù hợp hơn cho TP.HCM.
Thành quả thu ngân sách năm 2024 của TP.HCM cho thấy bất cứ thời kỳ nào chính sách khoan sức dân đều rất quan trọng và cần được phát huy.
Từ những ưu đãi, hỗ trợ, đầu tư của chính quyền sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển lớn mạnh và từ đó đóng góp vào nguồn thu chung, cùng chính quyền TP.HCM nỗ lực cao nhất để gánh vác cùng cả nước, vì cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận