18/12/2011 17:43 GMT+7

Thử lý giải nguyên nhân xe máy bốc cháy

VÕ NHẬT VINH
VÕ NHẬT VINH

TTO - Chỉ trong hai tuần vừa qua, liên tiếp bốn vụ cháy xe máy đã xảy ra. Nguyên nhân chính xác của những vụ việc trên đang tiếp tục được điều tra.

Tuy nhiên, trong tầm hiểu biết của mình, tôi đưa ra những lý giải dưới đây.

Dập tắt kịp thời một xe máy bốc cháyXe SH bốc cháy ngùn ngụt trên phốXe Honda lại bốc cháy giữa đườngMối lo cháy nổ xe máy

9YymM2Zs.jpgPhóng to
Xe SH bốc cháy ngùn ngụt ở ngã tư Kim Mã - Liễu Giai (Hà Nội) trưa 12-12 - Ảnh: Quang Thế

Trước hết, sự cháy được hình thành khi ba yếu tố oxy, vật liệu cháy và nguồn kích cùng lúc được thỏa mãn.

Oxy là yếu tố luôn được thỏa mãn trong điều kiện tự nhiên và nó cũng là điều kiện luôn hiện hữu đối với động cơ đốt trong. Vật liệu cháy với xe máy là nhiên liệu xăng nhưng với mỗi loại chất cháy khác nhau thì điều kiện cháy sẽ khác nhau (bao gồm cả điều kiện kích cháy). Nói cách khác, mỗi loại xăng có điều kiện bắt cháy hoàn toàn khác nhau. Cạnh đó, nguồn kích bên trong xe máy có thể là tia lửa điện của bugi, của bình điện nhưng cũng có thể nguồn kích đến từ bên ngoài.

Trở lại các vụ tai nạn, tất cả đều xảy ở khu vực phía Bắc vào thời điểm mùa đông giá rét với thời tiết hanh khô - một điều kiện tốt để vật chất dễ bị nhiễm tĩnh điện do ma sát. Những người từng sống trong điều kiện thời tiết như vậy chắc hẳn không quên những cú tê người như điện giật khi chạm vào nắm tay cửa bằng kim loại hay những tiếng nổ tí tách cùng đốm sáng nhỏ khi cởi áo len.

Hiện tượng nhiễm điện của vật chất cũng dễ dàng kéo theo hiện tượng cháy nổ với các tia lửa điện (tương tự hiện tượng sấm sét do hiệu ứng của các đám mây tích điện). Trong chừng mực nào đó, nguồn kích của những chiếc xe máy gặp nạn cũng có thể là tia lửa điện sinh ra từ hiện tượng nhiễm tĩnh điện của khung xe do ma sát với không khí khô.

Để tránh hiện tượng này, các xe bồn chở nhiên liệu luôn có sợi xích thả lê trên mặt đất nhằm dẫn các hạt tĩnh điện xuống đất, tránh tạo nguồn kích gây cháy nổ.

Song song đó, chỉ số Octan của xăng (chỉ số chống kích nổ) cũng là một chỉ số đánh giá khả năng nhạy bén của nhiên liệu với nguồn kích. Chỉ số Octan càng cao thì nguồn kích phải càng mạnh và ngược lại. Do đó, nếu nhiên liệu có chỉ số Octan thấp thì một nguồn kích nhỏ cũng có thể tạo nên sự cháy.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều nơi bán xăng với chỉ số Octan thấp hơn chuẩn công bố (những người đi xe môtô/ôtô phân khối lớn có thể nhận biết điều này từ lâu thông qua chất lượng làm việc của động cơ) và điều này cũng có thể là một nguyên nhân của những vụ tai nạn kể trên.

Tóm lại, những sự việc đã xảy ra cùng với điều kiện thực tế cho phép chúng ta nghĩ đến những nghi ngờ về chất lượng của xăng cũng như tia lửa điện do hiện tượng nhiễm tĩnh điện gây ra. Thiết nghĩ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người dân, của người tiêu dùng, cơ quan quản lý và nhà sản xuất cần phải có động thái để loại trừ ngay lập tức những mối nguy gây tai nạn.

Cơ quan quản lý cần kiểm tra lại chất lượng xăng của các địa điểm kinh doanh. Nhà sản xuất và cơ quan đăng kiểm cần có trách nhiệm đánh giá tác động của hiện tượng nhiễm tĩnh điện đối với xe gắn máy (cũng như các loại xe khác). Không thể chỉ vì uy tín thương hiệu mà nhà sản xuất có thể bỏ qua những nghiên cứu, cải tiến cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng.

VÕ NHẬT VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên