05/08/2015 08:50 GMT+7

Thủ khoa không phải là mọt sách

LƯU TRANG - NGỌC DƯƠNG
LƯU TRANG - NGỌC DƯƠNG

TT - Đạt những điểm số cao trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, nhưng các thủ khoa này lại hoàn toàn không phải là những “con mọt sách”.

Trần Xuân Thịnh - Ảnh: Ngọc Dương
Trần Xuân Thịnh - Ảnh: Ngọc Dương

Hãy nghe các bạn ấy chia sẻ bí quyết chinh phục các môn học, đương đầu với kỳ thi và ước mơ tương lai của mình.

Siêng học nhưng không nên học ráng!

“Đừng làm con mọt sách!”, đó là tâm sự của cậu học trò Trần Xuân Thịnh, thí sinh ở Huế có kết quả ba môn khối C thật ấn tượng: văn 9; sử 9,5; địa 10; tổng 28,5 điểm. Theo kết quả mà Bộ GD-ĐT công bố, Thịnh là thí sinh có điểm khối C cao nhất nước.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp cậu học trò này là sự nhanh nhẹn, thông minh và khiêm tốn. Vốn là học sinh lớp 12 chuyên sử Trường THPT chuyên Quốc học - Huế, Thịnh từng liên tiếp đoạt các giải học sinh giỏi quốc gia môn sử: giải 3 năm 2014, giải 2 năm 2015, cùng nhiều giải cao môn sử cấp tỉnh. Nói về kết quả thi của mình, Thịnh chia sẻ: “Em rất vui, nhưng đó chỉ là thành tích của hiện tại. Bởi trước mắt em là một quãng thời gian dài đại học”.

Chia sẻ về kinh nghiệm học của mình, Thịnh bộc bạch: “Chuyên khối C nhưng em không bỏ những môn còn lại, phải học đều tất cả các môn. Phải tập trung nghe thầy cô giảng bài và nắm vững trọng tâm bài học ngay tại lớp. Chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thầy cô hoặc trao đổi với bạn bè ngay sau đó. Về nhà chỉ ôn lại và học nâng cao. Khi nào căng thẳng quá thì nghỉ ngơi thoải mái rồi học tiếp, không nên học ráng. Siêng đọc sách, nhưng đừng làm con mọt sách”.

Cách giải trí của Thịnh là đọc sách, thay vì chơi game hoặc lên Facebook. Đặc biệt, Thịnh rất thích xem chương trình thời sự trên truyền hình vào mỗi tối để cập nhật tin tức xã hội. Thịnh chia sẻ: “Đọc sách là một việc quá bổ ích, không chỉ nạp thêm kiến thức, tăng thêm vốn từ, tăng thêm khả năng tư duy, giúp cho mình khả năng nhìn nhận đúng các vấn đề của cuộc sống để làm bài nghị luận xã hội. Còn xem tin tức thời sự sẽ giúp mình có định hướng ôn thi phù hợp và bài làm của mình bám sát thực tế hơn”.

Thịnh rất quan tâm đến tình hình Biển Đông và các thông tin về phát triển của xã hội. “Nhưng nếu chỉ đọc sách và nhớ thật nhiều kiến thức thì bài làm của mình sẽ chẳng có gì khác mọi người. Phải chọn lựa kiến thức, liên hệ với thực tế cuộc sống và viết bằng suy nghĩ của mình thì bài viết mới có cái riêng”, Thịnh nói. Thịnh cũng cho biết học thuộc lòng kiến thức là một cách học khó, và cậu học trò này đã không chọn cách học đó.

Hỏi về bí quyết làm bài thi, Thịnh chia sẻ: “Trước khi làm bài phải dành 15 phút để đọc kỹ và lập dàn ý chi tiết cho mỗi câu, rồi mới bắt tay vào làm từ câu dễ đến câu khó. Thời gian để làm bài khối C rất dài, do đó em luôn dành ra ít nhất 15 phút để đọc lại bài, thiếu ý nào là bổ sung ngay. Không vội vàng và viết một cách ngắn gọn”.

Ông Trần Xuân Nguyện - ba Thịnh - cho biết Thịnh rất tự giác trong việc học tập, nhất là đam mê đọc sách. Nghe thầy cô giới thiệu cuốn sách nào hay là Thịnh tìm bằng được. Có lần Thịnh mải mê đọc sách ở các cửa hàng sách cũ cho đến tối mịt mà vẫn chưa về khiến gia đình hốt hoảng một phen. Cô Bạch Thị Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm của Thịnh, cho biết cả ba năm liền Thịnh đều là học sinh giỏi, chăm ngoan và rất nhiệt tình trong các hoạt động của lớp. “Đó là một học sinh xuất sắc, giàu ý chí. Nhiều giáo viên dạy Thịnh cũng đều nhận xét như vậy” - cô Nguyệt nói.

Thịnh cho biết đã đăng ký xét tuyển vào ngành quản lý nhà nước về an ninh trật tự Trường đại học Cảnh sát nhân dân TP.HCM.

Hồ Quang Truyền - Ảnh: Thanh Tú
Hồ Quang Truyền - Ảnh: Thanh Tú

Học tới đâu phải hiểu tới đó

Hồ Quang Truyền, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM), là thí sinh duy nhất trong cả nước đạt điểm 10 môn vật lý. Cậu học trò quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang từ nhỏ đã ôm ấp ước mơ học thật giỏi để thi vào ngành công an, nối nghiệp bố và mẹ. Truyền mê công nghệ, thể thao và cũng dành thời gian chơi game như các bạn cùng trang lứa. “Em chơi game để giải trí chứ không sa đà. Mỗi tuần em chỉ dành 1 - 2 giờ chơi game để bớt căng thẳng hay giải trí”. Với việc học, Truyền cho rằng mình cũng học như các bạn trong lớp, không học kiểu thức khuya dậy sớm mà học theo kiểu học tới đâu phải hiểu tới đó và ứng dụng được.

Điểm thi của Truyền trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi: toán 7,5 điểm; vật lý 10; hóa 9,5; văn 6,25 và tiếng Anh 6. Khi biết điểm 10 môn vật lý của mình là duy nhất, cậu học trò vui mừng báo với gia đình, bởi trước đó dù làm bài tốt Truyền cũng không nghĩ rằng mình sẽ đạt điểm tuyệt đối.

Truyền cho biết: “Trong các môn, vật lý là môn em học tương đối tốt và đã yêu thích môn này từ hồi cấp II. Hồi nhỏ em khá là phá phách. Có đồ chơi gì ba mẹ mua cho, em đều tháo banh ra để tìm hiểu nguyên lý hoạt động của nó. Em cũng thích đọc sách báo và tìm hiểu về nguồn gốc sâu xa của các hiện tượng tự nhiên trong đời sống. Nên khi học môn vật lý, em cảm thấy môn học này cũng hấp dẫn mình chứ không khó và khô khan”.

Chia sẻ về phương pháp học tập, Truyền cho biết em thường nắm rõ, hiểu sâu phần lý thuyết của vấn đề, như vậy sẽ nhớ bài dễ hơn và lâu hơn. Sau khi đã hiểu và nắm chắc bài thì Truyền dành thời gian còn lại để luyện giải bài tập.

Về kinh nghiệm trong phòng thi, Truyền chia sẻ: “Vào phòng thi, ngoài việc tự tin với kiến thức của mình, cần bình tĩnh đọc đề, giữ tâm lý thoải mái, làm câu dễ trước và dò kỹ, sau đó dành thời gian chuyên tâm giải các câu khó. Ở môn vật lý, em làm hầu hết các câu hỏi khá dễ dàng. Câu khó nhất trong đề thi là câu tính tần số, đề cho đáp án gần đúng nên em mất nhiều thời gian hơn để giải câu này, và may mắn hoàn thành kịp trước khi hết giờ làm bài”.

Về dự định trong tương lai, Truyền cho biết sẽ xét tuyển vào trường cảnh sát để nối nghiệp gia đình.

Nguyễn Thông - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thủ khoa không dùng điện thoại

Khá khó khăn để có thể liên hệ với Nguyễn Thông, cậu học trò ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An vừa đạt số điểm 29,5 cho tổ hợp ba môn toán, lý, hóa trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ngoài hai điểm 10 cho toán và hóa, điểm 9,5 môn vật lý, Thông cũng đạt 8,25 điểm cho môn tiếng Anh. Rất ít khi sử dụng mạng xã hội Facebook, không dùng điện thoại di động suốt những năm học phổ thông, Thông không chọn cách thể hiện mình như các bạn cùng lứa luôn kè kè smartphone bên người và cập nhật hình ảnh, thông tin cá nhân, chụp hình tự sướng đăng lên mạng thường xuyên. Thông chú tâm vào việc học và chỉ quyết định sử dụng điện thoại khi đã vào được trường đại học.

Nói về mình, chàng thủ khoa hiền lành kể: “Em cũng không quá mọt sách, học bài chỉ đến 23g là gấp sách đi ngủ. Em thích chơi cầu lông và khi buồn hay mệt thì thư giãn đầu óc bằng cách…nghĩ vẩn vơ hay tưởng tượng về tương lai! Em không dùng điện thoại vì sợ sao nhãng việc học, khi cần em sẽ mượn thầy cô hoặc bạn bè. Cuối tuần, em vẫn dành vài giờ đồng hồ để lên mạng cập nhật thông tin, đọc sách báo vì không muốn mình lạc hậu với tin tức thời sự, xã hội”.

Với Thông, bí quyết học tập là học ở thầy cô và học ở bạn bè. Thông có thói quen với mỗi bài tập là tự giải bằng cách cơ bản trước, sau đó tìm cách giải khác hay hơn, ngắn gọn hơn. Sau đó, Thông hỏi thêm thầy cô và bạn bè xem có cách làm bài nào khác để học hỏi.

“Trong các môn học, em thích nhất môn hóa vì có nhiều dạng, có thể giải bằng nhiều cách. Để nhớ bài, em thường gắn công thức, lý thuyết bài học vào một từ tiếng Anh và sự việc thực tế nào đó để có thể nhớ lâu hơn các công thức. Khi vào phòng thi, đầu tiên là giải nhanh phần trắc nghiệm, dành thời gian cho câu hỏi khó. Ở môn tự luận, em làm bài chậm và chắc để đảm bảo mình không bỏ sót câu hỏi và không làm sai ý”. Thông dự định nộp hồ sơ vào Trường ĐH Ngoại thương với ước mơ được làm việc trong lĩnh vực kinh tế, tài chính.

LƯU TRANG - NGỌC DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên