Tuyên dương và khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện năm 2015 tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng |
Nghe đọc nội dung bài báo |
Để những tư tưởng và đường lối đi vào cuộc sống và các chỉ tiêu đặt ra không rơi vào tình trạng gần hết nhiệm kỳ lại xin điều chỉnh sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như bối cảnh quốc tế, tài nguyên, nguồn lực...
Trong số đó phải kể đến một nhân tố có tính quyết định là con người của bộ máy quản lý nhà nước, họ phải đáp ứng được 4T là: tài năng, tầm tư duy, tận tụy, tử tế.
Người dân trông chờ sau Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, một nghị quyết đầy tâm huyết đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân sẽ được ra đời và sớm được hiện thực hóa trong cuộc sống.
Đào tạo cấp cơ sở chuyên nghiệp
Có một thực tế là cán bộ chức nghiệp của TP.HCM ở cấp phường, xã không được đào tạo tốt. Các nghiên cứu của Trường đại học KHXH&NV và Học viện Hành chính quốc gia cho thấy hơn 60% cán bộ cấp quận, huyện đang làm việc có chuyên môn được đào tạo đúng và gần đúng với công việc mình đảm nhiệm, còn ở 322 phường, xã thì thấp hơn rất nhiều.
Ví dụ ở mỗi phường, xã có một cán bộ phụ trách về địa chính, nhưng hầu hết trong số họ không được đào tạo chính quy về quản lý đô thị, thậm chí là cả các chương trình ngắn hạn. Rất nhiều người làm công tác quản lý đô thị là cán bộ phụ nữ, cán bộ phường đội luân chuyển qua. Còn ở 56 xã ngoại thành, cán bộ phụ trách mảng văn hóa chỉ có 12% được đào tạo bài bản, còn lại hầu hết là tay ngang.
Tất nhiên, thực tế rất khó cân đối được việc đào tạo khớp với việc sử dụng, nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được bằng các chương trình đào tạo ngắn hạn, huấn luyện kỹ năng chuyên sâu cho đúng người, đúng việc. TP cần phải có chiến lược đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phường, xã, quận, huyện theo hướng chuyên nghiệp, thạo việc và đa năng.
Chuyên nghiệp hóa cao với cán bộ chính quyền là một đòi hỏi cực kỳ quan trọng, có tính sống còn với bộ máy chuyển từ ban phát sang phục vụ, chính vì thế có một nguyên tắc bất di bất dịch là cho dù thay đổi thể chế, thay ghế thủ trưởng nhưng đội ngũ chuyên gia, chuyên viên tinh thông trong các lĩnh vực dân số, địa chính, quy hoạch, thống kê, tài chính, kỹ thuật hạ tầng (điện, nước) thì phải giữ.
Về mặt quan điểm, TP cần xây dựng một đội ngũ cán bộ theo hướng “Quý hồ tinh hơn quý hồ đa”, có nghĩa là không cần quá đông đảo như hiện nay với hơn 140.000 người hưởng lương, mà phải tinh giản xuống. Một phường, xã hiện nay có 40 - 45 cán bộ, công chức hưởng mức lương trung bình là 4 - 5 triệu đồng/tháng, nếu giảm chỉ còn 1/2 hoặc 1/3 thì mức thu nhập sẽ cao hơn, và khi đó sẽ giữ được người giỏi và thu hút được người tài.
Việc giảm định biên thật sự không phải là việc khó nếu xác định lại chức năng của chính quyền cấp cơ sở, cái gì cần giữ, cái gì cần phải trả lại cho thị trường, khi đó mỗi phường chỉ cần 1/3 người so với hiện nay mà công việc vẫn chạy tốt.
Sử dụng chuyên gia giỏi
Việc đào tạo ngắn hạn không chỉ cần với cán bộ tầm trung và cơ sở mà đúng với cả các vị trí của cán bộ cao cấp. Không thể đòi hỏi các vị lãnh đạo cao cấp đang làm việc đi học đại học về lĩnh vực mình đang phụ trách, cho dù là tại chức.
Do vậy các vị lãnh đạo cần tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, phương pháp bằng các phương pháp khác nhau như đào tạo ngắn hạn, thường xuyên mời các chuyên gia giỏi đến trao đổi. Đây là cách những con người khổng lồ châu Á như Thủ tướng Lý Quang Diệu (Singapore), Thủ tướng Mahathir Mohamad (Malaysia), Thủ tướng Võ Văn Kiệt... thường xuyên sử dụng.
Trong thời gian tới, TP cần phải xây dựng cho được các nhóm chuyên gia giỏi và có tầm quốc tế để làm tham mưu, cố vấn cho lãnh đạo TP trong việc xây dựng chiến lược và ra các quyết sách. Những người này có thể đang phục vụ trong bộ máy công quyền của TP, cũng có thể là các nhà khoa học ở trường đại học và cả các chuyên gia nước ngoài.
TP cũng cần thay đổi chính sách tuyển dụng và sử dụng cán bộ, để bất kỳ ai là người tài - không phân biệt có hộ khẩu TP hay không, không phân biệt vùng miền - cũng đều được thu nạp để làm sao cán bộ trong bộ máy công quyền phải là người xuất sắc nhất, có uy tín nhất.
Bên cạnh đó, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của Singapore trong việc đào tạo và nuôi dưỡng cán bộ bằng việc sớm thành lập một trường đào tạo công chức chuyên nghiệp như trường chính sách công mang tên Lý Quang Diệu.
Những sinh viên khi bước chân vào trường này thì được coi là công chức dự bị, khi ra trường họ trở thành các chuyên viên, chuyên gia giỏi và chắc chắn sẽ phục vụ trong bộ máy công quyền với mức lương cao để không tham nhũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận