14/07/2024 08:49 GMT+7

Thu hồi văn bản công nhận gần 30ha rừng phòng hộ: Tỉnh Lâm Đồng nói gì?

MAI VINH
và 1 tác giả khác

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đưa gần 30ha Đồi Cù Đà Lạt ra khỏi rừng phòng hộ khiến dư luận xôn xao khi hầu hết đều nghĩ đây là việc hợp thức hóa cho sai phạm của chủ đầu tư Công ty CP Hoàng Gia ĐL.

Hai khối công trình trái phép tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Hai khối công trình trái phép tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Lý do là tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù Đà Lạt đang bị cơ quan chức năng xử phạt, buộc tháo dỡ nhưng đã trễ hạn nhiều tháng. Công trình trái phép với hai khối đồ sộ hơn 20.000m2 vẫn còn sừng sững khi có tin thu hồi văn bản công nhận đất rừng phòng hộ nói trên.

Thu hồi văn bản năm 2016 để thực hiện đúng

Ngày 12-7, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành hai văn bản, quyết định để thu hồi các nội dung đã ban hành vào năm 2016 liên quan đến việc đưa 29,5ha đất ở Đồi Cù Đà Lạt vào diện đất rừng phòng hộ.

Với việc thu hồi các văn bản, quyết định, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa 29,5ha Đồi Cù Đà Lạt ra khỏi rừng phòng hộ, trở lại với mục đích sử dụng ban đầu là đất sản xuất kinh doanh (SKC).

Cụ thể, năm 2016, theo đề nghị của Công ty CP Khu nghỉ mát Đà Lạt và đề nghị của Sở NN&PTNT Lâm Đồng xác định diện tích đất trồng cây thông, cây xanh trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt của Công ty CP Khu nghỉ mát Đà Lạt (chủ đầu tư Đồi Cù Đà Lạt trước đây), tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản 4134 chuyển diện tích 29,59ha rừng trồng thông năm 1993 trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt đã đạt tiêu chí thành rừng vào rừng phòng hộ nội ô Đà Lạt.

Mới đây, qua rà soát và đề xuất của Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 12-7 UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bản số 4134 ngày 20-7-2016, hủy bỏ toàn bộ quyết định số 2068 ngày 16-9-2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Lý do được nêu ra: UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các văn bản nói trên vào năm 2016 là chưa đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật tại thời điểm ban hành văn bản.

"Do đó, việc thu hồi các văn bản đã ban hành nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định" - thông cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu.

Liên quan đến tình huống thu hồi văn bản, UBND tỉnh Lâm Đồng trao đổi rằng việc xác lập, quản lý đất đai tại sân golf Đồi Cù Đà Lạt được rà soát thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất TP Đà Lạt đến năm 2030, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ), các quy hoạch và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Không như mọi người nghĩ là đang hợp thức hóa sai phạm. Khi ban hành văn bản này, tôi nghĩ mọi người sẽ có luồng suy nghĩ đó. Nhưng việc nào ra việc nấy. Sai phạm của Đồi Cù Đà Lạt vẫn xử lý đúng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng: đúng luật, đúng thực tế, phù hợp nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Không có mắc mứu gì!

Trước hoài nghi của dư luận về việc hợp thức hóa sai phạm cho hai khối công trình tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù Đà Lạt với tổng diện tích sai phạm lên đến 20.000m2, ngày 13-7 Tuổi Trẻ đã liên hệ với UBND tỉnh Lâm Đồng để trao đổi.

Ông Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết không có mắc mứu gì trong việc đưa 29,5ha đất sân golf Đồi Cù Đà Lạt ra khỏi diện tích rừng phòng hộ. "Việc xử lý sai phạm xây dựng hai khối tòa nhà sai phép và không phép bên trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt vẫn thực hiện theo đúng trình tự pháp luật", ông S khẳng định.

Ông Phạm S nói thêm: việc trả lại phần đất Đồi Cù Đà Lạt đã đưa vào rừng phòng hộ trước kia là đúng vì ban đầu đó là đất có mục đích sử dụng sản xuất kinh doanh (SKC). Chủ đầu tư Đồi Cù Đà Lạt, nhận dự án năm 1993, đã trồng thông trên phần đất đó.

Năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng nhận thấy phần đất nói trên đủ điều kiện trở thành rừng phòng hộ nội ô nên đã thực hiện các thủ tục để chuyển vào đất rừng.

Ông Phạm S nhấn mạnh sai phạm của chủ đầu tư Đồi Cù Đà Lạt phải được xử lý đúng theo trình tự pháp luật. Trong hai khối công trình của tòa nhà Đồi Cù Đà Lạt, có khối thuộc đất rừng và có khối không thuộc đất rừng.

Việc xử lý sai phạm tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đã có nhiều văn bản đốc thúc xử lý sai phạm ở hai khối công trình nói trên với nội dung ngoài nộp phạt 240 triệu đồng (chủ đầu tư đã nộp - PV) thì phải tiến hành tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm.

Truy thu tiền thuê gần 30ha Đồi Cù Đà Lạt

Theo các văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng năm 2016 khi giao đất cho Công ty Hoàng Gia ĐL, tổng diện tích đất cho doanh nghiệp thuê tại sân golf Đồi Cù hơn 62,4ha.

Trong đó, đất thương mại dịch vụ 3.212m2, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao (sân golf) gần 32,5ha, đất rừng phòng hộ nội ô 29,59ha. Khi đó, lãnh đạo tỉnh giao các sở ngành liên quan xác định đơn giá thuê đất và Công ty Hoàng Gia ĐL được miễn tiền thuê rừng đối với gần 30ha Đồi Cù Đà Lạt.

Việc đưa gần 30ha Đồi Cù Đà Lạt vào rừng phòng hộ là sai và việc miễn tiền thuê đất cũng sai, đồng nghĩa tỉnh Lâm Đồng sẽ phải truy thu tiền thuê đất đã miễn cho chủ đầu tư trong 8 năm. UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện truy thu tiền thuê rừng trong Đồi Cù Đà Lạt.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Cục Thuế tỉnh phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, truy thu nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất do chênh lệch giá đất rừng phòng hộ nội ô với các loại đất khác từ ngày 16-9-2016 đến nay, không để thất thoát ngân sách nhà nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND tỉnh Lâm Đồng về sự phù hợp quy định pháp luật và tính chính xác đối với các thông tin và số liệu đã kiến nghị (tại các văn bản đề xuất để dẫn đến UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định sai - PV).

Việc UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi văn bản cũ từ 2016 thì chúng tôi vẫn đang nghiên cứu luật pháp nên không thể trả lời một cách máy móc. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu khi đã hủy quyết định từ 2016 tức là vào 2023 chúng tôi xây dựng tòa nhà câu lạc bộ không phải trên đất rừng.
Ông Trần Quốc Hùng

Chủ đầu tư nêu nguyên nhân chưa tháo dỡ công trình sai phạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Hùng - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL (chủ đầu tư) - thừa nhận sai khi xây công trình không phép, không thể bàn cãi, chấp nhận đập bỏ công trình.

* Nhưng vì sao đến nay vẫn chưa tháo dỡ công trình sai phạm, thưa ông?

- Đây là lần đầu xảy ra với công ty nên chưa hình dung hết, chỉ nghĩ đem công nhân đến dỡ là xong. Tuy nhiên, TP yêu cầu phải có phương án, phải thuê nhà thầu đủ năng lực, phải làm đúng quy trình để đảm bảo đúng tiêu chuẩn, an toàn tuyệt đối.

Nói thật, tháo dỡ cần một khoản tiền lớn, chúng tôi cũng muốn lấy lại được cái gì thì lấy để bớt hao phí. Hiện đã làm với 3 - 4 doanh nghiệp rồi, chỉ còn khâu ký hợp đồng, trình phương án cho TP duyệt là tháo dỡ. Tuy nhiên, hiện có kiện tụng giữa các nhà thầu với nhau tại TP.HCM.

Đây là tranh chấp dân sự, song tòa cũng đã có văn bản gửi lên tỉnh và UBND TP Đà Lạt, yêu cầu phải thực hiện đánh giá khối lượng công trình giữa các nhà thầu trước khi tháo dỡ. Do đó nếu bây giờ tháo dỡ là hủy hoại chứng cứ nên phải ngưng.

Việc thuê nhà thầu tháo dỡ và UBND TP phê duyệt thì sẽ nhanh thôi, còn phần kiện tụng giữa các nhà thầu thì lại phụ thuộc vào tòa. Trước mắt chắc chắn phải giữ nguyên hiện trạng, muốn tháo dỡ cái gì phải xin ý kiến tòa vì đó là bằng chứng. Mặc dù lúc đầu UBND TP đã tháo niêm phong để chúng tôi tháo dỡ, nhưng hiện nay chúng tôi tuân thủ cả về quy định an toàn lẫn yêu cầu của tòa.

* Doanh nghiệp nói là sai, nhưng vì sao biết sai mà vẫn xây dựng?

- Lúc chúng tôi nhận dự án, toàn bộ 62,5ha đất là đất sản xuất kinh doanh. Năm 2016 chúng tôi xin chuyển 29,5ha sang đất rừng để giảm tiền thuê đất, nhưng thực chất là thông kiểng do nhà đầu tư trồng. 5.629m² đất rừng phòng hộ trong tòa nhà câu lạc bộ là một đoạn xéo trong 29,5ha đất rừng kể trên nên chúng tôi mới xin chuyển.

HĐND đã thống nhất, đã có nghị quyết cho phép. Sau này, Sở Tài nguyên và Môi trường mới nói rằng việc trình lên các cấp vậy là sai so với nghị định 52 về quản lý, đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf. Các cơ quan không xét vào điều khoản chuyển tiếp (điều 17) và cho rằng đây là mở rộng dự án, không phải làm theo dự án cũ. Tỉnh hiểu một phía, doanh nghiệp hiểu một phía.

Ngoài ra, cuối năm 2022 và đầu 2023, Lâm Đồng chuẩn bị chào đón 130 năm hình thành và phát triển TP Đà Lạt, địa phương cũng muốn chúng tôi xây cho kịp, chứ không phải họ không biết. Đà Lạt nhỏ xíu mà tòa nhà to như thế không thể nói không biết. Nếu không áp theo nghị định 52 thì họ cũng cho chúng tôi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi.

Sau này, tỉnh nói rằng trái luật. Nếu ngay từ đầu hội đồng kiểm tra và cơ quan chức năng nắm luật, nói rằng dự án trái luật là chúng tôi đã không xây để bây giờ đập đi như thế.

Đưa 30ha khỏi rừng phòng hộ tại Đồi Cù, Lâm Đồng nói không hợp thức hóa sai phạmĐưa 30ha khỏi rừng phòng hộ tại Đồi Cù, Lâm Đồng nói không hợp thức hóa sai phạm

Đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định "chuyện nào ra chuyện nấy", không có chuyện hợp thức hóa sai phạm xây dựng bên trong Đồi Cù Đà Lạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên