Ít ai lường được hậu họa khủng khiếpHàng triệu bí mật đời tư bị bán
Kín đáo theo dõi vợ một thời gian và có các bằng chứng rõ ràng về sự không chung thủy, người chồng đã nhất quyết đưa đơn ra tòa đòi ly dị.
Phóng to |
Khi gia nhập một trang mạng xã hội đồng nghĩa với việc bạn cung cấp thông tin cá nhân của mình, nhưng bạn làm sao biết được thông tin của mình có bị lợi dụng? - Ảnh: T.T.D. |
Cùng thời gian đó, bên kia địa cầu, nhờ sở hữu dữ liệu thông tin cá nhân khổng lồ, trang mạng xã hội Facebook sau khi chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng, đã đưa tài sản của nhà sáng lập Mark Zuckerberg lên gần 30 tỉ USD.
Thông tin cá nhân giá trị cỡ nào?
Quyền được lãng quên Iviane Reding, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, khẳng định rằng các trang mạng xã hội của các công ty Mỹ, nhưng có hàng triệu người dùng tại châu Âu, cần phải tuân theo luật của châu Âu. Bà còn nhấn mạnh quan điểm về “quyền được lãng quên trên mạng” của người dùng. Họ phải được quyền dễ dàng xóa bỏ vĩnh viễn thông tin cá nhân như video, ảnh khỏi cơ sở dữ liệu của các trang mạng. |
Google nắm giữ không chỉ các email, tập tin, ảnh, video... mà còn các thói quen của bạn khi lên mạng. Ngân hàng biết rõ các khoản thu chi, nợ nần. Công ty điện thoại ghi lại bạn đang đi đâu, nói chuyện gì, gửi tin nhắn cho ai. Siêu thị thống kê hóa đơn mua hàng và có thể biết rõ số chó mèo bạn nuôi, số quần áo bạn có, thậm chí các căn bệnh tiềm ẩn từ chế độ dinh dưỡng.
Facebook biết giới tính, quan điểm chính trị, việc bạn làm, suy nghĩ thầm kín của bạn, dữ liệu riêng tư, các mối quan hệ bạn bè và cả những thăng trầm của chúng. Những dữ liệu này vẫn còn tồn tại trên mạng, trong các máy chủ hay trong đĩa cứng của những người nào đó, ngay cả khi bạn đã xóa đi.
Khi sử dụng các trang mạng xã hội, rất ít người dùng đọc kỹ các điều khoản liên quan đến bảo mật thông tin, và cũng không nhiều người hiểu rõ cơ chế lưu trữ, truyền nhận và xử lý thông tin của hệ thống. Họ thậm chí không hình dung được đằng sau một trang web mới nhìn qua tưởng chừng rất đơn giản, lại là những hệ thống máy móc hiện đại trị giá nhiều tỉ đôla, thuộc về những tập đoàn có giá trị còn cao hơn tổng thu nhập quốc dân hằng năm của một số quốc gia giàu có.
Dữ liệu cá nhân có thể không có nhiều giá trị nếu chỉ là của một vài người, nhưng khi được lưu trữ một cách có hệ thống từ hàng tỉ người, sau hàng chục năm, thì nó là một kho vàng vĩ đại chỉ chờ người đến lấy như trong truyện Alibaba và 40 tên cướp. Các công ty sẽ dùng các báo cáo từ kho dữ liệu cá nhân để quảng cáo, nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, đánh giá thói quen người dùng. Những dữ liệu cá nhân của hàng tỉ người có thể tổng hợp và phân tích cho vô vàn mục đích khác nhau và đem lại những lợi ích chưa thể hình dung hết.
Với hàng chục ngàn máy chủ lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ từ gần 500 triệu người dùng hằng ngày, hơn 800 triệu người dùng hằng tháng, với hàng tỉ bức ảnh và hàng chục tỉ bài viết được cập nhật hằng tháng trên hệ thống của mình, Facebook quả thật đã là một giấc mơ trở thành hiện thực của các cơ quan tình báo như CIA, Mossad hay MI7. Trong hồ sơ chào bán cổ phiếu của Facebook, ngoài các thống kê tài chính còn một con số quan trọng là 100 triệu tỉ byte hình ảnh và video đang được lưu trữ trong các máy chủ.
Sự riêng tư của chúng ta không còn là tài sản cá nhân nữa, mà là những viên gạch tạo nên khối tài sản khổng lồ trị giá hàng ngàn tỉ đôla Mỹ của các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Facebook chỉ mất tám năm để có giá trị gần 100 tỉ USD ngay trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Trong khi Google và Facebook liên tục đầu tư những trung tâm cơ sở dữ liệu trị giá hàng trăm triệu USD có hệ thống máy tính tiêu thụ điện năng ngang với những thành phố lớn, thì khó có thể hình dung được những doanh nghiệp địa phương từ các đất nước đang phát triển lại có cơ may giành được dù là chút ít khách hàng. Internet không có biên giới, trừ khi các chính phủ dùng những biện pháp cấm đoán bằng luật pháp. Một khi thị trường đã mở cửa thì không còn sự khoan dung, và cũng không còn lợi thế cạnh tranh nào từ việc bạn là một doanh nghiệp địa phương.
Bán cho ai?
Thời gian cuối năm 2004 đầu năm 2005, khi IBM bán bộ phận sản xuất máy tính cá nhân cho Lenovo (Trung Quốc), những người ngây thơ đã nhầm tưởng rằng châu Á đang vươn lên trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) và nước Mỹ già nua, đắt đỏ có thể sẽ bị vượt qua. Nhưng sự thật là các tập đoàn CNTT Mỹ đã nắm hầu hết các sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất trong ngành này. Apple đã làm đảo điên Nokia - nhà sản xuất điện thoại di động nhiều năm không có đối thủ.
Hầu hết máy tính để bàn vẫn dùng hệ điều hành Windows của Microsoft. Intel vẫn chiếm thị phần chi phối trong ngành sản xuất bộ vi xử lý. Và Google, Yahoo, Facebook, YouTube... chiếm phần lớn thời gian người dùng truy cập vào Internet. Không những thế, người dùng đang có xu hướng chuyển toàn bộ dữ liệu cá nhân vào trong hệ thống máy chủ của Apple, Google và Facebook.
Người Mỹ đã khôn khéo từ bỏ mảng sản xuất không còn nhiều giá trị gia tăng, không thể tạo được sự khác biệt về công nghệ, chuyển qua lĩnh vực siêu lợi nhuận liên quan đến khai thác nguồn tài nguyên mới là dữ liệu cá nhân của con người. Nơi mà sự khác biệt công nghệ không chỉ tính bằng vài chục năm.
Thực tế những doanh nghiệp nhỏ của các nước đang phát triển vẫn có thể kiếm tiền dựa trên sự thịnh vượng của các tập đoàn CNTT Mỹ. Nhiều ứng dụng, trò chơi, dịch vụ quảng cáo... chạy trên nền tảng Facebook, Google, Yahoo... có thể đem lại lợi nhuận không nhỏ cho đại lý. Nhưng tất nhiên không ai có thể kiếm nhiều tiền và trở nên mạnh mẽ nếu chỉ chơi theo luật của người khác đưa ra.
Một số quốc gia đang bày tỏ lo ngại về việc người dùng có thể bị thu thập thông tin cá nhân và sử dụng trái với ý muốn của họ. Mối quan ngại trở nên sâu sắc khi có những than phiền của người dùng rằng đã tự xóa đi dữ liệu cá nhân nhưng vẫn còn tồn tại trên Facebook. Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo sẽ có những ngăn chặn với các trang web cố tình thu thập thông tin cá nhân và cung cấp cho các nhà quảng cáo mà chưa được sự đồng ý của người dùng. Nếu không tuân theo các điều luật của EC thì Facebook cũng phải đối mặt với kiện tụng và có thể chịu những khoản phạt rất lớn.
Ở một số nước, như Trung Quốc, Facebook bị cấm và Google cũng như nhiều trang web khác chịu sự kiểm soát rất nghiêm ngặt. Trung Quốc có lợi thế của một thị trường hơn 1 tỉ người nói tiếng Hoa trên toàn cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp trong ngành CNTT của họ rất mạnh, đủ sức nắm vững thị trường tìm kiếm thông tin trực tuyến và mạng xã hội địa phương.
Không thể đem những kinh nghiệm của Trung Quốc và châu Âu áp dụng máy móc vào VN. Tuy nhiên với dân số 90 triệu người và có hệ thống mạng Internet phát triển rất tốt so với các nước đang phát triển khác, người VN đã đóng góp không nhỏ vào thành công của các trang mạng xã hội. Đã đến lúc chúng ta cũng cần đánh giá về nhiều mặt với hoạt động của Facebook và một số trang web khác tại VN, thậm chí có thể yêu cầu họ chia sẻ phần nào những lợi ích từ việc kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của hàng triệu người VN.
Với các quy định hiện nay, rất khó quản lý và theo dõi hoạt động kinh doanh của các mạng xã hội tại VN. Nhưng lượng khách hàng vẫn tăng nhanh hằng năm và họ vẫn thu được lợi nhuận không nhỏ từ hàng chục triệu người Việt thường xuyên vào Internet.
Thông tin cá nhân của chúng ta đang được thu thập và sử dụng để tạo ra hàng tỉ USD cho các tập đoàn Mỹ. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn không hiểu những thông tin cá nhân được họ sử dụng như thế nào, có phù hợp với những gì chúng ta mong đợi không, có vi phạm pháp luật VN không? Có giúp ích gì được cho đất nước chúng ta không? Những lợi ích thu được có xứng đáng với việc hàng trăm ngàn tỉ byte dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người Việt được lưu trữ và liên tục cập nhật tại những máy chủ nằm đâu đó rất xa xôi?
Đó vẫn còn là những câu hỏi chưa có câu trả lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận