22/11/2016 08:55 GMT+7

Thông điệp về khởi nghiệp của Thủ tướng

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đại học phải ươm mầm khởi nghiệp. Đó là thông điệp xuyên suốt trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với thầy trò ĐH Quốc gia TP.HCM và cả trong buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ với ĐH này sáng 20-11.

*** Error ***
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng sách Kính chào thế hệ thứ tư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đại diện lãnh đạo ĐHQG TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Theo Thủ tướng: “Khởi nghiệp là một động lực phát triển quan trọng. Đó có thể là khởi sự và hành động trong các lĩnh vực khác nhau, hướng tới phục vụ cho cộng đồng, cho xã hội, giải quyết những bài toán về con người và sự phát triển bền vững. Do vậy, giá trị của khởi nghiệp không chỉ là thành công tài chính của một dự án kinh doanh, mà còn là giá trị xã hội về tính nhân bản, đem lại sự khác biệt và được xã hội tôn trọng”.

Phải tiên phong khởi nghiệp

Tại đây, Thủ tướng một lần nữa khẳng định khởi nghiệp chính là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Người dân, đặc biệt là lớp trẻ, khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được thử thách, rèn luyện, nâng cao.

Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có được điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần, về thể chế như lúc này.

Từ đó, Thủ tướng cho rằng là một ĐH hàng đầu của cả nước, ĐHQG TP.HCM phải chú trọng xây dựng những kỹ năng cần thiết, ươm trồng những tài năng, những ước mơ khởi nghiệp trong sinh viên.

“Nếu chúng ta khuyến khích những điều này chính là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo trong thế hệ trẻ ngày hôm nay” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng đề nghị ĐHQG TP.HCM tiếp tục triển khai tốt hoạt động của khu công nghệ phần mềm với khẩu hiệu hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường dành cho nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và khuyến khích khởi nghiệp với giải pháp hỗ trợ cụ thể cho ý tưởng khởi nghiệp.

“ĐH này không phải giải quyết việc làm, mà tiên phong khởi nghiệp, phát triển đất nước”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc này, Thủ tướng cho biết các trường ĐH lớn trên thế giới thành lập rất nhiều công ty khởi nghiệp, như ĐH Tokyo có đến 240 công ty khởi nghiệp liên kết với trường, tăng gấp đôi so với cách đây năm năm, trong đó có 16 công ty đã lên sàn với mức vốn hóa thị trường tổng cộng 8 tỉ USD. Hiện nay, hệ thống giáo dục ĐH ở Nhật Bản rất quan tâm đến khởi nghiệp...

Thông tin này khiến lãnh đạo các trường ĐH không khỏi trăn trở. Thực tế, sự hỗ trợ cho sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp mới chỉ dừng lại việc khuyến khích ở các câu lạc bộ khởi nghiệp do Đoàn - Hội sinh viên quản lý, với các cuộc thi mang tính phong trào mà chưa đi vào thực chất.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), cho biết hiện nay ĐHQG TP.HCM đã quan tâm, đầu tư nhất định đến vấn đề khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hiện tại các trường mới có những ý tưởng, dự án chứ chưa thành lập được công ty khởi nghiệp của sinh viên.

"Do các trường ĐH hiện chưa có nhiều kinh nghiệm cho những hoạt động này. Đồng thời sinh viên cũng chỉ có mong muốn được trang bị kiến thức, chưa phải là việc hỗ trợ cho khởi nghiệp...” - ông Dũng nói.

Tận dụng và phát huy điều kiện như thế nào?

Ngay sau buổi làm việc với Thủ tướng, PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) - chia sẻ: “Trường chúng tôi luôn quan tâm, lo canh cánh chuyện dạy cho học trò làm sao có đủ khả năng tạo ra việc làm cho chính mình. Khi sinh viên biết cách tự tạo ra việc làm thì xã hội tức khắc sẽ tốt hơn lên. Lần này nhận được thông điệp của Thủ tướng về câu chuyện khởi nghiệp, chúng tôi cảm thấy có sự đồng cảm và yên tâm hơn trong việc thực hiện cải tiến chương trình đào tạo, đưa sinh viên tiếp cận với thực tế mạnh mẽ hơn nữa. Người đứng đầu Chính phủ đến tận trường ĐH để phát đi thông điệp này chắc chắn là sự động viên, cổ vũ rất lớn để chúng tôi thực hiện mạnh mẽ hơn nữa điều này”.

Trong khi đó, đối với nhiều sinh viên có mặt tại buổi nói chuyện của Thủ tướng, họ đều ấn tượng với câu nói của ông: “Những năm 1970, khi thế hệ của chúng tôi ở cùng độ tuổi với các em hôm nay, nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc điện thoại, vì năm 1973 Hãng Motorola mới chính thức phát minh ra chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới.

Ngày hôm nay, mỗi sinh viên các em đều cầm trên tay một chiếc điện thoại di động, thậm chí với chiếc điện thoại đó các em có thể xem tin tức, học tập, tương tác với bạn bè trong và ngoài nước, có thể kinh doanh, kiếm tiền và khởi nghiệp.

Vì thế, tôi nói với các em là thế hệ các em có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất. Vấn đề chỉ là các em tận dụng và phát huy những điều kiện đó như thế nào”.

Đối với Nguyễn Thị Bé Trà, sinh viên năm 1 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), câu chuyện này của Thủ tướng như một lời căn dặn với chính bạn cũng như giới trẻ hiện nay.

“Giới trẻ đang có quá nhiều điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp. Nhưng vẫn còn không ít bạn trẻ đang sử dụng nhiều thiết bị công nghệ hiện đại mà chưa biết cách khai thác những công cụ này vào những việc bổ ích hơn, cũng như để khởi nghiệp” - Bé Trà nói.

“Thế hệ các em có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất. Vấn đề chỉ là các em tận dụng và phát huy những điều kiện đó như thế nào"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên