30/09/2015 00:10 GMT+7

​Thời tiết ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này thể hiện rõ rệt ở cường độ của El Nino và mức độ khắc nghiệt, khó lường của các cơn bão.

Các chuyên gia thuộc Tổ chức Khí tượng học thế giới cảnh báo, hiện tượng El Nino năm nay dự kiến sẽ lên đến đỉnh điểm vào khoảng từ tháng 10-2015 đến tháng 1-2016 và có thể là một trong những đợt hoành hành dữ dội nhất từng được ghi nhận.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, 70 năm qua, nhiệt độ ở Việt Nam thay đổi rất mạnh, tăng 0,7 - 0,8 độ C trong vòng chưa đến 1 thế kỷ, ở tất cả các vùng trong cả nước. Các quy luật mùa bị phá vỡ, mùa xuân giờ như ngắn lại, mùa hè như dài ra; khi nóng thì rất nóng, khi lạnh thì rất lạnh; các cực trị thay đổi, bão nhiều lên ở một số vùng. Lượng mưa ở Việt Nam giảm, nhưng đã mưa lại rất lớn, hoặc không mưa lại hạn khốc liệt.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cũng nhận định, trong điều kiện El Nino, từ nay đến hết năm 2015, có khả năng sẽ xảy ra khoảng 6 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

hinh-8-1443599135.jpg

Vào những tháng chính của mùa đông (từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016), nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, rét đậm - rét hại có khả năng không kéo dài, tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện các đợt khoảng 4 - 7 ngày. Nhận định chung là mùa đông 2015-2016 sẽ tiếp tục là một mùa đông ấm, ít ngày rét.

Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã từng công bố báo cáo khẳng định con người là thủ phạm gây biến đổi khí hậu và cảnh báo về những hậu quả của hiện tượng trái đất ấm dần lên.

Các dự báo và thống kê cũng cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng về cường độ và mức độ trong thời gian tới nếu chúng ta còn tiếp tục hủy hoại hành tinh xanh như bây giờ.

Vì vậy, thông điệp của Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới nhân Ngày Khí tượng Thế giới năm 2015 đã mang chủ đề “Khí hậu: Nhận thức để hành động” với mục đích nhấn mạnh kiến thức về khí hậu tích lũy trong các thập kỷ vừa qua là nguồn tài nguyên vô giá và là điều kiện tiên quyết để các cơ quan chức năng ra những quyết định và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận từ các kết quả phân tích rằng, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai và cũng có các biện pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai và hiện tượng cực đoan. Trung bình hàng năm số người thương vong và thiệt hại về kinh tế do thiên tai và hiện tượng cực đoan ở Việt Nam so với các nước khác là khá cao, trong khi đó những rủi ro đang ngày càng gia tăng và có thể được xem như là tác động của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng nhưng nếu được quan tâm sẽ có thể làm giảm khả năng tổn thương đáng kể ở các vùng ven biển, vùng đồng bằng, các thành phố cũng như ở các vùng núi, bằng cách đánh giá các biện pháp đã được thực hiện để giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt qua phân tích các hiện tượng cực đoan đã xảy ra trong quá khứ để đưa ra các hành động đối phó với những rủi ro của thiên tai đang ngày càng tăng.

Một trong những bài học được rút ra là phải khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho người dân thông qua các hình thức giáo dục và truyền thông hiệu quả, chỉ rõ mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các cực đoan khí hậu, rủi ro thiên tai.

Những bài học từ ứng phó thiên tai cho thấy thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ nên tập trung vào các giải pháp công trình mà cần có sự kết hợp hài hòa với các biện pháp phi công trình như sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của người dân, kết hợp với các biện pháp cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức, huy động cả hệ thống chính trị - xã hội với việc phân công trách nhiệm ở từng cấp. Việc chia sẻ thông tin kịp thời sẽ phục vụ cho việc xây dựng chính sách, các kế hoạch và biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên