02/02/2014 16:30 GMT+7

Thói quen như nấu ăn mỗi ngày

ĐẶNG HUỲNH MAI ANH
ĐẶNG HUỲNH MAI ANH

TTXuân - Đặng Huỳnh Mai Anh và Đỗ Văn Thiện là hai bạn trẻ, thủ lĩnh môi trường nổi bật trong giới trẻ hiện nay. Từ những chuyến đi, những trải nghiệm qua bao năm hoạt động môi trường, họ viết cho Tuổi Trẻ những câu chuyện của mình và cũng của mọi người.

Đọc, ta sẽ thấy đang có những cách nghĩ mới trong các bạn trẻ về câu chuyện thiết thân với mỗi chúng ta: sống xanh - sống chất lượng - sống đẹp.

Thấy tôi tham gia các hoạt động môi trường, mẹ vẫn hay la: “Bon chen quá đi!”. Vậy mà lạ thay, mọi cảm hứng môi trường của tôi đều bắt nguồn từ mẹ. Mỗi ngày, mẹ gom góp từng niềm vui nhỏ trong việc hôm nay tiết kiệm được bao nhiêu tiền chợ và chẳng thể giải thích thế nào là “biến đổi khí hậu”.

98idr1s4.jpg
Các bạn trẻ tham gia hoạt động tình nguyện trong trang trại ở Missoula, Montana, Mỹ tháng 7 và 8-2013. Đặng Huỳnh Mai Anh ở bìa phải

Mẹ tôi có tư duy thực tế rất đặc trưng của người nội trợ. Tiết kiệm điện, tiết kiệm nước là thói quen hằng ngày cũng như đi chợ là phải trả giá. Nhìn một vỏ lon, mẹ nghĩ ngay ra cách tận dụng: cắt lại và đục lỗ để chặn rác ở miệng cống hay tận dụng quấn len bên ngoài đan áo cho tiện… Mẹ tôi còn có khả năng toán học đáng ngưỡng mộ. Thỉnh thoảng mẹ đem theo máy tính bỏ túi khi đi siêu thị, đứng trước muôn vạn chủng loại hàng hóa, bà sẽ tính xem chọn bịch xà bông giặt quần áo loại 10kg hay 3kg sẽ tiết kiệm hơn.

Sự thực tế và tính toán lợi ích cụ thể của mẹ đã đi vào những dự án môi trường của tôi. Từ chỗ nhìn môi trường ở góc nhìn rằng phải nâng cao nhận thức, phải giáo dục tuyên truyền, phải gây dựng tình yêu Trái đất, mẹ đã khiến tôi nghĩ khác đi: trước cả mục tiêu dài hạn và lớn lao, trước cả những ý nghĩa nhân văn và cao đẹp, bảo vệ môi trường phải tiện lợi và hữu ích cho đời sống. Phải là tiện hơn, rẻ hơn và bảo vệ môi trường chứ không thể thuyết phục bằng hơi mất công một tí nhưng bảo vệ môi trường.

Nguyên tắc xanh của mẹ

Trong hành trình môi trường của mình, tôi đã được đến nhiều phương trời, học hỏi ở những hội thảo quốc tế về môi trường. Giữa những bài học tôi góp nhặt được ở những miền đất xa xôi, dù lớn lao hay nhỏ bé, tôi luôn thấy trong đó hình bóng của mẹ tôi.

Cuối tháng 9-2013, tôi đến Nepal tham gia Diễn đàn thanh niên châu Á - Thái Bình Dương chủ đề “Các vấn đề miền núi và kế hoạch phát triển đến năm 2015” do Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi tổ chức. Tại đây, tôi được nghe giải thích về sự kết nối trong thế giới. Vấn đề môi trường của một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia khác bởi môi trường bao trùm lên tất cả chứ không tách biệt rạch ròi từng lãnh thổ. Nếu băng ở Bắc cực tan chảy thì mực nước ở Việt Nam cũng dâng lên. Nếu một quốc gia bị ô nhiễm không khí thì những quốc gia lân cận cũng chịu chung thảm họa.

Phát triển bền vững là nhìn ra sự kết nối lẫn nhau, nhìn ra cái riêng trong cái chung và quan tâm đến cả những vấn đề cứ tưởng không phải của mình. Điều này tôi nghe rất quen bởi mẹ tôi đã có lần nói đến điều ấy với một quy mô nhỏ bé hơn và gần gũi ngay trước mắt. Mẹ tôi thường đem chổi ra quét lối đi trong xóm, tạt nước cho đỡ bụi và quét ráo những vũng nước mưa. Tôi cứ thắc mắc sao mẹ phải nhọc công lo cho lối đi chung, rồi nghĩ mẹ là người phụ nữ sống vì người khác. Song mẹ tôi giải thích: “Bụi bay vào nhà mất công lau hết cái nhà. Đường nước mưa lầy lội, chiều con đi học về ngang qua đem theo bùn sình vô nhà lại phải dọn dẹp, giặt giũ. Nên thôi bỏ ra mươi phút quét đường cho rồi!”.

Còn nhớ tháng 11-2012, khi tôi đến thành phố Leverkusen của Đức tham dự chuyến du khảo sinh thái dành cho 50 đại sứ môi trường đến từ 19 quốc gia. Các bữa ăn chúng tôi thường ăn kiểu buffet. Cậu bạn người nước ngoài ngồi cùng bàn tôi lấy thức ăn quá nhiều. Đến lúc cậu có vẻ đã no mà đĩa thức ăn vẫn còn quá nửa, cậu cứ vô tư để lại mớ thức ăn thừa đó và rời khỏi bàn. Một nhân viên phục vụ liền giữ cậu lại và đề nghị ăn hết những thức ăn cậu đã lấy. Nhắc nhở rất thẳng thắn, không sợ mất lòng, không sợ làm cậu bạn bẽ mặt giữa bạn bè từ nhiều nước khác. Sự nguyên tắc ở Đức khiến tôi nhớ đến mẹ.

Mẹ có vô vàn nguyên tắc trong gia đình mà cha con tôi phải khốn đốn làm theo, từ tắt điện khi ra khỏi phòng cho đến giữ lại cái chai nhựa… Kèm theo là muôn vàn hình phạt cho ai vi phạm: giặt đồ một tuần, lau nhà một tuần, rửa chén một tuần (cha tôi thì có thêm lựa chọn đóng tiền phạt). Ban đầu cha con tôi phàn nàn, sau đó quen dần, nhưng rồi mẹ tôi lại cập nhật thêm những nguyên tắc mới. Bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề nâng cao nhận thức mà còn là chuyện hình thành nên thói quen. Thói quen có thể hình thành bằng giáo dục mềm mỏng, nhưng nên chăng chúng ta cần những nguyên tắc nghiêm khắc và quyết liệt hơn?

Cách sống mới

Những suy nghĩ về mẹ theo tôi đến cả đất Mỹ trong chương trình tìm hiểu nước Mỹ dành cho thủ lĩnh sinh viên về vấn đề môi trường toàn cầu tại Mỹ vào tháng 7 và 8-2013. Tôi có cơ hội được đến sống cùng một gia đình kiểu Mỹ trong hai ngày cuối tuần. Chưa bao giờ tôi thấy việc nội trợ lại nhanh chóng và tiện lợi như thế. Nấu một bữa ăn chỉ mất 5 phút vì chỉ cần cho đồ hộp vào lò vi sóng. Tôi nghĩ đến mẹ và ước gì mẹ có được tất cả những tiện ích này thì chắc mẹ thích lắm. Vậy mà khi kể cho mẹ nghe thì mẹ tôi bảo: “Vậy thì mẹ thất nghiệp à? Như vậy còn gì là công việc nội trợ! Không có gì thi vị”.

Ngày hôm sau, trong những bài giảng tôi mới hay tiêu dùng quá nhiều, lệ thuộc vào đồ hộp và các sản phẩm hóa chất là vấn đề môi trường ở Mỹ. Tủ lạnh của họ chật cứng đồ đông lạnh và thùng rác đầy ắp vỏ hộp. Ở nước Mỹ hiện đại, họ đang hướng về những sản phẩm hữu cơ, những cách làm truyền thống và tự nhiên. Trước đây tôi cứ nghĩ mẹ tôi “sống xanh” để tiết kiệm tiền nhưng thì ra có những thứ còn lớn hơn cả lợi ích, đó là niềm vui. Mẹ tôi tiết kiệm từng chai nhựa không phải vì gia cảnh thiếu thốn mà vì mẹ tôi thích cảm giác tận dụng được chút điện, chút nước, chút đồ ăn dư. Mẹ tôi tỉ mỉ cắt chanh bỏ vào tủ lạnh để khử mùi thay vì dùng các loại hóa chất vì đối với mẹ tôi, việc đó vui như nấu một nồi canh từ những nguyên liệu tươi ngon. Bên cạnh khía cạnh thực tế, nội trợ có cả nét thi vị trong những hành động xanh.

Càng đi nhiều tôi càng nhận ra thêm những lý do khiến ta phải hành động xanh. Sống xanh có thể là một giải pháp, một nguyên tắc sống hay một sở thích. Tôi vẫn cho rằng sống xanh chẳng phải một cách sống mới. Nó vốn dĩ đã tồn tại nhiều năm nay giữa chúng ta. Chiếc lon sữa được giữ lại để đong gạo - đó là tái chế. Dùng báo cũ để gói đồ - đó là tái sử dụng. Gom chai lon để bán ve chai - đó cũng là việc làm rất “xanh”.

Giữa rất nhiều giấc mơ về môi trường, tôi chỉ có một giấc mơ dai dẳng nhất đó là sống xanh sẽ trở thành một thói quen như việc nấu ăn mỗi ngày, mà trong đó mọi người sẽ tìm thấy cả trách nhiệm, niềm vui và tận hưởng thành quả của mình như tận hưởng một món ăn ngon.

Đặng Huỳnh Mai Anh, 22 tuổi, sinh viên năm 4 khoa quản trị kinh doanh ngành kinh doanh quốc tế ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM. Mai Anh đã tham dự nhiều hoạt động môi trường toàn cầu như Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới 2012 tại London (Anh) tháng 11-2012, chương trình Tìm hiểu về nước Mỹ dành cho thủ lĩnh sinh viên về vấn đề môi trường toàn cầu tại Mỹ vào tháng 7 và 8-2013, Diễn đàn thanh niên châu Á - Thái Bình Dương chủ đề “Các vấn đề miền núi và kế hoạch phát triển đến năm 2015” vào tháng 9-2013... Cô đoạt giải ba cuộc thi viết “Sống xanh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2013 với bài viết “Lý lẽ của mẹ”.

Đặng Huỳnh Mai Anh cũng là người biên soạn cuốn sách Sổ tay xanh (Trí Việt First News, NXB Thời Đại) với 165 mẹo sống xanh, xuất bản năm 2013.

ĐẶNG HUỲNH MAI ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên