08/02/2015 10:45 GMT+7

​Thói quen im lặng

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Một cuộc họp mới đây của Sở GD-ĐT Hà Nội đề cập tới nội dung đổi mới đánh giá học sinh tiểu học “bỏ chấm điểm, tăng nhận xét” đang rất nóng, nhưng hơn 700 hiệu trưởng trường tiểu học không một ai có ý kiến!

Sự im lặng tuyệt đối này khiến ông phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội gần như phải độc thoại. Điều này chỉ có hai lý do để giải thích. Một là việc thực hiện quá ổn. Hai là không ai dám nói, muốn nói vì họ sợ, vì họ thiếu niềm tin vào việc được cấp trên lắng nghe, thấu hiểu.

Khả năng thứ hai có lẽ có căn cứ hơn khi chính vị lãnh đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội đã khẳng định: “Tôi biết vẫn có các thầy, cô còn băn khoăn, thắc mắc”! 

Cá nhân ông khi đi kiểm tra thực tế tại các nhà trường cũng nhận ra nhiều thầy cô không hiểu đúng tinh thần thông tư 30 nên việc ghi chép sổ sách quá nhiều, gây quá tải, khó khăn cho công việc chuyên môn. Sự im lặng của 700 hiệu trưởng quả không phải vì họ không có điều gì cần nói. Thực tế được ghi nhận ở nhiều nhà trường cũng cho thấy đang có quá nhiều vấn đề phát sinh cần được thẳng thắn lên tiếng, góp ý, bày tỏ. Nhưng không chỉ giáo viên mà các hiệu trưởng, rồi trưởng phòng giáo dục cũng lựa chọn giải pháp không nói, trên bảo sao, dưới chấp hành như vậy. Ấm ức thì chỉ dám nói ngoài hành lang các cuộc họp, thì thầm với nhau.

Nhìn rộng hơn thì có thể thấy sự bất thường của cuộc họp có trên 700 hiệu trưởng im lặng cũng chỉ là vấn đề bình thường trong môi trường giáo dục đang được đánh giá là mất dân chủ nhiều nhất hiện nay.

Bộ chỉ đạo sở, sở chỉ đạo phòng giáo dục, phòng giao việc cho hiệu trưởng, hiệu trưởng áp xuống giáo viên... Cơ chế chỉ có một chiều từ trên xuống dưới đó đã trở thành lối mòn... Bản lĩnh của giáo viên khi bị đặt vào lối mòn đó cũng được bào mòn theo năm tháng. Không dám, không muốn và không hi vọng vào một sự đổi khác bằng sức mạnh nhỏ nhoi của bản thân mình, đó là suy nghĩ của không ít giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, những người đang phải chịu sự quản lý, kiểm soát về chuyên môn của nhiều cấp quản lý khác nhau. Những giáo viên thật sự còn giữ cho mình “tinh thần phản biện” và năng lực sáng tạo không tránh khỏi cảm giác cô đơn trong một môi trường “im lặng là vàng”.

Thói quen im lặng, thói quen chấp hành cấp trên trong ngành giáo dục âu cũng là đoạn nối dài của bức tranh giáo dục áp đặt một chiều tồn tại hàng chục năm qua. Có biết bao thế hệ học sinh được dạy dỗ theo cách áp đặt từ tấm bé. Thầy nói gì cũng đúng, trò buộc phải chấp hành. Những ý kiến trái chiều, những suy nghĩ cá nhân, độc lập khó có thể len lỏi vào môi trường giáo dục phổ biến như vậy. Hơn một năm qua, Bộ GD-ĐT cũng nỗ lực đưa các mô hình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới nhằm phát huy tính tích cực của học sinh.

Nhưng việc này vấp phải nhiều khó khăn, trong đó cản trở lớn nhất vẫn là quan điểm dạy học một chiều ăn sâu vào nhiều thế hệ. Đứa trẻ khi bước vào tiểu học, rồi đến khi trưởng thành đều phải làm quen với cách áp đặt từ trên xuống. Sản phẩm giáo dục đó, được đặt trong môi trường giáo dục một chiều đó đã hình thành thói quen phục tùng, thói quen im lặng để yên thân như nhiều người trong ngành giáo dục đã và đang làm.

Im lặng đã nuôi dưỡng sự giả tạo, những thành tích ảo, những thành công được nhìn nhận phiến diện.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên