28/10/2014 13:55 GMT+7

​Thời khó của nhiếp ảnh gia

QUANG THI
QUANG THI

TT - Dù là những tên tuổi bán ảnh thuộc hàng “ngôi sao” một thời đi nữa thì giờ đây các nhiếp ảnh gia nổi tiếng cũng phải chép miệng than vì đang... khó sống với nghề!

Một buổi sáng tác ảnh trên chợ nổi Cần Thơ của các nhiếp ảnh gia - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Có một thời các nhiếp ảnh gia đầu tư tiền bạc, công sức, thời gian... cho những chuyến đi chụp ảnh dài ngày. Kho ảnh chụp phong cảnh thiên nhiên, đất nước, con người... ấy sẽ hữu dụng mỗi khi đến mùa bán ảnh.

Nhiếp ảnh gia Ðào Hoa Nữ cho biết mùa bán ảnh cho thị trường làm lịch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 mỗi năm, những tên tuổi như Ðào Hoa Nữ, Hoàng Thế Nhiệm, Kim Sơn, Nguyễn Trung Thu... bán được từ 100-200 bức ảnh.

Thu nhập mỗi mùa lịch như vậy của mỗi nhiếp ảnh gia từ 300-500 triệu đồng. Ðó là một nguồn thu nhập đáng kể, chưa kể tiền bán ảnh cho những nguồn khác như quảng cáo, dịch vụ...

Thế nhưng, giờ đây những chuyến đi chụp ảnh dài ngày của các nhiếp ảnh gia ngày một thưa thớt. Ngay một người “hăng” đi nhất như Hoàng Thế Nhiệm - người được xem là “vua” chụp ảnh phong cảnh VN - giờ đây cũng chỉ muốn... nằm nhà chờ thời.

Anh lý giải: “Thị trường bán ảnh cho lịch giờ đây không nhiều người mua nữa. Những ảnh quảng cáo nho nhỏ người ta có thể tải trên mạng. Thỉnh thoảng có những dự án quảng cáo lớn, đòi hỏi ảnh chất lượng cao thì họ mới gọi mình. Nhưng nhu cầu đó cũng không nhiều”.

Từ khi nhu cầu mua ảnh giảm, Hoàng Thế Nhiệm đầu tư cho những dự án triển lãm ảnh ở nước ngoài. Nhưng rồi thời buổi kinh tế khó khăn, việc triển lãm cũng không được khả quan lắm.

“Hiện giờ chỉ biết nằm nhà chờ thời thôi. Thỉnh thoảng ai hỏi mua ảnh gì thì bán ảnh đó” - Hoàng Thế Nhiệm tâm sự.

Chuyện nhu cầu mua ảnh giảm được các nhiếp ảnh gia “mổ xẻ” với nhiều nguyên do.

Hoàng Thế Nhiệm cho rằng giờ đây với sự hỗ trợ của máy móc, phương tiện chụp ảnh hiện đại, người ta có thể tự chụp những bức ảnh thông thường. Hơn nữa, nguồn ảnh trên Internet bây giờ rất phong phú và rất dễ dàng tải xuống. Chính vì vậy thị trường chỉ “nhờ” đến các nhiếp ảnh gia nổi tiếng khi yêu cầu chất lượng ảnh cao, chuyên nghiệp.

Nhiếp ảnh gia Ðào Hoa Nữ nói: “Ngày nay, nhiều bạn trẻ có đầy đủ thời gian, tiền bạc, phương tiện... để đi khắp nơi chụp ảnh. Họ chỉ cần theo các nhiếp ảnh gia nổi tiếng đi vài chuyến là có đủ kinh nghiệm chỗ nào chụp đẹp, khoảnh khắc nào chụp đẹp... Họ không sống bằng nghề nhiếp ảnh nên giá bán ảnh đối với họ cũng không quan trọng, chỉ cốt là vui, có tiếng tăm”.

Bị “cạnh tranh” như vậy khi nhu cầu mua ảnh chỉ giảm chứ chưa thấy tăng khiến các “ngôi sao” bán ảnh một thời đang cảm giác cái thời của mình đã qua. Những mùa bán ảnh lịch trước, nhiếp ảnh gia Kim Sơn cho biết anh bán được hơn 100 bức, thu nhập vẫn khá. Nhưng tình hình bán ảnh ảm đạm hiện nay khiến anh chỉ lắc đầu: “Bây giờ các nhiếp ảnh gia đâu sống nổi bằng nghề!”.

Còn Ðào Hoa Nữ bảo: “Hiện tại nguồn thu của tôi là làm sách ảnh, hoặc có những dự án ai kêu gì thì làm đó. Ðâu thể chỉ mong chờ vào một nguồn bán ảnh như trước đây!”.

Nhiếp ảnh dịch vụ cũng “vật vã”

Tương tự các nhiếp ảnh gia bán ảnh, các nhiếp ảnh gia làm dịch vụ cũng đang “vật vã” với thị trường. Một tên tuổi nổi tiếng là Hoàng Trưởng cho biết Sài Gòn từng là nơi lý tưởng cho các dịch vụ ảnh cưới, khi mà ngày nào cũng có người tổ chức đám cưới.

Tuy nhiên, khó khăn của dịch vụ ảnh cưới lúc này khiến các tên tuổi lớn phải “lui” vô hẻm cho đỡ chi phí, thay vì đặt văn phòng ở những mặt tiền đường lớn như trước đây.

Theo nhiếp ảnh gia Hoàng Trưởng, những tên tuổi lớn có thương hiệu trong làng ảnh cưới thường phải “nuôi” một đội ngũ nhân viên lo các khâu photoshop, dụng cụ, ánh sáng, chăm sóc cô dâu... Theo anh, đó là đòi hỏi của một nghề ảnh cưới chuyên nghiệp, để tạo nên một bức ảnh cưới như một sản phẩm văn hóa có thể lưu giữ nhiều thế hệ.

Trong khi những người làm dịch vụ gần đây không cần bộ máy nhân viên “cồng kềnh” mà họ chỉ cần thuê những sinh viên mới ra trường, không đặt nặng về thu nhập.

“Ðội ngũ chụp ảnh bán thời gian như vậy nhiều lắm, dịch vụ ảnh cưới cũng ra nhiều. Cung vượt cầu, gặp lúc thời buổi kinh tế khó khăn, nên lời 500.000 đồng hay 1 triệu đồng họ cũng làm. Bỏ nghề thì buồn, cũng không biết làm gì, chứ bây giờ đúng thật là chúng tôi đang khó!” - Hoàng Trưởng than thở.

 

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên