Phóng to |
Kiều Lan kiểm tra độ khô của gốm thô để cho vào lò nung - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ |
“Đôi lúc đuối người lắm nhưng phải cố. Khách hàng là phần thưởng lớn nhất với bà con Bàu Trúc giữa lúc làng nghề đang gặp khó khăn...” - Kiều Lan mồ hôi tươm ướt áo nói về làng gốm được xem là cổ xưa nhất Đông Nam Á này.
Hồn thiêng của đất sét và lửa
Kiều Lan vốn là nghệ nhân duy nhất được Bảo tàng Dân tộc học VN mời biểu diễn tay nghề ngay tại bảo tàng để giới thiệu với hoàng hậu Na Uy Sonja và phái đoàn về nền văn hóa Chăm, nhân chuyến thăm của Hoàng hậu cùng Nhà vua Na Uy đến nước ta hồi tháng 11-2004...
Kiều Lan cho biết đây không phải là lần đầu cô “mang chuông đi đánh xứ người”. Trước đó, Kiều Lan đã được Bảo tàng Dân tộc học VN mời đến để thao tác nghề nghiệp phục vụ việc nghiên cứu của các nhà chuyên môn cũng như phục chế một số hiện vật gốm bị hư hỏng cho bảo tàng.
“Người Chăm nói ai đi xa sẽ học được cái hay cái lạ. Ra bảo tàng hồi năm ngoái, ngoài việc học hỏi được nhiều điều mới lạ về gốm cổ, mình còn tự tin hơn” - Kiều Lan nhắc lại...
Tuy là làng gốm cổ nhất vùng còn tồn tại đến nay, nhưng số nghệ nhân hiện có ở Bàu Trúc không nhiều, trong đó số nghệ nhân trẻ không có mấy người; và với tuổi 29 Kiều Lan được xem là nghệ nhân trẻ nhất làng. Điều đáng nói, cô thợ “nhóc con” Kiều Lan dưới mắt những lão tiền bối ở làng nghề này lại là người “già tay” nhất trong việc tạo tác những sản phẩm gốm Chăm mỹ nghệ có phong cách cổ xưa đang được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chuyện tra thêm hồn cổ cho gốm hiện đại của Kiều Lan như cuộc “lội ngược dòng” gian nan nhưng cũng đầy lý thú. Thấy trước được viễn ảnh không mấy sáng sủa của nghề gốm, dù học được nghề gốm ở tuổi 13, học xong lớp 9, Kiều Lan phải đành giã từ cái trại gốm sau hè của mẹ để đi học may về mở tiệm giúp gia đình.
“Mươi năm trước chính mình cũng không nghĩ có ngày sẽ quay về với nghề của ông cha. Có cái gì đó linh thiêng lắm khiến mình lại quay về với đất sét, với ngọn lửa...” - Kiều Lan nói. Cái linh thiêng ấy Kiều Lan không lý giải nhưng đó chính là nỗi say mê được nhào nặn mớ đất sét mượt mà để tạo nên những vật thể sinh động, được nhìn ngọn lửa lung linh tạo nên một phần sắc màu và độ chắc bền cho sản phẩm.
Và năm 1998, dù đang khá đắt khách với nghề may, Kiều Lan đã trở lại với cái trại gốm sau hè hiện đang bỏ phế của mẹ.
Gốm Bàu Trúc và Kiều Lan
Phóng to |
Tạo hoa văn dây thừng nổi cũng như nhiều màu (đen, xám, đỏ...) trên cùng một sản phẩm là một vài thủ pháp trang trí tạo nét cổ cho sản phẩm của Kiều Lan - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ |
May mắn, không lâu sau ngày Kiều Lan trở lại với nghề cũ là lúc Bàu Trúc manh nha mở ra việc sản xuất gốm mỹ nghệ. “Có lối đi cho mình rồi đây!” - Kiều Lan tự nhủ khi thấy những sản phẩm mới của làng bước đầu đã được khách ở TP.HCM ưa chuộng.
Nhưng khi nhìn đi nhìn lại những sản phẩm gốm có da trơn láng, có độ cân xứng tựa như là được rập khuôn, Kiều Lan tự vấn rằng đây có phải là phong cách của Bàu Trúc, rằng bỏ đi cái cốt cách của nền gốm được lưu lại bởi cha ông có phải là điều đáng tiếc?
Tự tìm hướng đi cho mình, từ những mẫu hình gốm truyền thống của Bàu Trúc, Kiều Lan mày mò tạo ra những sản phẩm gốm mỹ nghệ mới với đặc trưng riêng, khác hẳn những mặt hàng gốm mỹ nghệ hiện đang có ở làng.
Kiều Lan nói say sưa về dòng gốm Bàu Trúc: “Cái hồn của gốm Bàu Trúc nằm ở chỗ mỗi sản phẩm lại có hình dáng riêng, gần như không bao giờ có hình cân xứng, da gốm thì không quá trơn tru, bóng láng, còn màu sắc, hoa văn thì thường thô mộc, tự nhiên”. Nhưng khách hàng đã sớm nhận ra được điều đó.
Kiều Lan cho biết một lô hàng bị cô xếp bỏ một góc chái vì bị nứt và sứt mẻ (do lúc ra lò gặp gió lớn tạt vào) nhưng lại được khách nằng nặc đòi mua hết khi cho rằng chính cái sần sùi, nứt nẻ, thô mộc đó là cái hồn, nét đẹp của gốm Chăm cổ.
Gần bốn năm đưa gốm Bàu Trúc thi thố với thương trường, không thể kể hết những gì cô thợ trẻ đã làm để đưa sản phẩm đến khách hàng - những người rất mẫn cảm trước sản phẩm mà tiêu chí hàng đầu là phải toát lên cái hồn cổ. Đó cũng chính là nỗi lo lắng mỗi khi cầm trên tay mớ đất sét của cô chủ trẻ này, của người làm sản phẩm mỹ nghệ dựa trên truyền thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận