15/09/2023 14:03 GMT+7

Thoát nạn và ứng cứu ra sao khi xảy ra cháy?

Khi xây nhà hoặc thuê nhà cần lưu ý gì về PCCC? Ở nhà cao tầng cần trang bị gì? Nếu chẳng may xảy ra cháy thì thoát nạn ra sao?... cán bộ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giải đáp trên tuoitre.vn.

Xe cứu hỏa và chiến sĩ chữa cháy được điều đến hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ - Ảnh: DANH TRỌNG

Xe cứu hỏa và chiến sĩ chữa cháy được điều đến hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ - Ảnh: DANH TRỌNG

Vụ cháy chung cư mini 9 tầng tại số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để lại biết bao đau xót với 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương.

Thời điểm xảy ra cháy, có người leo lên tầng thượng, có gia đình phá cửa ban công trèo ra ngoài, có người nhảy từ tầng cao xuống... Có gia đình 3 đứa trẻ và 4 người lớn đều không qua khỏi. Nhiều gia đình khác, sau một đêm, cha mẹ bỗng mất con, trẻ thơ bỗng mồ côi cha mẹ.

Thông tin về công tác phòng cháy chữa cháy, báo cáo của Chính phủ cho biết từ 31-10-2022 đến 31-7-2023, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỉ đồng (giảm 30,37%)...

Chính phủ nhìn nhận nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất cao. Nhiều vụ cháy thiệt hại về người và tài sản rất lớn một phần do người dân chưa nắm rõ các quy định về phòng cháy chữa cháy, chưa có kỹ năng thoát nạn, ứng cứu khi xảy ra cháy nổ...

Làm gì để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy? Khi xây nhà cần lưu ý gì để phòng "bà hỏa" ghé thăm? Ở nhà thuê, nhà trong hẻm nhỏ không có lối thoát hiểm phải làm sao? Sống ở chung cư/nhà cao tầng cần trang bị gì? Nếu chẳng may đang ở tầng cao lúc xảy ra cháy thì thoát thân ra sao?...

Nhằm cung cấp cho người dân kiến thức phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm cũng như ứng cứu người bị nạn khi xảy ra cháy... Tuổi Trẻ Online tổ chức buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Thoát nạn và ứng cứu khi xảy ra cháy", từ 14h30 - 16h30 ngày 15-9, với sự tư vấn của thiếu tá Nguyễn Danh Luân - cán bộ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Thiếu tá Nguyễn Danh Luân giới thiệu và hướng dẫn một số vật dụng phòng cháy, chữa cháy, phòng độc - Ảnh: NAM TRẦN

Thiếu tá Nguyễn Danh Luân giới thiệu và hướng dẫn một số vật dụng phòng cháy, chữa cháy, phòng độc - Ảnh: NAM TRẦN

Đặt câu hỏi đến
Gửi câu hỏi
Trương Văn Quân:
Nhà tôi 3 tầng, nằm trong hẻm xe cứu hỏa không vô được, chỉ có 1 cửa ra vào, 1 giếng trời đã bịt kín để chống trộm. Giờ tôi phải làm gì để dự phòng nguy cơ cháy? Có cần làm thang thoát hiểm phía ngoài không? Xin cảm ơn!
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Gia đình cần mở lối giếng trời ra, làm mái che để tránh mưa nắng. Việc mở giếng trời giúp tạo lối thoát nạn phụ khi lối cửa chính bị nhiễm khói lửa không thể thoát ra được. Nếu còn diện tích đất thì mở thang sắt ngoài nhà.

Định Nguyễn:
Giữa thang dây thoát hiểm và dây thừng thoát hiểm nên lựa chọn loại nào an toàn hơn ạ. Cảm ơn thiếu tá Luân!
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Tùy vào ngôi nhà, nếu ở chung cư cao tầng thì dùng thang dây thoát hiểm sẽ an toàn. Nếu ở nhà ống, nhà liền kề thấp tầng, nên sử dụng dây thừng thoát hiểm.

Nguyễn Hoài An:
Có ý kiến như này: "Khó mà cứu hộ mỗi khi có cháy. Có rà soát hay kiểm tra cho kỹ cũng không bao giờ hiệu quả. Lý do, dây điện thì y như mạng nhện. Nhà thì trong hẻm cùng hẻm cụt. Nhà nào cũng rào khung cửa chống trộm chống cướp. Đường xá thì không thông thoáng để xe chữa lửa tới kịp tới nhanh hiện trường. Từ khi bắt đầu cháy cho tới khi xe cứu hỏa tới nơi cũng xong hết 1/2 phần thiêu rụi rồi". Xin hỏi bên PCCC có ý kiến gì và liệu có kiến nghị gì đối với những phản ảnh của người dân?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Việc tự kiểm tra an toàn PCCC đối với các hộ gia đình là rất cần thiết. Chủ căn hộ cần thường xuyên kiểm tra về hệ thống các thiết bị liên quan nguồn lửa, nhiệt, thiết bị điện để sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng.

Khi lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện, cần kiểm tra nguồn dây dẫn điện có chịu tải được không, như vậy sẽ giảm thiểu được nhiều vụ cháy liên quan nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện liên quan đến ngôi nhà.

Đối với các ngôi nhà nằm sâu trong ngõ hẻm, khi xảy ra cháy, lực lượng cảnh sát PCCC khó tiếp cận chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức kỹ năng an toàn PCCC cho các thành viên trong gia đình sẽ giúp công tác phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, thiệt hại do cháy nổ xảy ra.

bình chữa cháy
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân giới thiệu và hướng dẫn một số vật dụng phòng cháy, chữa cháy, phòng độc - Ảnh: NAM TRẦN
Nguyệt Nhi:
Nếu đang thoát khỏi đám cháy mà chợt nhớ còn người thân vẫn mắc kẹt hoặc không biết chính xác người đó đã thoát ra hay chưa, mình có nên quay lại tìm kiếm?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Tùy vào từng tình huống, nếu ngôi nhà cháy không bị nhiễm khói/khí độc thì có thể quay lại tìm người thân, còn nếu nhà cháy bị nhiễm khói khí độc thì nhanh chóng chạy ra ngoài, không được quay trở lại và chờ cảnh sát cứu nạn cứu hộ đến giải cứu người mắc kẹt.

Nguyễn Long Triều:
Xin cho hỏi thiếu tá. Qua vụ cháy chung cư thì mới thấy kỹ năng thoát hiểm khi gặp những tình huống cháy hay những tình huống khác cần sơ cứu của người dân mình còn rất yếu. Thì mình có nên tổ chức ra nhiều những khóa học về các kỹ năng tự thoát hiểm hay sơ cứu khi cần thiết hay có cách nào để nâng cao cho người dân không ạ?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Việc tổ chức các lớp kỹ năng thoát hiểm thoát nạn này là cực kỳ quan trọng, nên các bậc phụ huynh nên cho con em mình tham gia để có các kỹ năng thực tế để có thể xử lý trong tình huóng cụ thể.

Thanh Thanh:
Nhà trong hẻm nhỏ, có sân thượng, nếu không may nhà hàng xóm sát vách mình bị cháy, mình nên làm gì? Mong được hướng dẫn càng chi tiết càng tốt ạ, cảm ơn ạ!!
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Nhanh chóng sử dụng các vật dụng đệm, mút xốp để lên mặt trần, nếu có bàn ghế, thang thì có thể hỗ trợ để những người bên nhà hàng xóm thoát nạn sang sân thượng nhà mình.

Nguyễn Thị Khương:
Nếu xảy ra cháy, không còn đường thoát khác mà bắt buộc phải băng qua khu vực có lửa, khói thì mình phải làm gì?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Nhanh chóng sử dụng chăn, mền, vải có diện tích lớn nhúng nước trùm lên người và băng qua.

Thạch Thị Kim Thanh:
Người dân ở trong chung cư, nhà cao tầng cần trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy nào để thoát nạn?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Cần trang bị phá dỡ như búa, rìu, mặt nạ lọc độc, dây hạ chậm... để có thể thoát nạn một cách an toàn.

Lê Thị Thảo:
Có nên nhảy từ trên tầng cao xuống để thoát nạn hay không?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Không nên nhảy xuống vì rất dễ dẫn đến bị tử vong, thậm chí còn gây nguy hiểm cho những người phía dưới.

GLTT PCCC_2
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân - cán bộ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - đang giải đáp câu hỏi của bạn đọc Tuổi Trẻ về an toàn phòng cháy chữa cháy - Ảnh: NAM TRẦN
Hải Triều:
Khi có nhiều người cùng chạy trong một lối thoát nạn như cầu thang, buồng thang thoát nạn thì cần xử lý như thế nào?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Nếu không có khói thì mọi người bình tĩnh để thoát ra ngoài. Nếu cầu thang bộ phía dưới nhiễm khói, chúng ta nhanh chóng di chuyển lên phía trên vào một căn hộ nào đó để lánh nạn. Tuyệt đối không được chạy xuống dưới vì rất dễ bị ngạt khói và tử vong.

Duy Toàn:
Vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại cả về người và tài sản, trong đó thiệt hại về người chủ yếu là do bị ngạt khói và tạt lửa khi thoát khỏi đám cháy. Cục PCCC cho tôi hỏi, mình mở cửa phòng tránh lửa tạt từ bên ngoài khi thoát khỏi đám cháy như thế nào?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Khi di chuyển ra cửa, tuyệt đối không thò mặt ra, người phải nấp sau cánh cửa. Dùng mu bàn tay chạm vào tay nắm cửa, cánh cửa. Nếu nhiệt độ cao tuyệt đối không mở cửa ra. Nếu nhiệt độ thấp thì từ từ mở cửa ra, kiểm tra nhiệt độ chênh lệch giữa hành lang và trong phòng, từ đó di chuyển thoát nạn nếu không có chệnh lệch nhiệt độ lớn.

Bùi Văn Bé Hai:
Khi xảy ra cháy, trong phòng không có dây thừng, thang dây thì cần làm gì để thoát xuống dưới?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Có thể sử dụng rèm cửa, quần áo, chăn, màn buộc lại và buộc cố định vào một vị trí để tụ xuống dưới thoát nạn.

thang dây pccc
Một chiếc thang dây người dân dùng thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội đêm 12-9 - Ảnh: HỒNG QUANG
Trương Thị Thùy Linh:
Khi phát hiện đám cháy bùng phát trong nhà mình thì cần phải làm gì? Nếu lửa lớn không thể dập thì làm sao?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Đầu tiên báo động cho các thành viên trong gia đình được biết để thoát nạn, đồng thời hô hoán báo cháy cho những người xung quanh. Ngắt cầu dao điện khu vực bị cháy. Sử dụng các phượng tiện chữa cháy ban đầu để dập tắt đám cháy.

Nếu lửa cháy lớn không thể dập thì nhanh chóng di chuyển ra lối thoát nạn an toàn, đồng thời gọi báo cho 114.

Bảo An:
Trong lúc tìm cách thoát khỏi đám cháy, lửa tác động dẫn đến quần áo bị bén cháy thì nên làm gì?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Nếu quần áo của bạn bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa.

Minh Tâm:
Nhà hàng xóm xảy ra cháy, có người bị mắc kẹt ở trên tầng cao, tôi có nên mang tấm đệm hoặc túi khí trải xuống đất cho họ nhảy xuống không?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Tùy vào vị trí đám cháy phát triển ra sao, ở tầng nào. Trong trường hợp không thể thoát được thì nhảy xuống dưới là trường hợp bất khả kháng, lựa chọn cuối cùng.

Người dân ở ngoài có thể cứu nạn nhân mắc kệt bằng cách phá rào, phá tường hướng dẫn họ đi đến các lối thoát nạn thấp hơn. Chúng ta không nên nhảy từ trên tầng cao xuống dưới để thoát nạn vì gây nguy hiểm cho cả người nhảy và cả những người ở phía dưới.

GLTT PCCC NAM TRAN
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân cung cấp thông tin về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy - Ảnh: NAM TRẦN
Quách Dương:
Có 1 nhà ở khu tôi xây lên 5 tầng rồi chia phòng cho thuê, chỉ có 1 lối ra vào chung, không an toàn PCCC. Với những trường hợp kém an toàn hoặc vi phạm PCCC, người dân có thể báo đến ai để cơ quan chức năng kiểm tra và bắt buộc khắc phục?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Tùy vào quy mô diện tích, chúng ta có thể báo cho UBND cấp phường hoặc đơn vị PCCC cấp quận biết để họ nắm được thông tin.

Trần Văn Bình:
Khi nhà gần mình bị cháy, mình nên làm gì để hỗ trợ họ trong lúc chờ cảnh sát chữa cháy? Trong trường hợp cháy nhà cao tầng và có người bị kẹt, thì những người xung quanh có thể làm gì để giúp?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Khi nhà hàng xóm bị cháy, chúng ta nhanh chóng hô hoán báo động nhà xung quanh sử dụng các phương tiện chữa cháy được trang bị của nhà mình hoặc của các căn hộ xung quanh để phối hợp dập lửa.

Đồng thời nếu phát hiện có người mắc kẹt thì nhanh chóng sử dụng các vật dụng như chăn nhúng nước để tiếp cận cứu người bị nạn.

Ngọc Hạnh:
Mặt nạ chống độc mình nên mua ở đâu để đảm bảo hàng thật ạ? Đợt trước tôi đi tập huấn PCCC, được giới thiệu mua mặt nạ chống độc, mới đây lấy ra kiểm tra thì không thấy hạn sử dụng và toàn chữ nước ngoài nên không biết làm gì với nó...
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Mặt nạ phòng chống khói khí độc nên mua ở các cơ sở kinh doamh dịch vụ PCCC có uy tín. Khi mua các thiết bị này cần kiểm tra kỹ các thông số kỹ thuật.

Đối với các phương tiện thiết bị nhập khẩu cần kiểm tra CO, CQ, Catalog của các thiết bị này để đảm bảo các thiết bị là hàng chính hãng có nguồn gốc xuất xứ.

GLTT PCCC NAM TRAN
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân giới thiệu và hướng dẫn một số vật dụng phòng cháy, chữa cháy, phòng độc - Ảnh: NAM TRẦN
Chú Tư:
Lúc cháy mình có nên chui vô tủ quần áo, nhà vệ sinh chờ được cứu? Tôi đọc thấy có trường hợp thoát chết nhờ chui vô nhà vệ sinh nhưng lại có ý kiến bảo làm thế là tự tìm chỗ chết?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Tùy và từng trường hợp mà mỗi người có cách di chuyển khác nhau, nhưng tuy nhiên đa phần chúng ta không nên chui vào tủ quần áo, nhà vệ sinh.. vì lửa có thể bén đến, chúng ta có thể bị ngạt, cháy.

Những trường hợp vào nhà vệ sinh, tủ quần áo mà thoát chết chỉ là trường hợp hi hữu.

Minh An:
Ở chung cư cao tầng, nếu có cháy mình làm gì để thoát thân an toàn ạ?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Việc đầu tiên là phải bình tĩnh xác định đó là cháy thật hay giả, vị trí xảy ra cháy. Nếu là cháy thật, nhanh chóng thông báo cho các thành viên trong gia đình được biết. Trong khi di chuyển thì báo động cho các căn hộ xung quanh biết đang xảy ra cháy để cùng thoát nạn.

Sử dụng khăn vải ướt, mặt nạ lọc độc, hướng dẫn các thành viên ra lối cầu thang bộ để thoát nạn xuống dưới mặt đất.

Trong trường hợp lối cầu thang bộ nhiễm khói, nếu vị trí của căn hộ nhà mình cách xa từ 4 tầng trở lên so với tầng xảy ra cháy mà không thể đến lối cầu thang bộ xuống mặt đất do nhiễm khói, các thành viên trong gia đình đóng cửa lại gọi điện báo cháy cho cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ qua số 114.

Trong trường hợp hành lang bị nhiễm khói mà không thể thoát ra ngoài, sử dụng khăn vải ướt, băng dính dán vào khe cửa để khói khí độc không tràn vào nhà mình. Di chuyển ra ban công gọi to, ra hiệu, đồng thời gọi điện báo cháy qua số 114.

Những căn hộ ở cách tầng bị cháy từ 1-3 tầng nếu không thoát nạn được xuống mặt đất thì chạy lên các tầng phía trên, di chuyển vào các căn hộ khác để lánh nạn.

cẩm nang pccc_06
 
Nguyễn Hải:
Nhà trong hẻm nhỏ chỉ có 1 cửa chính, lại chung vách nhà hàng xóm, thì mình phòng cháy ra sao?
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Khi xây dựng hoặc cải tạo ngôi nhà, cần bố trí các lối thoát nạn phụ như lối ở ban công để di chuyển snag nhà hàng xóm, trên sÂn thượng, trên tum hoặc trổ cửa lên mái, trần để tạo những lối thoát nạn phụ.

Đối với việc phòng cháy thì trang bị hệ thống dây dẫn thiết bị điện phải vượt mức chịu tải của tổng các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà.

Đối với các thiết bị như bếp gà, bếp từ, hồng ngoại... thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị hưu hỏng... Không tàng trữ các chất dễ cháy trong nhà như xăng dầu. Khi đun nấu hặc sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện phải có người trông coi giám sát. Việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã cần đúng nơi quy định. Khi đi ngủ, ra khỏi phòng phải tắt nến, để vàng mã cách xa khu vực nến, hương đang cháy.

Trang bị kiến thức kỹ năng về an toàn PCCC và thoát nạn cho các thành viên trong gia đình (tham gia các lớp tuyên truyền, huấn luyện do địa phương hoặc cơ quan tổ chức, tìm hiểu kiến thức trên các mạng xã hội, các ứng ụng, trang Web). Có phương án thoát nạn đối vứoi ngôi nhà và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình.

cẩm nang pccc_05
 
Trang Nguyen:
Trên mạng đang lan truyền clip cháy xe điện không thể dập tắt được bằng bình cứu hóa mini thông thường. Xin hỏi nếu vậy thì dập bằng gì, như thế nào? Nhà có xe điện nên để xe ở đâu, cần lưu ý gì? Cảm ơn thiếu tá!
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân:

Ở giai đoạn ban đầu, khi pin xe đạp điện mới bắt đầu cháy thì phản ứng hóa học đang diễn ra và lúc này các thiết bị chữa cháy như bình chữa cháy xách tay chưa có hiệu quả ngay. Lúc này cần nhanh chóng di chuyển xe điện ra khỏi khu vực gần các chất nguy hiển dễ cháy nổ để tránh cháy lan sang các thiết bị khác và tránh cháy lan cả ngôi nhà.

Khi đã di chuyển xe ra ngoài, có thể phản ứng hóa học của các chất trong pin đã xong thì có thể sử dụng các thiết bị chữa cháy ban đầu (bình chữa cháy xách tay).

Đối với xe đạp điện, khi đi về nhà để nạp sạc, cần để ở khu vực cách xa các phương tiện đi lại khác. Đồng thời phải có người trông coi, giám sát việc sạc xe.

Khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, phải ngắt sạc. Không sạc xe đạp điện qua đêm. Khi xe mới di chuyển về nhà thì không nên sạc ngay vì cục pin của xe còn nóng dễ gây cháy nổ.

banner gltt update
 

 

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên