30/04/2014 04:25 GMT+7

Thoát khỏi lối mòn

HẢI THI
HẢI THI

TT - Để bồi đắp nên con đường tư duy, phong cách sống - làm việc, một người phải đổ nhiều thời gian, tâm sức. Nhưng nếu cứ hài lòng bước mãi trên con đường ấy, nó sẽ chóng thành lối mòn. Người giỏi đến đâu cũng cần thay đổi để học hỏi.

Đó là thông điệp được gửi gắm trong buổi tập huấn kỹ năng dành cho người thành đạt “Unlearn to learn” (Buông thả để học hỏi - PV) diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM do Cánh Cung, Khuê Văn và d’Oz International tổ chức. Vấn nạn nhân sự của các doanh nghiệp VN hiện nay, theo ông Trần Đình Dũng - chuyên gia tư vấn giải pháp nhân sự, ai cũng là chuyên gia, ai cũng giỏi, từ phòng vật tư, kinh doanh, tiếp thị, truyền thông... Tuy nhiên khi làm việc với nhau, mọi người tạo thành một tập thể... công nhân bậc cao vì không ai từ bỏ cái tôi để hợp tác.

Ở tầm doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng VN vẫn chưa từ bỏ phương án “săn bắt - hái lượm” người tài để thay bằng “nuôi dưỡng - gieo trồng”. Mọi người vẫn chọn cách dễ và an toàn dù mang lại năng suất thấp và kém bền vững. “Một khi chưa buông cái cũ, cái lạc hậu, chúng ta không thể tiếp thu cái mới, cái phù hợp” - ông gợi mở.

Câu chuyện người tiều phu lành nghề được kể bởi bà Angelina V. Teo - chuyên gia đào tạo và phát triển con người - đưa đến một cái nhìn cụ thể hơn: Một bác tiều phu rất giỏi dùng rìu và cưa tay để đốn gỗ. Ông tự tin vào kỹ năng của mình cho đến một ngày người hàng xóm làm ông hoang mang. Tay nghề anh ta kém ông xa, nhưng gần đây anh ta có sản lượng gỗ vượt trội. Anh ta dùng cưa máy! Ông tiều phu quá kiêu hãnh vào tay rìu, tay cưa của mình đã không chấp nhận sự cải tiến. Ông không nhận ra ông ngày một già yếu, đồng thời các công cụ đắc lực cũng ngày một cùn mòn.

Những kỹ năng, kiến thức từng rất hữu dụng trong quá khứ chưa chắc làm nên chuyện trong hiện tại, càng không rõ có vai trò gì trong tương lai. “Hãy ý thức chỉ duy nhất một điều không đổi: tất cả đều thay đổi - bà Angelina nhấn mạnh và đặt câu hỏi - Lần cuối chúng ta thôi thỏa mãn về bản thân và ngồi xuống mài cưa rìu là khi nào?”.

“Ba mẹ, thầy cô từng dạy chúng ta làm việc chăm chỉ. Nhưng thời đại đã khác. Đây là thời của làm việc thông minh. Có một điều quan trọng hơn làm quần quật: cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một tập thể những con người không hạnh phúc do bệnh tật, bỏ mặc gia đình, thiếu thốn những buổi chia sẻ thân mật bạn bè... không thể xây dựng một xã hội phát triển”. Theo bà, việc thay đổi cách nghĩ, cách sống và làm việc chính là thoát khỏi lối mòn tìm đến chân trời mới, nơi sức lao động được sử dụng thông minh hơn bởi những người hạnh phúc hơn.

Đơn cử bà đưa ra con số 65 - 80% thời gian được chúng ta sử dụng để giải quyết những vấn đề cấp bách nhưng không quan trọng. Phần ít ỏi còn lại được chia cho những vấn đề lẽ ra vừa cấp bách vừa quan trọng như dạy con học chẳng hạn. “Thời gian bị sử dụng không hợp lý làm tăng stress. Tương tự với tài chính. Nhưng nhiều người trong chúng ta ở trong guồng quá lâu để có thể nhận ra cách thức hiện tại không phù hợp, hoặc không đủ can đảm để thay đổi” - bà Angelina đúc kết.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên