08/01/2013 16:54 GMT+7

Thóa mạ thầy cô: đuổi thì dễ, giáo dục mới khó

chonle78@...
chonle78@...

TTO - Đó là suy nghĩ của nhiều bạn đọc xung quanh vụ việc một HS thóa mạ thầy cô trên Facebook.

Nên hay không nên đuổi học em học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) này, TTO xin lược đăng.

IcszlNsI.jpgPhóng to

Trong số 102 email gửi về TTO chiều nay 8-1, có 79 ý kiến cho rằng nên cho em học sinh này một cơ hội sửa sai, 23 ý kiến đồng tình với quyết định buộc thôi học.

Các ý kiến đồng thời mổ xẻ, phân tích về vai trò của xã hội, gia đình trong việc giáo dục con cái.

Hiệu trưởng nhà trường nói gì?Bị đuổi học vì thóa mạ thầy cô trên Facebook

TTO xin trích đăng:

* Con dại cái mang

Đọc bài “Bị đuổi học vì thóa mạ thầy cô trên Facebook” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 7-1, bỗng dưng tôi nhớ ông bà ta có câu "con dại cái mang".

Con trẻ nông nổi và chưa ý thức được những hành vi của bản thân, vì vậy rất cần sự bảo ban, giáo dục, định hướng từ nhà trường và gia đình.

Người lớn phải chủ động đón nhận những phản ứng tích cực và tiêu cực từ con trẻ vì sự ứng xử của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con trẻ.

Ứng xử bằng cách đuổi học là quá dễ cho phía nhà trường khi tỏ ra nghiêm khắc trong việc loại bỏ một học sinh hư. Như vậy, nhà trường đã xong trách nhiệm.

Giờ đây trách nhiệm giáo dục em thuộc về gia đình và xã hội.

Cá nhân tôi khi đọc "tuyên ngôn ..." của em học sinh này cũng thấy là em rất vô lễ với thầy cô giáo của mình.

Tuy nhiên, cái cách mà hội đồng kỷ luật của trường xử lý tôi lại thấy chưa mang tính giáo dục cao.

Giống như một người lớn bị trẻ con hỗn hào xúc phạm thì giáng cho bạt tai vậy.

Đồng ý là phải xử lý kỷ luật, nhưng phải với mục đích giáo dục để học sinh mình tiến bộ.

Liệu gia đình và xã hội có làm thay phần trách nhiệm của nhà trường được hay không?

Tôi hình dung rằng ba mẹ em hằng ngày bận rộn với mưu sinh, còn em thì mặc cảm với lỗi lầm. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, em bé biết đi đâu về đâu, nhỡ xảy ra thêm chuyện không hay thì sao? Một năm không đi học thì em sẽ làm gì?

Tất nhiên, ba mẹ em phải có trách nhiệm và nghĩa vụ dạy con nhưng làm sao có thể dạy chữ cho con, làm sao giúp cho em vượt qua lỗi lầm này một cách có phương pháp sư phạm?

Còn xã hội thì mênh mông quá! Tổ chức nào sẽ tư vấn, hỗ trợ tâm lý hay hướng dẫn, giáo dục em?

Với kinh nghiệm hơn 20 năm cắp sách đến trường và hàng chục năm dạy con, theo tôi, lẽ ra nhà trường phải bình tĩnh phân tích, tìm cách ứng xử trong trường hợp đặc biệt này chứ không nên từ bỏ trách nhiệm của mình. Biết đâu nhà trường cũng có phần lỗi khi để xảy ra phản ứng tiêu cực của em?

Khi phân tích nhiều chiều, có phương pháp sư phạm, có tình có lý, nhà trường chẳng những giúp em sửa lỗi mà còn qua đó rút ra được bài học đáng giá cho các em học sinh khác.

Tôi mong nhà trường nghĩ lại và chọn cách hành xử cho xứng đáng với thiên chức nhà giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người.

BÍCH HƯỜNG

* Hãy dùng tình thương

Vẫn biết nội quy là nội quy nhưng đôi khi sai lầm cũng nên cần được đối xử bằng tình thương để con người quay lại đúng đường. Với việc đuổi học có phải ngành giáo dục gián tiếp đẩy vào đời thêm một người thất học, thất nghiệp và nhiều hệ lụy khác nữa không? Trong khi bản thân em học sinh này rất muốn được tiếp tục đi học.

Rất mong nhà trường nhẹ tay cho em một cơ hội để em hằng ngày được sống trong môi trường giáo dục. Em còn quá nhỏ!

hienvy1990@...

Học sinh chưa ngoan, thầy cô cần phải chỉ dạy để các em ngoan. Và trước hết mỗi thầy cô cũng như bao người lớn khác phải là tấm gương... Tôi cũng nghĩ giáo dục gia đình là quan trọng nhất. Bố mẹ, thầy cô giáo hãy dùng trái tim để tâm sự, chia sẻ; dùng trí tuệ của mình để dẫn dắt các em; dùng những hiểu biết về kỹ năng trong cuộc sống mới để định hướng cho các em.

Hoàng Minh Lài (hoanglaidhsp@....)

Theo tôi, em ấy bị phạt như thế là đúng về lý, vậy hãy tuyên bố kỷ luật em ấy trước hội đồng kỷ luật, trước toàn trường mức phạt ấy. Nhưng về tình, hãy hỏi em ấy có còn muốn đi học, có thật sự sẽ thay đổi để tiếp tục học nếu được giảm nhẹ hình phạt.

Nếu em ấy đã hiểu mức độ nghiêm trọng thì nên phạt vài ngày thôi, vì cũng đến mùa thi cử.

Hãy cho em ấy cơ hội. Đừng đẩy em ấy xa môi trường giáo dục có thể xem là tốt nhất với em ấy hiện nay.

oanhlk3079@...

* Có nhiều cách xử phạt

Học sinh đi học là để trở thành người tốt. Khi học sinh chưa tốt thì bị đuổi học. Như vậy, vô hình trung là chúng ta đã làm cho các em chậm trở thành người tốt. Ở đây là môi trường giáo dục, các em không phải là tội phạm như trong môi trường xã hội.

Khi xảy ra vấn đề, chúng ta nên nhìn nhận nó dưới góc độ trách nhiệm, với thái độ yêu thương với mong muốn cải thiện, uốn nắn, sửa đổi cho em thành một người tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tôi chưa hình dung hết là trong 1 năm em bị đuổi học em sẽ làm gì, học ở đâu và ai sẽ giáo dục em?

Nên chăng là đối với những em học sinh như thế, chúng ta phải "phạt" các em học nhiều hơn (học văn hóa) thay vì phạt đuổi học các em như thế...!

tonnykhong@...

* Giữ môi trường giáo dục tốt

Nhà trường phải là một môi trường giáo dục tốt trước, sau mới tính đến dạy học trò.

Tôi đồng ý với cách xử lý của nhà trường.

Nếu giáo dục được một con người trở nên tốt hơn thì quá hay.

Nhưng để một con người phá đi một môi trường giáo dục tốt thì là thảm họa.

Gia đình không thể chỉ để con cho nhà trường giáo dục được.

Bởi mục tiêu chính của nhà trường là tạo ra một môi trường giáo dục tốt cho tất cả học sinh tham gia bình đẳng, không chỉ là tạo điều kiện cho từng cá nhân.

Gia đình phải chăm sóc, dạy bảo con cái họ, ít nhất là dạy chúng yêu trường lớp bạn bè trước rồi hãy đổ lỗi cho nhà trường.

ngoclanbkhn@...

Theo tôi là cần thiết phải xử lý như vậy! Làm người thầy (cô) không một ai muốn đuổi học sinh mình ra khỏi môi trường giáo dục. Tuy nhiên qua tình huống vi phạm này ta thấy bản chất của sự việc rất nghiêm trọng, em học sinh này đã bị khiển trách trước đó và tái diễn vi phạm đạo đức khi dùng trang mạng của mình thóa mạ thầy cô giáo.

Hành động của nhà trường là đúng để làm gương, răn đe hàng triệu học sinh khác và đánh động đến toàn xã hội tình trạng xuống cấp về đạo đức của học sinh.

Nguyen Được (duociapa@...)

* Hãy cảnh giác với mặt trái của công nghệ thông tin

Tôi là GV từng có nhiều năm dạy HS lớp 8. Các em đang ở lứa tuổi học làm người lớn nên có những cách khẳng định mình rất riêng. Không ít em khá khó dạy bảo vì các em chỉ thích làm theo ý mình. Nhiều em hành động nông nổi là chuyện không thể tránh khỏi. Xử phạt các em phải với mục đích giáo dục là chính, chỉ cho các em thấy những sai trái, vạch ra cho em "đường ngay lối thẳng" để các em trở về chứ không nên đẩy các em ra khỏi nhà trường.

Nhà trường quyết định đuổi học một HS theo tôi chắc là đã có cân nhắc vì họp hội đồng kỷ luật phải có đầy đủ ban giám hiệu, ban đại diện cha mẹ HS, HS, cha mẹ HS vi phạm, phụ trách Đội, GV chủ nhiệm... và chắc chắn mỗi người cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cho vấn đề này.

Đẩy một HS ra khỏi sự giáo dục ở nhà trường tất nhiên những người làm công tác giáo dục cũng đau lòng lắm.

Nếu thật sự em V. không phải là tác giả của "bản tuyên ngôn" ấy mà chỉ chép lại rồi đẩy lên Facebook thì hình thức vi phạm của em chỉ ở mức tuyên truyền nội dung không lành mạnh.

Và nếu V. chỉ vi phạm lần đầu không có những vi phạm nào trước đó thì hình thức kỷ luật là hạ bậc hạnh kiểm, yêu cầu em phải rèn luyện thêm trong hè.

Nếu em tiếp tục vi phạm trong thời gian rèn luyện thì vấn đề cho em ở lại lớp hay thậm chí đuổi học là không sai.

Hiện nay sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đã bộc lộ khá nhiều mặt trái của nó. Nhà trường, gia đình và xã hội cần chung sức để giáo dục các em, đừng để nhân cách các em phát triển không tốt vì mặt trái này.

Đàm Thị Xuân Uyên (damthixuanuyen@...)

chonle78@...
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên