Trong cuộc sống hiện nay, cũng có ý kiến cho rằng món thịt kho hột vịt nhiều mỡ, nhiều đạm không phải là món ăn… heo thỳ.
Không có thịt kho hột vịt, không thấy Tết
Kệ, ai nói gì nói, với rất đông người Nam Bộ, không có món thịt kho hột vịt trên mâm cúng ngày cuối năm, trong mấy ngày xuân, dường như không thấy Tết.
Làm món thịt kho hột vịt đúng điệu khá mất thời gian.
Thịt ba rọi chọn miếng thật ngon, cắt vuông vắn.
Trứng vịt, sau này còn có thêm trứng cút, hột vịt muối… thêm vào nồi thịt kho tàu, tùy theo sở thích mỗi nhà.
Khâu ướp thịt phải kỹ càng, đủ muối, đường, bột ngọt, nước mắm, hành, tỏi…
Có nhà sau khi ướp thịt cất công phơi 1, 2 nắng để miếng thịt trong. Thịt khi kho không bị bể, ăn ngon hơn.
Sau phần ướp thì phần kho cũng được chăm chút. Thịt phải kho với nước dừa ăn mới… tê tái.
Nồi thịt bắc lên bếp để lửa riu riu, canh vớt bọt thường xuyên cho nước trong.
Ở quê, nấu bếp củi thì nồi thịt kho hột vịt dường như ngon hơn bởi có lẫn mùi khói, chút tro quyện vô miếng thịt được kho rệu, trứng vịt bùi bùi.
Người xưa lý giải sở dĩ món thịt kho hột vịt trở thành món ăn truyền thống ngày Tết của người Nam Bộ vì trước đây bà con nuôi heo, cứ Tết xẻ thịt chia nhau.
Hột vịt thì từ bầy vịt nuôi đầy đồng. Ngày xưa mùa Tết chợ búa cũng nghỉ nên cứ nấu nồi thịt kho hột vịt bự chảng là yên tâm có cái để ăn mấy ngày xuân.
Món thịt kho hột vịt chấm dưa giá, dưa cải… ngon xuất sắc. Hột vịt thì hâm đi hâm lại lớp ngoài dai dai, nâu bóng, ăn càng ngon.
Bởi vậy, cứ Tết tới nhà nào cũng thủ sẵn nồi thịt kho tàu, nồi khổ qua, hủ kiệu, tôm khô, bánh tét…
Tết Nam Bộ phải có mai, dưa hấu… Mai An Tiêm!
Trong cuộc sống hôm nay, bất cứ lúc nào người ta cũng có thể nấu và ăn món thịt kho hột vịt, không nấu thì chạy ra siêu thị mua cũng ê hề.
Nhưng Tết mà không thấy món thịt kho hột vịt trên mâm là… không được. Bởi dường như Tết tới, người ta cảm thấy ăn thịt kho hột vịt ngon hơn.
Và quan trọng, ăn không chỉ là ăn mà còn là ký ức, hình ảnh thân thương của ẩm thực ngày Tết.
Chị Linh Đam, nhà ở Cần Thơ, cười nói rằng ba chị năm nay gần 90 tuổi. Cứ tới Tết, ông đòi phải mua cho ông cặp dưa hấu chưng trên bàn thờ.
Mà không phải loại dưa hấu dài, sọc xanh hay vàng bán đầy siêu thị. Phải đúng loại dưa hấu tròn, da xanh thẫm mà tụi con cháu trong nhà hay chọc ông ngoại là dưa hấu… Mai An Tiêm, ông mới chịu.
Những ngày cuối năm, dù sức khỏe yếu nhưng ông luôn để ý chăm chút bàn thờ. Không cần bày vẽ nhiều, chỉ cần đủ cặp dưa hấu, bình bông, dĩa ngũ quả là ông vui.
Với nhiều nhà miền Nam, Tết mà không có hoa mai cũng coi như không có Tết. Những ngày cuối năm, đi sâu vào các miền quê, người ta choáng ngợp bởi mai khoe sắc tưng bừng.
Có nhà trồng mai như hàng rào, Tết tới từng cây bung cánh vàng rực, nhìn mà mê man.
Bây giờ rất nhiều loại hoa, ta có, Tây có, nhưng với người miền Tây làm gì làm cũng phải có chậu bông cúc trước hiên nhà trong ngày xuân.
"Hồi xưa, tôi hay nhăn ba vì những trái dưa hấu tròn, xanh thẫm giờ chẳng biết người ta trồng sao mà chưng Tết xong là bị hư, chẳng ăn được.
Nhưng khi có tuổi, thấy đồng cảm với ba. Bởi nhìn những hình ảnh ngày Tết cổ truyền khiến mình cảm giác rưng rưng, xúc động. Ba giữ Tết cho mình, rồi mình cũng sẽ giữ Tết cho con cháu sau này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận